Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay nước ta có khoảng 7,7% cặp vợ chồng vô sinh trong độ tuổi sinh sản, hơn 1 triệu cặp vợ chồng gặp phải các vấn đề vô sinh, hiếm muộn.
Hiện nay, với sự phát triển vượt trội trong điều trị hiếm muộn, vô sinh và các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, giấc mơ có con của nhiều cặp vợ chồng đã được thực hiện dễ dàng hơn. Đó là chia sẻ của PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - trong khuôn khổ chương trình đào tạo y khoa liên tục chuyên đề “Tư vấn di truyền hỗ trợ sinh sản 2019” được bệnh viện này tổ chức ngày 5/4.
Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Bắc, bên cạnh việc cập nhật những tiến bộ của y học thế giới về điều trị vô sinh, hiếm muộn, các bệnh viện tại Việt Nam cũng đã tập trung vào việc đầu tư, nâng cấp các trang thiết bị hiện đại, tạo nên những bước phát triển cả về số lượng và chất lượng điều trị. Vì vậy, ngoài ý nghĩa về mặt khoa học, các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản còn mang ý nghĩa nhân văn, mang đến cơ hội tiếp cận các kỹ thuật điều trị cao cho người dân ngay tại Việt Nam.
“Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, ngoài nhiệm vụ là đơn vị điều trị chuyên sâu, theo dõi các trường hợp thai kì nguy cơ cao, sàng lọc các bất thường nhiễm sắc thể, đột biến gene, thực hiện các thủ thuật chẩn đoán và can thiệp bào thai, Đơn vị Chẩn đoán trước sinh còn đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, đào tạo; phối hợp với các bệnh viện trên thế giới trong việc tiếp cận các kiến thức, kỹ năng mới, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người bệnh”, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho hay.
Ảnh minh họa
TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương - cho biết, tình trạng vô sinh, hiếm muôn ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở nước ta ở mức từ 7-10%. Trong đó, 30% nguyên nhân vô sinh, hiếm muộn là do người vợ, 30% là do người chồng, 30% là do cả hai vợ chồng và 10% nguyên nhân vô sinh, hiếm muộn không tìm được nguyên nhân. Vô sinh, hiếm muộn không đơn thuần là bệnh lý mà nó còn là một trong những nguyên nhân khiến cho gia đình dễ đổ vỡ.
Theo bác sĩ Tuyết, việc điều trị vô sinh, hiếm muộn dựa vào điều trị nguyên nhân. Với trang thiết bị điều trị vô sinh, hiếm muộn ngày càng hiện đại, đội ngũ y bác sĩ không ngừng học tập, ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới giúp cho tỉ lệ điều trị vô sinh, hiếm muộn thành công ngày càng cao.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, vô sinh và hiếm muộn là căn bệnh nguy hiểm thứ 3, chỉ đứng sau ung thư, bệnh tim mạch ở thế kỷ XXI và Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ vô sinh cao trên thế giới.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay có khoảng 7,7% cặp vợ chồng vô sinh trong độ tuổi sinh sản, hơn 1 triệu cặp vợ chồng gặp phải các vấn đề vô sinh, hiếm muộn.
Một vấn đề khác cũng rất được quan tâm là số lượng trẻ mắc các bệnh lý di truyền và dị tật bẩm sinh ở nước ta không hề nhỏ. Mỗi năm, tại Việt Nam có khoảng 1,5 triệu trẻ được sinh ra, trong đó có khoảng 1.400 - 1.800 trẻ mắc hội chứng Down (Trisomy 21), 200 - 250 trẻ mắc hội chứng EdWards (Trisomy 18), 1.000 - 1.500 trẻ bị dị tật ống thần kinh, 2.200 trẻ mắc bệnh Thalassemia (Tan máu bẩm sinh)...
Với thực trạng trên, việc ứng dụng phân tích di truyền trong điều trị vô sinh, hiếm muộn đã mang lại nhiều tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, giúp sàng lọc, chẩn đoán các hội chứng di truyền trước sinh.
Đông Quân