Vi khuẩn kháng kháng sinh có thể lây từ người này sang người khác
Lạm dụng kháng sinh có thể sinh ra vi khuẩn kháng kháng sinh trên da, trong hệ tiêu hóa… và có thể lây sang người khác.
Đây là lời khẳng định của PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai khi nhắc tới việc sử dụng kháng sinh.
Khi dùng kháng sinh trở thành trào lưu
Một đứa trẻ bị viêm phổi do các vi khuẩn thông thường không kháng thuốc thì chữa rất dễ. Không cần những kháng sinh đắt tiền, mà chỉ cần kháng sinh cũ và chỉ 5-7 ngày là khỏi. Thế nhưng, cũng với trường hợp bệnh nhi như vậy mà mắc phải vi khuẩn kháng thuốc, thì chữa khó hơn. Phải dùng những thuốc kháng sinh mới hơn, đắt tiền hơn, cao cấp hơn… Không những chỉ dùng một kháng sinh, mà có thể phải dùng 2-3 loại và thời gian dùng phải dài hơn… Những điều này đồng nghĩa là chi phí mà người bệnh phải chịu bị đẩy lên đắt hơn, thời gian nằm viện điều trị dài ngày hơn.
PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai.
Đấy là những bệnh nhân may mắn, khi vi khuẩn bị tiêu diệt và cứu được người bệnh. Vì có những trường hợp không may, khi dùng nhiều loại thuốc rồi, thời gian điều trị dài hơn rồi mà vẫn không tiêu diệt được vi khuẩn. Đây chỉ là ví dụ đơn giản với bệnh viêm phổi, còn những bệnh nặng hơn như viêm màng não còn điều trị khó khăn hơn rất nhiều.
PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, kháng sinh là loại thuốc đặc biệt, kháng sinh là “con dao hai lưỡi”… nếu dùng tốt, dùng đúng thì khỏi bệnh còn dùng sai thì thiệt hại không kể hết.
“Khi dùng kháng sinh phải hạn chế sử dụng, chúng ta chỉ sử dụng khi nào cần thiết. Bởi khi chúng ta mắc bệnh liên quan đến vi trùng, khi đó chúng ta dùng kháng sinh điều trị sẽ rất đơn giản, nhanh, không tốn kém và nhất là không hại đến sức khỏe nhiều”, PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh.
Thay đổi từ thầy thuốc
Tự làm hại mình mà không biết. Thiếu kiến thức nhưng vẫn sử dụng kháng sinh, dẫn đến tự sử dụng kháng sinh. Người bệnh phải thay đổi, người cung cấp thuốc, dược sĩ cũng phải thay đổi. Với thầy thuốc, tránh việc kê đơn lạm dụng kháng sinh, để cho chắc chắn.
Lạm dụng kháng sinh là những trường hợp không cần dùng kháng sinh mà vẫn dùng. Tất cả các đối tượng đều lạm dụng. Đầu tiên phải nói đến bệnh nhân - đối tượng sử dụng, cứ ho hay sốt là uống kháng sinh. Nếu không đỡ mới đi khám thầy thuốc. Thứ hai là người bán thuốc, người bệnh chỉ cần nêu tình trạng bệnh là sẵn sàng bán thuốc cho và luôn có kèm theo kháng sinh. Thứ ba là thầy thuốc, khi gặp những trường hợp nhẹ chỉ là cảm cúm cũng đã kê kháng sinh.
“Cả ba đối tượng đều thi nhau lạm dụng kháng sinh. Kháng sinh hại cho người dùng và cho cả những người xung quanh dù không dùng kháng sinh. Một người lạm dụng kháng sinh, thì trong cơ thể sẽ sinh ra vi khuẩn kháng kháng sinh trên da, trong hệ tiêu hóa… khi sống chung trong một gia đình vi khuẩn có thể lây sang cho người khác”, PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng cho biết.
Theo ông, có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng kháng kháng sinh. Nguyên nhân đầu tiên được gọi là kháng tự nhiên, có nghĩa là sau một thời gian, vi khuẩn sẽ tự kháng thuốc vì đấu tranh sinh tồn. Tuy nhiên, kháng kháng sinh tự nhiên vi khuẩn phải mất thời gian rất dài để có thể kháng thuốc.
Trong khi, kháng kháng sinh thu nhận lại diễn ra rất nhanh. Với nguyên nhân quan trọng là do chúng ta sử dụng kháng sinh ngày một nhiều, không những chỉ sử dụng trong y tế mà còn sử dụng trong chăn nuôi. Ngoài ngành y tế cũng dùng và lượng kháng sinh sử dụng đang tăng lên gấp bội.
“Nguyên nhân sử dụng kháng sinh nhiều như thế có thể là do chúng ta đối mặt với ngày càng nhiều bệnh hơn, ngày càng nhiều bệnh nhân hơn, số bệnh nhân cần điều trị bằng kháng sinh cũng ngày càng nhiều lên… Một mặt quan trọng nữa là lạm dụng kháng sinh. Nó đẩy việc sử dụng kháng sinh lên rất nhiều”, ông Dũng nói.
Kháng sinh ngoài ngành y tế
Những người làm nông nghiệp cũng phải tư duy lại. Thực tế, gia súc và gia cầm khi được chăn nuôi bằng kháng sinh cũng sẽ tồn dư kháng sinh trong thịt. Khi người tiêu dùng sử dụng thì sẽ sử dụng kháng sinh từ những thực phẩm này.
Bà Nguyễn Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết: “Việc sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm kích thích tăng trưởng. Việc này dẫn đến kháng kháng sinh trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, người chăn nuôi cũng như của các nhà chuyên môn, cơ sở hiện nay trong việc giám sát, sử dụng kháng sinh cũng như giám sát kháng kháng sinh trong nông nghiệp, trong nuôi trồng thủy sản còn hạn chế”.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến.
“Đối với các hiệu thuốc, phải nghiêm túc thực hiện bán thuốc theo đơn. Chúng ta phải sử dụng các loại thuốc có chất lượng tốt. Việt Nam cũng là một trong những nước đang đối mặt với tình trạng kháng thuốc khá rõ nét”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh./.
Tin nổi bật
- Nhiều người đi khám sức khỏe mới phát hiện bị bệnh tâm thần
05/07/2024 - 10:54:06
- Thanh niên suýt mất mạng vì ngộ độc thuốc diệt chuột
04/07/2024 - 10:12:39
- Đau bụng đi khám bác sĩ, bàng hoàng phát hiện sán não ký sinh khắp cơ thể
04/07/2024 - 10:00:07
- Bộ Y tế và UNCEF trao đổi thúc đẩy tiếp tục hợp tác về chăm sóc sức khoẻ nhân dân
04/07/2024 - 09:56:36
- Trích rạch vết thương do vỡ hạt tophi sau biến chứng của bệnh gout, cụ ông bị nhiễm trùng nặng
04/07/2024 - 09:52:37
- Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm ông Nguyễn Toàn Thắng giữ chức Phó Chánh Văn phòng Bộ
04/07/2024 - 09:50:03