Việt Nam chống đỡ được dịch bệnh do đồng lòng, xây dựng tốt y tế dự phòng
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cho rằng sở dĩ Việt Nam kiểm soát, chống đỡ được dịch bệnh là nhờ Đảng, Nhà nước, nhân dân luôn "trên dưới một lòng", coi sức khoẻ nhân dân là số 1, xây dựng được tốt y tế dự phòng.
Chiều 5-12 tại Hà Nội, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng gặp mặt đoàn thầy thuốc trẻ tiêu biểu dự Đại hội thầy thuốc trẻ lần thứ IV.
Chống được dịch bệnh, có sự đóng góp của "chiến sĩ áo trắng"
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cho biết năm 2020, đất nước trải qua nhiều thử thách như thiên tai, bão lũ, đặc biệt đại dịch COVID-19 tác động rất lớn nhưng toàn Đảng, toàn dân luôn đoàn kết, đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào.
Cụ thể, kinh tế tăng trưởng dương; được khu vực, bạn bè quốc tế đánh giá cao; tham gia tích cực với những sáng kiến diễn đàn đa phương; đặc biệt chống được, kiểm soát được dịch bệnh COVID-19. Trong thành tựu chung đó, có sự đóng góp rất lớn của ngành y tế, của những thầy thuốc trẻ, những "chiến sĩ áo trắng" trên tuyến đầu.
"Sở dĩ chúng ta kiềm chế được, kiểm soát được là nhờ sự dày công của ngành y tế, của cả cộng đồng, của cả đất nước xây dựng được y tế dự phòng, cho nên chúng ta mới có sức mạnh như vậy. Tới đây cần làm tốt hơn nữa, giúp chúng ta có khả năng chống đỡ" - ông Trần Quốc Vượng nói.
Nhấn mạnh "sức khỏe con người là quý giá nhất", Thường trực Ban Bí thư cho biết điều tiên quyết vẫn là sự đoàn kết nhất trí, "trên dưới như một", Đảng, Nhà nước luôn coi sức khỏe nhân dân là số 1.
"Tập trung trước hết là sức khỏe, phải dập dịch, chúng ta luôn luôn khẳng định con người là trung tâm. Nghề của các bạn là cao quý, bảo vệ sức khỏe cho dân nên chúng ta phải hiểu rõ sứ mệnh, vinh dự đặc biệt, trách nhiệm nặng nề của mình, trước hết chúng ta phải vì cái chung của đất nước", Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.
Đồng bộ trang thiết bị cho tuyến cơ sở
Vừa trở về từ huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên sau đề án thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khám chữa bệnh, bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ sau 3 năm anh hiểu được tình trạng y tế ở vùng sâu vùng xa đang gặp rất nhiều khó khăn - cả về nhân lực, vật lực, trang thiết bị y tế.
"Mong muốn quan tâm hơn nữa về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho tuyến cơ sở phải đồng bộ", bác sĩ Hiếu nói.
Cùng với đó, đề xuất phát triển hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực bác sĩ trẻ; có thể xem xét thành lập quỹ y tế toàn quốc…
Bác sĩ Trần Khánh Thu ở Thái Bình bày tỏ mong muốn được trao cho hội thầy thuốc trẻ các cấp thành lập phòng khám tình nguyện ở các tỉnh, huyện để duy trì thường xuyên, bà con được tiếp cận nhiều hơn, là cầu nối khám chữa bệnh đến người dân.
Hiện nay, hội có 31 hội cấp tỉnh, 32 CLB thầy thuốc trẻ cấp tỉnh, với hơn 600 câu lạc bộ thầy thuốc trẻ tại các bệnh viện, tổng số 82.600 hội viên.
HÀ THANH
Link nguồn:
Theo tuoitre.vn
Tin nổi bật
- Các quy định về đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế đã đầy đủ, thống nhất
01/07/2024 - 09:50:23
- Chi tiết 5 chính sách lớn để phát triển công nghiệp dược, tăng tiếp cận thuốc mới của người dân
26/06/2024 - 14:39:35
- Bộ Y tế công bố 5 thủ tục hành chính lĩnh vực thiết bị y tế
19/06/2024 - 10:49:57
- Sửa đổi, bổ sung Luật Dược: Đảm bảo cung ứng thuốc đầy đủ, chất lượng, giá hợp lý đến nhân dân
17/06/2024 - 09:55:52
- Quy định mới về tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân”, “Thầy thuốc ưu tú”
04/03/2024 - 15:15:11
- Thứ trưởng Bộ Y tế: Nhiều điểm mới tạo hành lang pháp lý quan trọng cho hoạt động khám, chữa bệnh
19/05/2023 - 14:28:29