Xây dựng Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi): Bài học là sự quyết tâm, quyết liệt và không né tránh
Ngày 14/2, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 20, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tiến hành tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 2 và thứ 3.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận nội dung UBTVQH tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 2 và thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, 2 kỳ họp bất thường đạt kết quả tốt và hoàn thành các nội dung, chương trình đề ra, trình tự, diễn biến kỳ họp thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Công tác nhân sự bám sát quy định của Đảng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng, Kỳ họp bất thường lần thứ 2 dù thời gian rất ngắn nhưng thông qua các dự án luật, thể hiện sự cố gắng của cơ quan thẩm tra của Quốc hội giải trình ý kiến của các ĐBQH trong thời gian ngắn, làm việc cả thứ 7, chủ nhật, thậm chí cả đêm. Việc triệu tập Kỳ họp bất thường rất gấp và sát Tết nhưng công tác chuẩn bị, đảm bảo hậu cần rất tốt.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu ý kiến.
Đồng tình với báo cáo tổng kết kỳ họp bất thường lần thứ 2 và thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội vừa có buổi làm việc với Bộ Y tế về Chương tình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023 và công tác phối hợp giữa hai cơ quan trong thời gian tới. Hai bên đã trao đổi về việc triển khai Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Trong đó, Chính phủ và Bộ Y tế phải ban hành rất nhiều Nghị định, Thông tư, do vậy cần có giải pháp ban hành không quá nhiều văn bản và có thể lồng ghép.
Liên quan đến 2 kỳ họp bất thường, Ủy ban Xã hội tiến hành thẩm tra, tiếp thu 2 nội dung quan trọng, qua đó rút ra một số bài học, kinh nghiệm cần tiếp tục quan tâm thực hiện trong thời gian tới. Đó là trong mọi hoàn cảnh vẫn phải đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, nhất là trong kỳ họp bất thường mặc dù thời gian để tiếp thu, giải trình các nội dung được thảo luận ngắn. Đã có sự phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị từ sớm, từ xa của các cơ quan liên quan; sự lãnh đạo, chỉ đạo rất kiên quyết, chia sẻ của lãnh đạo Quốc hội, UBTVQH; Bên cạnh đó là bài học từ việc xây dựng Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đó là sự quyết tâm, quyết liệt và không né tránh đối với những nội dung khó trong luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cũng nhấn mạnh đến bài học từ thực tiễn tiếp thu, chỉnh lý Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cho thấy, cần thực hiện nghiêm quy định trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo luật.
Nhất trí với báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường đề nghị các bộ, ngành nên nêu cao tinh thần chuẩn bị "từ sớm, từ xa", có kế hoạch chuẩn bị nội dung rõ ràng, kỹ lưỡng, và hoàn thiện gửi các Ủy ban của Quốc hội sớm để kịp thời tổ chức phiên họp toàn thể, qua đó thẩm tra một cách đầy đủ, toàn diện đúng theo quy định.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các bộ, ngành cần có phản ứng chính xác, linh hoạt, đánh giá đầy đủ tác động kỹ lưỡng và nghiên cứu thấu đáo để dự báo trước được các tình huống để có đủ căn cứ cho các cơ quan thẩm tra.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cũng cho rằng, mặc dù chuẩn bị trong thời gian ngắn, nhưng công tác điều hành của Chủ tọa, Chủ tịch Quốc hội rất khoa học, bài bản, chặt chẽ, phát huy được tinh thần trách nhiệm cao, cũng như tính dân chủ. Bên cạnh đó, công tác phục vụ Kỳ họp cũng được chuẩn bị rất khoa học, đảm bảo đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, đặc biệt là công tác đảm bảo an ninh trật tự trong thời gian diễn ra kỳ họp.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, kỳ họp bất thường có thời gian ngắn, cho ý kiến, quyết định những vấn đề cấp bách do yêu cầu thực tiễn đặt ra nhưng vẫn đảm bảo thực hiện đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, việc chuẩn bị từ sớm, từ xa không chỉ thực hiện từ cơ quan của Quốc hội mà phải bắt đầu từ Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, các cơ quan trình và công tác phối hợp ngay từ đầu, từ nhiều bên, nhiều phía.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, TAND tối cao, VKSND tối cao, Kiểm toán nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội khẩn trương chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 5. Trước mắt tổ chức hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách để cho ý kiến về những nội dung quan trọng hoặc còn có nhiều chuyện khác nhau đối với các dự án luật trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Tin nổi bật
- Các quy định về đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế đã đầy đủ, thống nhất
01/07/2024 - 09:50:23
- Chi tiết 5 chính sách lớn để phát triển công nghiệp dược, tăng tiếp cận thuốc mới của người dân
26/06/2024 - 14:39:35
- Bộ Y tế công bố 5 thủ tục hành chính lĩnh vực thiết bị y tế
19/06/2024 - 10:49:57
- Sửa đổi, bổ sung Luật Dược: Đảm bảo cung ứng thuốc đầy đủ, chất lượng, giá hợp lý đến nhân dân
17/06/2024 - 09:55:52
- Quy định mới về tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân”, “Thầy thuốc ưu tú”
04/03/2024 - 15:15:11
- Thứ trưởng Bộ Y tế: Nhiều điểm mới tạo hành lang pháp lý quan trọng cho hoạt động khám, chữa bệnh
19/05/2023 - 14:28:29