Có 1.089 bệnh viện an toàn, 28 bệnh viện không an toàn trong phòng chống dịch COVID-19
Trong số những cơ sở y tế đã tự tiến hành đánh giá theo Bộ tiêu chí an toàn về phòng chống dịch COVID-19, có 1.089 cơ sở xếp loại bệnh viện (BV) an toàn , BV an toàn ở mức thấp là 263 cơ sở, BV không an toàn 28 cơ sở, chiếm 2%...
Chiều 1/10, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến “Bảo đảm an toàn phòng chống COVID-19 tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh” với hơn 700 điểm cầu từ tuyến quận, huyện, thị xã của 63 tỉnh, thành phố. PGS.TS Nguyễn Trường Sơn- Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bộ Y tế.
Hội nghị nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm trong quản lý điều trị COVID-19, kết quả sơ bộ thực hiện Bộ tiêu chí bệnh viện an toàn phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp và chia sẻ kinh nghiệm của các bệnh viện trong công tác phòng chống dịch.
PGS.TS Nguyễn Trường Sơn- Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị
Nghiêm túc rà soát lại các quy trình đảm bảo an toàn BV
Phát biểu tại hội nghị Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, mặc dù đến nay đã gần 1 tháng chúng ta không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng, tất cả các ca bệnh nhập cảnh đều được cách ly ngay, tuy nhiên trên thế giới, tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, số mắc vẫn gia tăng.
Bên cạnh đó, chúng ta vẫn tiếp đón những chuyến bay về Việt Nam, vì vậy, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh đối với dịch bệnh COVID-19, bên cạnh việc tích cực phòng chống dịch, kiểm soát và cách ly người có nguy cơ, người nghi ngờ mắc bệnh, đặc biệt những người Việt Nam, người nước ngoài đến từ vùng dịch, công tác phát hiện, chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời và đúng hướng dẫn là vô cùng quan trọng.
Trong công tác phòng chống dịch, an toàn BV rất quan trọng, nếu để dịch COVID-19 xảy ra tại BV sẽ khiến BV tê liệt hoàn toàn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám chữa bệnh. Bài học của BV Bạch Mai, BV Đà Nẵng... vẫn luôn hiện hữu.
Do đó, để bảo đảm an toàn cho các cơ sở khám chữa bệnh chống lây nhiễm chéo trong BV, cũng như ngăn chặn phát hiện sớm ca bệnh trước khi tới BV, Bộ Y tế đã ban hành Bộ tiêu chí BV an toàn phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp. Bộ tiêu chí đã được các cơ sở khám, chữa bệnh triển khai thực hiện.
Các điểm cầu dự hội nghị
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị lãnh đạo các BV rà soát lại các quy trình tại cơ sở từ khi cách ly, đến khi nghi ngờ có ca bệnh, rà soát các nhân viên thường xuyên tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh... để đảm bảo thực sự an toàn trong tình hình COVID-19 đang diễn ra phức tạp như hiện nay... Tuyệt đối các BV không được lơ là trong công tác phòng chống dịch COVID-19 tại BV.
1.089/1.380 cơ sở xếp loại BV an toàn
Tại hội nghị, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh đã công bố kết quả triển khai thực hiện Bộ tiêu chí BV an toàn phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp. Theo đó tính đến ngày 30/9, cả nước đã có 1.380 cơ sở y tế đã tiến hành tự đánh giá bộ tiêu chí an toàn phòng chống COVID-19 tại cơ sở thông qua phần mềm trực tuyến.
Tuy nhiên, vẫn còn 150 BV, trung tâm y tế chưa tiến hành tự đánh giá hoặc đã đánh giá nhưng không nhập số liệu. Trong số những cơ sở đã tự tiến hành đánh giá, có 1.089 cơ sở xếp loại BV an toàn (chiếm 79%), BV an toàn ở mức thấp là 263 cơ sở (chiếm hơn 19%), BV không an toàn 28 cơ sở, chiếm 2% chủ yếu là BV tư nhân. Tại Hà Nội, qua kiểm tra cơ quan chức năng đã yêu cầu 3 BV tư nhân phải đóng cửa tạm ngưng hoạt động do không đảm bảo tiêu chí an toàn phòng chống dịch COVID-19
PGS.TS Lương ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Trưởng đoàn kiểm tra số 1 của Bộ Y tế về công tác phòng chống dịch COVID-9 kiểm tra tại Bệnh viện đa khoa Hà Nam
Có 5 Sở Y tế kiểm tra nhiều BV nhất về các tiêu chí an toàn trong phòng chống COVID-19 là TP.HCM, Thái Bình, Cà Mau, Hà Nội và Thừa Thiên Huế.
11 Sở Y tế kiểm tra ít BV nhất là Quảng Bình, Lâm Đồng, Hưng Yên, Bắc Giang, An Giang, Bình Dương, Quảng Nam, Đồng Nai, Sóc Trăng, Quảng Ngãi, Vĩnh Long.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng cho biết thêm, trong quá trình triển khai phòng chống COVID-19, nhiều cơ sở chưa phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên ban chỉ đạo phòng chống dịch, chưa chi tiết phân ca làm việc luân phiên, hệ thống biển báo còn thiếu, nhiều bệnh viện sử dụng bàn lấy mẫu, bàn khai báo thông tin bằng vật liệu khó làm vệ sinh bề mặt...
Phòng khám dã chiến contener của BV Phụ sản TW được trang bị đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, nhân lực chất lượng cao để thăm khám, theo dõi cho các thai phụ có yếu tố nguy cơ từ vùng dịch tễ
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, có 10 bài học kinh nghiệm dẫn đến thành công trong công tác điều trị, phòng chống lây nhiễm COVID-19 tại các cơ sở khám chữa bệnh thời gian qua. Đó là Việt Nam đã xây dựng kế hoạch khám chữa bệnh ứng phó với 5 tình huống cấp độ dịch bệnh; chỉ đạo cụ thể cho các tuyến, cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan chỉ đạo về bảo đảm chuyên môn, kỹ thuật, trang thiết bị, thuốc, vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ,… tương ứng với từng cấp độ dịch bệnh.
Các địa phương triệt để thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và hỗ trợ chủ động, tích cực từ các chuyên gia của bệnh viện tuyến Trung ương. Đồng thời tổ chức phân tuyến điều trị ca bệnh gồm tuyến xã, huyện, tỉnh, Trung ương. Cả nước có tổng số 54 cơ sở khám chữa bệnh đã và đang tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19. Hiện còn 9 bệnh viện đang điều trị cho 32 ca bệnh COVID-19.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã xây dựng 4 phiên bản hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 (COVID-19); đồng thời thường xuyên cập nhật, đúc kết kinh nghiệm từ các vụ dịch trước, kinh nghiệm quốc tế, mở rộng phương pháp điều trị...
Bộ Y tế đã ban hành đầu đủ các quy định về trang thiết bị, thuốc, vật tư tiêu hao, thiết lập hệ thống xét nghiệm ngay tại cơ sở, ra soát nhân lực chuyên khoa hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, tăng cường đào tạo, bổ sung năng lực chuyên môn, thành lập đội cơ động và hỗ trợ thường xuyên cho địa phương.
Đặc biệt, việc thành lập Trung tâm hỗ trợ trực tuyến điều trị COVID-19 thường xuyên tổ chức giao ban trực tuyến với các cơ sở có điều trị ca bệnh xác định; định kỳ 2-3 lần/ tuần, đã góp phần cứu thành công nhiều ca bệnh nặng, nâng cao chất lượng điều trị bệnh nhân COVID-19 tại y tế cơ sở...
Thái Bình
Link nguồn:
Theo suckhoedoisong.vn
Tin nổi bật
- Các quy định về đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế đã đầy đủ, thống nhất
01/07/2024 - 09:50:23
- Chi tiết 5 chính sách lớn để phát triển công nghiệp dược, tăng tiếp cận thuốc mới của người dân
26/06/2024 - 14:39:35
- Bộ Y tế công bố 5 thủ tục hành chính lĩnh vực thiết bị y tế
19/06/2024 - 10:49:57
- Sửa đổi, bổ sung Luật Dược: Đảm bảo cung ứng thuốc đầy đủ, chất lượng, giá hợp lý đến nhân dân
17/06/2024 - 09:55:52
- Quy định mới về tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân”, “Thầy thuốc ưu tú”
04/03/2024 - 15:15:11
- Thứ trưởng Bộ Y tế: Nhiều điểm mới tạo hành lang pháp lý quan trọng cho hoạt động khám, chữa bệnh
19/05/2023 - 14:28:29