'Các bác sĩ xin phép đấng tạo hóa sinh hai con Trúc Nhi - Diệu Nhi một lần nữa…'
'Các bác sĩ xin phép đấng tạo hóa để khai sinh ra hai con một lần nữa với hình hài nguyên vẹn, trả lại cho hai con một cuộc đời lành lặn như bao đứa trẻ khác', TS.BS Trương Quang Định - GĐ Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM viết trên trang cá nhân.
Gần 100 y bác sĩ đã làm tiếp phần việc dang dở của đấng tạo hóa, để sau 12 giờ lo âu chờ đợi, tất cả vỡ òa cảm xúc vui sướng khi cuộc đại phẫu thuật tách cặp song sinh Trúc Nhi và Diệu Nhi dính nhau thành công.
'Các bác sĩ xin phép đấng tạo hóa để khai sinh ra hai con một lần nữa với hình hài nguyên vẹn, trả lại cho hai con một cuộc đời lành lặn như bao đứa trẻ khác', TS.BS Trương Quang Định - giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP.HCM) - viết trên trang cá nhân của mình một ngày trước khi bước vào 'ca đại phẫu lịch sử' tách cặp song sinh dính nhau Trúc Nhi - Diệu Nhi.
Lần đầu tiên, kể từ khi còn nằm trong bụng mẹ, Trúc Nhi và Diệu Nhi được sống với cuộc đời và hình hài của riêng mình.
'Vì con, mẹ chấp nhận đánh đổi tất cả'
Đang trong niềm vui có con đầu lòng, vào tuần lễ thứ 16 của thai kỳ, chị Thúy (25 tuổi, ngụ Q.9, TP.HCM) như ngã khụy khi biết song thai mình đang mang dính nhau vùng bụng chậu. Hai thai có chung một dây rốn.
Bệnh viện Hùng Vương là nơi tiếp nhận thăm khám cho trường hợp dị tật song thai dính nhau đặc biệt này. TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - giám đốc Bệnh viện Hùng Vương - cho biết trong suốt quá trình theo dõi có lúc sản phụ phải vào bệnh viện nằm cả nửa tháng trời do thai nhi bị suy dinh dưỡng nặng.
khi nhận thấy tình trạng suy dinh dưỡng đe dọa tính mạng của hai bé, các bác sĩ quyết định mổ lấy thai. Lúc ấy, thai nhi chỉ mới 33 tuần.
Siêu âm phát hiện dị tật bất thường, các bác sĩ nhiều lần khuyến cáo tình huống xấu nhất có thể sẽ xảy ra khi giữ thai, nhưng người mẹ ấy vẫn kiên quyết giữ con bằng mọi giá.
'Tình yêu của người mẹ này vô cùng mãnh liệt. Với người phụ nữ mang nặng đẻ đau, việc chấp nhận một sự thật con mình dị tật là không hề đơn giản. Chưa kể việc chấp nhận một hành trình khó khăn sau đó mà chưa chắc y khoa có thể can thiệp được, quả thật mà nói đó là một người mẹ rất bản lĩnh, có tình thương con vô bờ bến', bác sĩ Diễm Tuyết chia sẻ.
Sau sinh, cả hai bé được nuôi dưỡng với một chế độ hết sức đặc biệt. Từ Bệnh viện Hùng Vương, Trúc Nhi và Diệu Nhi được chuyển qua Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố để tiếp tục điều trị ổn định tình trạng suy hô hấp do bệnh màng trong của hai bé, cũng như các bệnh lý liên quan đến trẻ sinh non, nhẹ cân. Đó là chuỗi ngày mà hai bé thường xuyên phải ra vào, gắn bó với bệnh viện.
Sinh ra với hình hài dính chặt vào nhau, mọi sinh hoạt ngồi, đi đứng, ăn uống, tắm rửa, mặc quần áo và nằm ngủ... của hai bé rất khó khăn. Mỗi khi Trúc Nhi ngồi thì Diệu Nhi phải nằm, mỗi khi Trúc Nhi đứng thì Diệu Nhi phải ưỡn kềnh bụng lên, ai nhìn thấy đều không khỏi xót xa. Gần một năm qua, cả vợ chồng chị Thúy đều 'dẹp bỏ công việc sang một bên' để vào bệnh viện ở chăm sóc hai bé.
Mang trên mình dị tật nhưng càng lớn hai bé đều rất ngoan ngoãn. Đôi mắt hai bé lúc nào cũng sáng long lanh, khuôn mặt lúc nào cũng cười tươi như thiên thần. Mỗi lúc được mẹ chụp hình, cả hai bé lại cười 'tạo dáng'.
Lẽ thường, nhiều bậc cha mẹ sẽ cảm thấy buồn, suy sụp khi sinh con trong hình hài không như mong muốn, nhưng với vợ chồng chị Thúy, Trúc Nhi - Diệu Nhi chính là 'động lực để có thể làm tất cả'.
'Thương hai thiên thần nhỏ của mẹ. Mẹ đã cố gắng hết sức, đã đánh đổi tất cả vì hai con, chỉ mong hai con có cuộc đời bình an. Nếu ai hỏi mẹ có hối hận không thì mẹ xin trả lời là không. Dù có như thế nào thì con vẫn là con của mẹ, hãy biết trân trọng bản thân mình con nhé', chị Thúy chia sẻ.
Ca mổ sẽ là cột mốc lịch sử cho sự tiến bộ của ngành y tế Việt Nam, kể từ sau 32 năm mổ tách thành công cặp song sinh dính liền Việt - Đức.
GS.BS Trần Đông A (1 trong 9 người tham vấn chuyên môn cho ca mổ)
Nhờ sự đồng tâm hiệp lực của tất cả mọi người mà cuộc mổ hoàn tất. Nhưng đây mới chỉ bắt đầu và chúng tôi đang nỗ lực để mang đến một ca mổ trọn vẹn.
TS.BS Trương Quang Định (giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, trưởng kíp mổ)
Bắt đầu một hành trình mới
TS.BS Trương Quang Định - trưởng êkip phẫu thuật - bảo rằng để đi đến quyết định thực hiện ca mổ 'lịch sử' tách rời cơ thể cho hai bé Trúc Nhi - Diệu Nhi vào ngày 15-7, trước đó ông cùng với rất nhiều chuyên gia, đồng nghiệp trải qua bao lần hội chẩn không đếm nổi.
'Sẽ là một hành trình dài, gian khó và đầy thách thức sau mổ. Rất mong ca đại phẫu sẽ thành công tốt đẹp và rất mong những lời cầu chúc tốt đẹp nhất đến bé và gia đình' - TS.BS Trương Quang Định nói.
Khi vào phòng mổ, Trúc Nhi - Diệu Nhi được các bác sĩ đánh dấu bằng hai miếng dán màu đỏ - xanh trên trán. Trên tay và miệng hai bé gắn đủ thứ dây nhợ. Đứng cạnh bên, chị Thúy âu yếm xoa đầu hai con, rồi nắm chặt tay khóc nức nở.
Điều khó khăn nhất trong quá trình mổ, theo bác sĩ Trương Quang Định, là cả hai bé trải qua một thời kỳ sơ sinh đầy sóng gió. Trong đó, bé Diệu Nhi rất yếu, bệnh viện tốn rất nhiều công sức cứu bé, nuôi nấng đến ngày hôm nay.
Có lúc Diệu Nhi rơi vào tình trạng sốc và hơi bị biến chứng thần kinh. Do đó, trong gây mê, sinh hiệu của bé hơi dao động. Ngoài ra, xương các bé ở thời điểm 13 tháng hơi cứng nên đục xương khá khó khăn. Tuy nhiên, xuyên suốt ca mổ các bé không phải truyền máu quá nhiều và kết thúc ca mổ sức khỏe hai bé đều ổn định.
Sau 7 giờ gây mê thực hiện ca mổ, đúng 14h07, cặp song sinh dính liền đã được êkip tách rời thành công. Và điều vui mừng hơn cả là sức khỏe hai bé sau tách đều ổn định.
Mỗi bé được các bác sĩ đưa ra bàn mổ riêng, chuẩn bị các công đoạn chỉnh hình khung chậu, tạo hình kéo vạt da che các cơ quan sinh dục và đưa các cơ quan nội tạng về vị trí bình thường.
Về quá trình hồi phục sau này của hai bé, bác sĩ Định nói đó là một quá trình lâu dài. Trải qua cuộc mổ dài, các biến cố đều có thể xảy ra, do đó vấn đề hồi sức rất quan trọng. Kế đến là tái tạo đường tiêu hóa, đường tiết niệu, khép lại khung chậu... sẽ được phẫu thuật trong vòng 3 tháng tới.
'Đặc biệt, đây là hai bé gái, do đó trong tương lai dài hơn còn phải sinh con nên chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi điều trị cho các bé đến khi 18 tuổi', bác sĩ Định chia sẻ.
Đây là ca song sinh dính nhau cực kỳ hiếm gặp
Các bác sĩ nhận định đây là trường hợp song sinh dính nhau vùng chậu với 4 chân tách rời theo kiểu ischiopagus tetrapus (quadripus) cực kỳ hiếm gặp. Theo ước tính trên thế giới, tỉ lệ song thai dính nhau là 1/200.000 trẻ sinh sống. Trong số đó, chỉ có 6% là dính nhau theo kiểu ischiopagus tetrapus.
Ca đại phẫu này có sự tham gia của gần 100 nhân viên y tế từ Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố phối hợp cùng chuyên gia từ các bệnh viện và trung tâm lớn trên cả nước như: Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Xuyên Á và Trường ĐH Y dược TP.HCM.
Cổ tích từ các cặp song sinh dính liền
Tháng 10-1988, ca mổ Việt - Đức thành công vang dội và được ghi vào sách kỷ lục Guinness năm 1991. Trong ảnh: bác sĩ Trần Đông A bên cặp song sinh trước ngày phẫu thuật - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH
Từ ca mổ đầu tiên năm 1988 đã có nhiều ca mổ tách cặp song sinh dính liền được thực hiện thành công ở Việt Nam. Mỗi ca mổ như một trang cổ tích...
32 năm trôi qua, ca mổ tách cặp song sinh dính liền Nguyễn Việt và Nguyễn Đức do GS.BS Trần Đông A làm trưởng êkip phẫu thuật vẫn còn được mọi người nhắc nhớ như một 'dấu ấn lịch sử' của y học nước nhà. Sau 32 năm, hiện Nguyễn Đức lập gia đình và có được hai người con song sinh:Nguyễn Phú Sĩ - Nguyễn Anh Đào.
Việt - Đức chào đời ngày 25-2-1981 ở Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) dính chặt vào nhau ở phần bụng, cùng bộ phận sinh dục, hậu môn và trọng lượng lúc ấy chỉ 2,2kg. Không chỉ vậy, hai anh em còn bị ảnh hưởng của chất độc da cam, có hai chân và một chân cụt.
Sau 7 năm sống đau đớn trong hình hài 'tuy một mà hai', ngày 4-10-1988 ca phẫu thuật tách rời cặp song sinh được thực hiện với sự tham gia của êkip gồm 70 giáo sư, bác sĩ đầu ngành của Việt Nam, Nhật Bản và một số quốc gia khác. Sau 12 giờ phẫu thuật ca mổ đã thành công, đánh dấu một dấu mốc lịch sử của y học Việt Nam.
'Đó là một ca mổ cực kỳ khó khăn vào một thời điểm khó khăn nhất của đất nước, lúc đang bị cấm vận. Đến chỉ khâu, kháng sinh, thuốc sát trùng da... đều không có. Thế nhưng chỉ với sự giúp đỡ của Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản, êkip đã thực hiện thành công một ca khó, không chỉ với chúng ta mà cả thế giới lúc ấy' - GS.BS Trần Đông A, trưởng kíp mổ, kể.
Một cặp đôi khác, Thu Cúc - Thúy An chào đời ngày 6-12-2002 với một hình hài dị biệt: dính chặt vào nhau từ xương ức đến bụng.Cả hai còn chung khoang màng tim, chung nhau một gan, chung tá tràng và ruột non. Lúc ấy Cúc còn bị tim bẩm sinh, An có u máu ở tay, ngực. Sau rất nhiều cuộc kiểm tra, ngày 17-10-2003, khi Cúc - An được hơn 10 tháng tuổi, các bác sĩ Bệnh viện Nhi trung ương tiến
hành ca mổ tách đôi hai bé thành công.
Lần đầu tiên sau hơn 10 tháng dính chặt nhau, hai bé được bế ra hai giường, chính thức bắt đầu một cuộc đời mới, riêng rẽ và độc lập.
Và với thành công của ca mổ tách đôi hai bé Trúc Nhi - Diệu Nhi, câu chuyện cổ tích về các cặp song sinh dính đôi tiếp tục được nối dài...
H.LỘC - L.ANH
Link nguồn:
Theo tuoitre.vn
Tin nổi bật
- Các quy định về đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế đã đầy đủ, thống nhất
01/07/2024 - 09:50:23
- Chi tiết 5 chính sách lớn để phát triển công nghiệp dược, tăng tiếp cận thuốc mới của người dân
26/06/2024 - 14:39:35
- Bộ Y tế công bố 5 thủ tục hành chính lĩnh vực thiết bị y tế
19/06/2024 - 10:49:57
- Sửa đổi, bổ sung Luật Dược: Đảm bảo cung ứng thuốc đầy đủ, chất lượng, giá hợp lý đến nhân dân
17/06/2024 - 09:55:52
- Quy định mới về tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân”, “Thầy thuốc ưu tú”
04/03/2024 - 15:15:11
- Thứ trưởng Bộ Y tế: Nhiều điểm mới tạo hành lang pháp lý quan trọng cho hoạt động khám, chữa bệnh
19/05/2023 - 14:28:29