Bên trong nơi chăm bẵm những em bé chỉ nặng... vài lạng
Mỗi ca sơ sinh non tháng, có bé chỉ mấy lạng, đều là những 'cuộc chiến' cân não của các bác sĩ. Có trẻ gần nửa năm mới có thể xuất viện trở về nhà, thậm chí có trẻ không may mắn vượt qua được.
Bác sĩ vừa điều trị vừa làm cha mẹ
Những tháng ngày đầu đời của trẻ sinh non tháng ở đây hầu như chỉ có sự chăm sóc của các nhân viên y tế.
Những người làm cha, làm mẹ mặc áo blouse trắng dù không mang nặng đẻ đau nhưng họ đã dành rất nhiều tình yêu, nhiệt huyết với những đứa trẻ sinh non tháng.
Các con lớn lên từng ngày cùng với niềm mong mỏi và niềm hạnh phúc vô bờ bến của gia đình, bác sĩ.
Chăm sóc trẻ sinh non là một thách thức bởi nhân viên y tế phải giải quyết toàn bộ yếu tố nguy cơ, chống suy hô hấp, chống nhiễm trùng, dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ, phục hồi chức năng bằng massage, ngoài ra bác sĩ cũng kiêm luôn lời ru yêu thương, sự gần gũi của gia đình.
Bên trong nơi chăm sóc những bé sinh non, cân nặng tính bằng... lạng
Tại phòng chăm sóc nhiễm trùng dành cho trẻ đẻ non bị nhiễm trùng, bác sĩ Nguyễn Thu Hương, Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội nhẹ nhàng đưa ống nghe vào nghe nhịp tim cho cháu bé mang mã số 47... sinh ngày 6/10. Bé đã có thời gian nằm tại đây hơn một tháng với cân nặng 1,2 kg.
Bác sĩ Hương cho biết nhìn bé có vẻ ổn nhưng chỉ ít ngày trước con mấy lần phải cấp cứu khiến các bác sĩ trực trắng đêm lo lắng, cân não xử trí. Giờ bé đã được thở qua gọng mũi (thở không xâm nhập) nhưng trước đó bé từng trải qua những giờ phải đặt nội khí quản, thở hoàn toàn qua hỗ trợ của máy mà không thể tự thở được.
Bé sinh ra đã mắc nhiều bệnh lý phối hợp như viêm phổi, ống động mạnh lớn, hạ tiểu cầu, có nhiễm trùng…
Việc chăm sóc bé từ khi mới sinh rất vất vả. Nguy cơ xảy ra sự cố dịch tắc ống khiến bé không thở được, lượng oxy cung cấp cho cơ thể giảm, sẽ rất nguy hiểm. Với trẻ phải đặt nội khí quản, các bác sĩ luôn nỗ lực điều trị để các bé được cai máy sớm.
Trẻ sơ sinh diễn tiến có thể rất nhanh nên công tác điều trị, chăm sóc cần cẩn trọng
Trẻ nào bác sĩ cũng nhớ mã số và đến mỗi ca trực, sau khi nghe báo cáo từ ca cũ, các bác sĩ lại bắt tay nhanh vào khám cho các bé. Trong suốt quá trình đó, bác sĩ luôn nắm rõ các thông số máy thở, tình trạng hô hấp, tuần hoàn, việc trẻ ăn có tiêu hay không, có nôn trớ hay không, đi tiêu thế nào.
Việc chăm sóc trẻ sơ sinh chủ yếu là hồi sức cho bé. Trong đó có những thời điểm trở nên rất cam go, bởi với trẻ sơ sinh mọi diễn biến đều rất nhanh, chỉ tính bằng giây, bằng phút. Chức năng sống cơ bản của trẻ sơ sinh là hô hấp và tim mạch, bé có thể ngừng thở, ngừng tim rất đột ngột, nếu không phát hiện kịp thời trẻ có thể tử vong ngay.
Bác sĩ Hương kể có trẻ diễn biến nặng, bác sĩ đứng suốt đêm. Khi nằm ra ngả lưng chút, bác sĩ lại thấp thỏm chạy ra. Tuy nhiên, bù lại là niềm vui khôn xiết của các bác sĩ khi đứa trẻ được ra viện trở về nhà với gia đình.
Có bé sinh ra chỉ nặng 700 gram, các bác sĩ đón con từ Khoa Đẻ lên Khoa Hồi sức. Chăm sóc, điều trị ròng rã nhiều tháng, đến khi con được đưa từ phòng hồi sức ra phòng ngoài, rồi đủ sức khỏe để được bố mẹ đón về nuôi theo phương pháp Kangaroo. Nhìn thành quả vất vả của mình được đền đáp đây là niềm vui vô cùng hạnh phúc của những bác sĩ sơ sinh.
Bác sĩ Thu Hương đang chăm sóc cho trẻ tại phòng nhiễm khuẩn
Lấy ven cũng phải kỳ công
Theo ThS. BSCKII. Phan Thị Huệ, Trưởng Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nôi, có tới 35-46% trẻ dưới 1 kg và 23% trẻ dưới 1,5 kg phải đối mặt với bệnh phổi mạn tính.
Nhiều trẻ dưới 1,5 kg gặp các vấn đề về cho ăn, tăng trưởng, thiếu máu do thiếu sắt. Không chỉ vậy, một số trường hợp trẻ còn bị chảy máu nội sọ, chảy máu nhu mô, quanh não thất gia tăng nguy cơ chậm phát triển tinh thần và vận động; tổn thương chất trắng dẫn đến nguy cơ tổn thương vận động, nhãn cầu.
ThS. BS. Phan Thị Huệ cho biết để bảo vệ sức khỏe cho trẻ sinh non, phải đặc biệt chú ý đến giấc ngủ của trẻ, tăng cường quá trình chăm sóc theo cụm và chăm sóc phối hợp; để trẻ nằm đúng tư thế; sử dụng các phương pháp giảm đau, đáp lại các hành vi gợi ý của trẻ; tránh những việc không cần thiết như đo vòng bụng, đo cân nặng, tắm…
Từ những bé nhẹ cân chỉ tính bằng lạng cho tới dưới 1,5 kg, cơ thể bé nhỏ, cổ tay, cổ chân chỉ bằng ngón tay của người lớn. Việc khó nhất của các điều dưỡng là hồi sức sơ sinh lấy ven cho trẻ, đường ven mảnh như sợi chỉ, không khéo léo, chuẩn xác sẽ không làm được…
Với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, quá trình thai sản thành công là khi đứa trẻ khỏe mạnh trở về bên gia đình nên bệnh viện đặc biệt ưu tiên trang bị máy móc hiện đại cho khoa sơ sinh. Hiện các máy móc, thiết bị điều trị chăm sóc cho bé non tháng ở đây có thể sánh ngang với bệnh viện châu Âu.
Khánh Chi
Link nguồn:
https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/ben-trong-noi-cham-bam-nhung-be-con-chi-nang-vai-lang-690840.html
Theo vietnamnet.vn
Tin nổi bật
- Các quy định về đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế đã đầy đủ, thống nhất
01/07/2024 - 09:50:23
- Chi tiết 5 chính sách lớn để phát triển công nghiệp dược, tăng tiếp cận thuốc mới của người dân
26/06/2024 - 14:39:35
- Bộ Y tế công bố 5 thủ tục hành chính lĩnh vực thiết bị y tế
19/06/2024 - 10:49:57
- Sửa đổi, bổ sung Luật Dược: Đảm bảo cung ứng thuốc đầy đủ, chất lượng, giá hợp lý đến nhân dân
17/06/2024 - 09:55:52
- Quy định mới về tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân”, “Thầy thuốc ưu tú”
04/03/2024 - 15:15:11
- Thứ trưởng Bộ Y tế: Nhiều điểm mới tạo hành lang pháp lý quan trọng cho hoạt động khám, chữa bệnh
19/05/2023 - 14:28:29