Triệu chứng ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối
Ung thư tuyến tụy giai đoạn 4 có thể làm hình thành cục máu đông, gây vàng da, buồn nôn và nôn, sụt cân, mắc bệnh tiểu đường.
Ung thư tuyến tụy giai đoạn 4 (ung thư di căn) là khi các tế bào khối u trong tuyến tụy đã lan rộng trong máu và sang các bộ phận khác như xương hoặc phổi. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, khoảng 50% người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tụy khi đã ở giai đoạn muộn.
Các triệu chứng của ung thư tuyến tụy thường không rõ ràng hoặc không biểu hiện cho đến khi các tế bào ung thư xâm nhập vào các cơ quan khác. Điều này giải thích vì sao nhiều bệnh nhân phát hiện ung thư khi đã di căn. Ruột thường là nơi đầu tiên tế bào ung thư di căn, sau đó là gan, phổi, xương và não.
Khi ung thư lan đến các bộ phận khác của cơ thể, bệnh nhân có thể cảm thấy rất mệt mỏi. Người bệnh có thể mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như:
Cục máu đông: Người bệnh có thể xuất hiện huyết khối tĩnh mạch sâu. Đôi khi, đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy ung thư tuyến tụy. Cục máu đông có thể gây đau, sưng và đỏ ở bất cứ đâu, ví dụ như ở chân.
Vàng da: Gan có chất lỏng màu vàng tên bilirubin, gọi là mật trong gan. Nếu khối u tuyến tụy tấn công vào ống mật thì bilirubin có thể bị rò rỉ ra ngoài qua ống mật. Tình trạng này gây vàng da và mắt, nước tiểu sẫm màu, phân sáng màu hoặc nhờn, da cảm thấy ngứa.
Túi mật hoặc gan trở nên to hơn: Tế bào ung thư tuyến tụy lan sang túi mật làm cho túi mật hoặc gan to hơn bình thường.
Đau bụng hoặc đau lưng: Đôi khi các khối u tuyến tụy di căn đè lên các cơ quan hoặc dây thần kinh khác, dẫn đến đau bụng, đau lưng hoặc đau ở nơi tế bào ung thư di căn đến.
Sụt cân và ăn không ngon miệng: Người bệnh ung thư tuyến tụy thường không cảm thấy đói, ốm yếu và không muốn ăn nên sụt cân. Điều này có thể do khối u di căn chèn ép các cơ quan như ruột, dạ dày, gan...
Buồn nôn và nôn: Khi khối u di căn đè lên dạ dày có thể khiến người bệnh cảm thấy buồn nôn và nôn.
Bệnh tiểu đường: Các tế bào tạo ra insulin nằm trong tuyến tụy. Cơ thể cần insulin để giữ cho lượng đường trong máu ở mức bình thường. Nếu ung thư làm hỏng tuyến tụy, cơ quan này có thể không xử lý được lượng đường huyết. Đường huyết cao kéo dài dẫn đến bệnh tiểu đường.
Người mắc ung thư tuyến tụy có thể bị đau bụng nặng do khối u chèn ép ruột hoặc dạ dày. Ảnh: Freepik
Khoảng 95% ung thư tuyến tụy có khối u bắt đầu từ các tế bào tạo ra các enzym tiêu hóa, gọi là ung thư tuyến tụy PAC. 5% còn lại đến từ các tế bào giúp điều chỉnh lượng đường trong máu, gọi là khối u thần kinh nội tiết tuyến tụy (PNET). Người mắc loại ung thư tuyến tụy PNET thường sống lâu hơn. Nếu ung thư không di căn đến các bộ phận khác của cơ thể, khoảng 93% bệnh nhân PNET sẽ sống ít nhất 5 năm sau chẩn đoán.
Ung thư tuyến tụy giai đoạn 4 thường không thể chữa khỏi. Những phương pháp điều trị chỉ giúp giảm nhẹ triệu chứng và kéo dài thời gian sống như hóa xạ trị, liệu pháp miễn dịch, liệu pháp nhắm mục tiêu, chăm sóc giảm nhẹ. Với ung thư giai đoạn 4, các tế bào đã lan rộng quá nhiều và không thể loại bỏ hết. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn có thể phẫu thuật để cải thiện các triệu chứng.
Theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, hầu hết người ung thư tuyến tụy giai đoạn 4 không sống quá 1-2 năm, kể cả khi đã được điều trị. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với ung thư tuyến tụy PAC di căn sau chẩn đoán chỉ 3%. Người được chẩn đoán ung thư khi còn trẻ có nhiều khả năng sống lâu hơn.
Tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với người bị khối u thần kinh nội tiết tuyến tụy khi khối u lan đến các mô lân cận hoặc các hạch bạch huyết khu vực là 77%. Nếu khối u đã di căn đến các vùng xa của cơ thể, tỷ lệ sống sót là 25%.
Tin nổi bật
- Người phụ nữ cùng lúc mắc 2 loại ung thư
28/06/2024 - 09:50:34
- Điều trị ung thư bàng quang
20/06/2024 - 10:36:13
- Các lựa chọn điều trị ung thư thận
19/06/2024 - 11:15:28
- Các loại thuốc điều trị ung thư thực quản
17/06/2024 - 14:31:44
- Bài tập cho người ung thư dương vật
14/06/2024 - 09:51:01
- Sụt cân, vàng da... dấu hiệu của bệnh ung thư ác tính
12/06/2024 - 10:41:43