Thuốc trị viêm họng ở bệnh nhân ung thư
Ngoài hiệu quả điều trị, các phương pháp điều trị ung thư còn có thể gây ra nhiều tác dụng phụ cho người bệnh, trong đó có vấn đề răng miệng, hầu họng. Vậy những biện pháp khắc phục nào cho tình trạng viêm họng ở bệnh nhân ung thư?
Bệnh nhân ung thư rất dễ bị viêm họng.
1. Ảnh hưởng của các phương pháp điều trị ung thư tới miệng, họng
Các phương pháp điều trị ung thư như hóa trị, xạ trị nhằm tiêu diệt các tế bào ác tính, tuy nhiên nó cũng có thể làm tổn thương các tế bào khỏe mạnh phân chia nhanh khác như tế bào màng nhầy niêm mạc miệng, họng. Tác động này khiến niêm mạc miệng, họng khó phục hồi, chúng sẽ gây ra các phản ứng viêm để tự bảo vệ mình, gây ra tình trạng đau miệng, viêm họng trong quá trình điều trị ung thư.
Nhiều loại thuốc điều trị có thể gây viêm họng, đặc biệt khi phải dùng liều cao hoặc tiêm nhiều lần thường xuyên. Ví dụ như thuốc 5-fluorouracil (Adrucil, 5-FU) dùng hàng tuần. Hoặc xạ trị vùng đầu, cổ gây viêm họng, thực quản nhiều hơn.
Viêm họng có thể từ vừa đến nặng. Đó là cảm giác khó chịu, khô họng, nóng bỏng miệng, khó nuốt, nứt nẻ môi, lưỡi gây đau cho bệnh nhân khi ăn uống. Điều này có thể gây khó khăn cho việc duy trì dinh dưỡng vốn rất cần thiết với bệnh nhân ung thư.
2. Dùng thuốc nào để trị viêm họng?
Thuốc giảm đau là một lựa chọn cho người bệnh. Tuy nhiên lựa chọn thuốc giảm đau nào cũng rất quan trọng. Bởi lẽ những thuốc giảm đau có chứa axit acetylsalicylic (ví dụ như aspirin, salicylate), hoặc một số thuốc khác có thể gây giảm tiểu cầu, làm cho các vấn đề chảy máu trầm trọng hơn.
Những thuốc giảm đau trị viêm họng khác bệnh nhân ung thư có thể lựa chọn như acetaminophen (ví dụ tylenol, paracetamol) hoặc các thuốc opioid. Lưu ý các thuốc opioid có thể gây buồn ngủ, táo bón.
Một số dạng thuốc mỡ giảm đau tại chỗ được sử dụng bôi vào những vét loét ở niêm mạc miệng, họng. Ví dụ lidocain, benzocain là những loại thuốc giảm đau miệng. Nystatin ngăn ngừa nhiễm nấm.
Thuốc giảm đau dạng viêm ngậm, làm tê lưỡi, họng có thể khiến việc nuốt của bệnh nhân dễ dàng hơn.
Trong trường hợp viêm họng có nhiễm trùng, biểu hiện như sốt, ho đờm, hoặc nhiễm nấm, hay virus bệnh nhân sẽ cần đến các thuốc điều trị như kháng sinh, kháng nấm, kháng virus. Lúc này người bệnh nên thăm khám bác sĩ để được kê đơn thuốc và điều chỉnh liều thích hợp.
Những vấn đề về miệng, họng ở bệnh nhân ung thư thường xuất hiện sau 5-14 ngày sau khi bắt đầu điều trị, và hết trong vài tuần khi điều trị xong.
3. Những biện pháp khác giúp cải thiện viêm họng ở bệnh nhân ung thư
3.1 Vệ sinh răng miệng đúng cách
Điều này giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng và các biến chứng khác nếu viêm họng trong khi điều trị ung thư:
-Vệ sinh răng miệng sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ.
- Sử dụng chỉ nha khoa, tăm nước, các loại bàn chải siêu mềm hoặc gạc quấn tay để vệ sinh.
- Sử dụng nước súc miệng, kem đánh răng hoặc nước muối ấm giúp làm sạch các mảng bám.
3.2. Duy trì dinh dưỡng
Mặc dù viêm họng có thể làm việc ăn uống trở nên khó khăn, nhưng duy trì dinh dưỡng là rất quan trọng trong điều trị với bệnh nhân ung thư.
Uống nhiều nước: Bổ sung thêm các loại nước hoa quả khác nhau như nước ép lê, ép đào. Hạn chế các loại trái cây có vị chua, mặn, đồ uống có ga. Có thể sử dụng ống hút nếu môi miệng khô nứt, đau.
Chia nhỏ các bữa ăn" Không sử dụng các thức ăn cay, nóng. Ưu tiên các thức ăn mềm, ăn nhạt như súp kem, khoai tây nghiền, sữa chua, trứng, các loại sữa dành cho bệnh nhân ung thư.
Ngậm một chút đá bào lạnh có thể làm dịu vùng bị viêm.
3.3. Đảm bảo không gian sống trong lành
Tránh xa khói thuốc lá.
Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài.
Sử dụng máy tạo độ ẩm giúp không khí trong phòng không bị khô khi dùng điều hòa.
Trồng thêm cây xanh, vệ sinh nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ.
Rửa tay thường xuyên.
Hạn chế tụ tập đông người. Tránh tiếp xúc với những người đang ốm.
Hệ miễn dịch của bệnh nhân ung thư phải tập trung chống lại bệnh tật, sức đề kháng suy giảm. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của các phương pháp điều trị khiến cơ thể rất dễ tổn thương. Vấn đề viêm họng đơn thuần có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu không được chăm sóc đúng cách. Do đó mỗi người bệnh cần tự trang bị kiến thức và kỹ năng cho bản thân, thăm khám chuyên khoa khi có các bất thường, tuân thủ điều trị để giúp nâng cao sức khỏe, bảo vệ mình tốt nhất trước bệnh tật.
Tin nổi bật
- Người phụ nữ cùng lúc mắc 2 loại ung thư
28/06/2024 - 09:50:34
- Điều trị ung thư bàng quang
20/06/2024 - 10:36:13
- Các lựa chọn điều trị ung thư thận
19/06/2024 - 11:15:28
- Các loại thuốc điều trị ung thư thực quản
17/06/2024 - 14:31:44
- Bài tập cho người ung thư dương vật
14/06/2024 - 09:51:01
- Sụt cân, vàng da... dấu hiệu của bệnh ung thư ác tính
12/06/2024 - 10:41:43