Rau cải có tốt cho người bệnh ung thư tuyến giáp?
Người bệnh ung thư tuyến giáp rất dễ bị suy kiệt, mệt mỏi, chán ăn, khó nuốt. Vì vậy chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp là điều vô cùng quan trọng.
Đối với người bệnh ung thư tuyến giáp, nguyên tắc chung là duy trì chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng. Nhưng nhiều người bệnh vẫn truyền nhau kinh nghiệm không nên ăn các loại rau cải khi bị ung thư tuyến giáp, điều này có đúng không?
Rau cải có nhiều tác dụng đối với sức khỏe
Các loại rau họ cải, không chỉ là rau cải xoăn mà còn bao gồm một số rau xanh quen thuộc, dễ chế biến trong bữa ăn hàng ngày như súp lơ, cải bắp, bông cải trắng, cải búp, cải chíp... có rất nhiều tác dụng đối với sức khỏe.
1. Bổ sung vitamin K
Vitamin K là một trong những loại vitamin có vai trò quan trọng và cần thiết đối với cơ thể như trong điều trị các bệnh về thần kinh, hội chứng mất trí nhớ… Người thiếu vitamin K sẽ dễ bị loãng máu hay rối loạn đông máu. Các loại rau họ cải lại là nguồn cung cấp vitamin K khá phong phú.
Rau cải có nhiều tác dụng đối với sức khỏe.
2. Tăng cường sức đề kháng
Vitamin C có nhiều trong rau cải giúp tăng cường hệ miễn dịch. Hàm lượng vitamin A dồi dào ảnh hưởng đến quá trình nguyên phân giảm phân của tế bào lympho T. Đây là một tế bào bạch cầu giúp cơ thể chống viêm nhiễm khỏi vi khuẩn gây hại.
3. Tăng cường sức khỏe tim mạch
Các chất chống oxy hóa, acid folic có trong rau cải giúp giảm homocysteine và có khả năng chống viêm mạch máu, loại bỏ sự tích tụ mảng bám trong động mạch, bảo vệ sức khỏe cho tim mạch một cách hiệu quả. Đặc biệt nếu chế biến luộc hoặc hấp rau sẽ giúp trung hòa bớt cholesterol trong máu.
4. Rau cải chứa glucosinolates hỗ trợ hạn chế nguy cơ ung thư
Rau cải chứa glucosinolates có thể hạn chế được sự tổn thương tế bào DNA và ức chế tế bào ung thư. Người thường xuyên ăn rau cải với liều vừa đủ có thể hỗ trợ hạn chế nguy cơ ung thư phổi, dạ dày hay ruột kết. Đặc biệt với phụ nữ, nguy cơ ung thư buồng trứng sẽ được hạn chế hơn.
Mối liên quan giữa rau cải và ung thư tuyến giáp
- Tăng nguy cơ gây ung thư tuyến giáp?
Người ta cho rằng các cây họ cải có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp vì trong rau họ cải chứa thioglucosid có thể phân hủy thành thyocyanat. Các chất làm tăng sinh tuyến giáp này (goitrogen) được cho là có ảnh hưởng lên chức năng tuyến giáp, chúng ức chế sự vận chuyển iốt tới tuyến giáp. Và sự kết hợp iốt với thyroglobulin do đó làm tăng tiết hormon kích thích tuyến giáp TSH cuối cùng làm tăng sinh tuyến giáp.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, không có mối liên quan giữa rau cải và ung thư tuyến giáp.
Bên cạnh các chất gây tăng sinh tuyến giáp, các loại rau họ cải chứa nhiều thành phần như flavon, phenol, isothyocyanate được biết là có khả năng ức chế sinh ung thư ở các mô hình động vật. Đặc biệt, rau họ cải rất giàu dithiolthiones và isothiocyanates đã được chứng minh làm tăng hoạt động của các enzyme có vai trò thải độc loại bỏ các tác nhân sinh ung thư và các chất ngoại lai khác vào cơ thể.
Nhiều loại rau cải cũng là nguồn cung cấp cartotenoid bao gồm beta carotene và các chất chống oxy hóa khác, có khả năng bảo vệ chống lại một số dạng ung thư khác nhau. Do đó, nếu như rau họ cải có tác hại gây ung thư, chắc hẳn tác hại này phải lớn hơn so với các lợi ích vừa nêu.
- Chưa có bằng chứng khoa học
Ung thư là bệnh lý phức tạp, nó có thể do nhiều nguyên nhân kết hợp gây nên, do đó để đánh giá chính xác rằng một tác nhân cụ thể có gây ung thư hay không là điều không hề dễ dàng. Việc thiết kế ra các nghiên cứu có đối chứng, để tìm xem có mối liên quan mật thiết giữa tác nhân có thể gây ung thư và khả năng mắc ung thư thật sự là rất phức tạp, và có nhiều sai số.
Theo Thư viện quốc gia về y khoa của Mỹ, trong một nghiên cứu nhằm đánh giá mối liên quan giữa rau họ cải và một số loại rau khác với nguy cơ ung thư tuyến giáp, các tác giả đã thực hiện một phân tích hệ thống từ 11 nghiên cứu gốc ở Mỹ, châu Á và châu Âu.
Phân tích một cách hệ thống này chỉ ra rằng việc tiêu thụ các loại rau họ cải không liên quan (có ý nghĩa thống kê) đối với nguy cơ ung thư tuyến giáp. Tác dụng của chúng dường như không khác biệt đáng kể so với các loại rau khác, những loại vốn có tác dụng bảo vệ đối với bệnh ung thư này.
Năm 2015, có 1 phân tích gộp được thực hiện dựa trên 18 nghiên cứu, nhằm đánh giá các yếu tố nguy cơ đối với ung thư tuyến giáp. Kết quả cho thấy lượng iốt, cá và rau họ cải không liên quan đến ung thư tuyến giáp.
Người bệnh ung thư tuyến giáp nên ăn gì?
* Thực phẩm giàu iốt tốt cho người bệnh ung thư tuyến giáp
Đây là thành phần quan trọng giúp tuyến giáp sản sinh các hormone cần thiết, cân bằng tuyến giáp và giảm sự hình thành các khối u bên trong cơ thể. Để tránh nguy cơ mắc, tái phát các bệnh tuyến giáp nên ăn nhiều những thực phẩm từ rong biển, hải sản, muối iốt…
Trong quá trình điều trị bằng I-131, người bệnh cần kiêng toàn bộ iốt để tuyến giáp hấp thu được lượng tối đa I-131 phục vụ cho quá trình điều trị. Sau điều trị, chế độ ăn tiếp tục cần bổ sung các thực phẩm giàu iốt.
* Rau lá xanh đậm
Rau xanh là loại thực phẩm tuyệt vời cung cấp magie và các khoáng chất cho cơ thể, các chất này đóng vai trò quan trọng trong hoạt động trao đổi chất của cơ thể và tuyến giáp.
Người bệnh tuyến giáp nên ăn nhiều các loại rau như cải xanh, rau chân vịt, súp lơ, cải xoong…
*Các loại hạt và quả
Nhóm thực phẩm này rất giàu vitamin, protein, magie, các chất chống ôxy hóa. Rất tốt cho hoạt động của tuyến giáp. Người bệnh tuyến giáp nên tăng cường táo, cà chua, dâu tây, hạt điều, hạnh nhân… trong khẩu phần ăn hàng ngày.
Tăng cường ăn dâu tây, táo trong khẩu phần ăn của người bệnh ung thư tuyến giáp.
* Cá
Các axit béo omega-3 trong các loại cá béo như cá hồi, cá ngừ hoặc cá mòi là sự lựa chọn tuyệt vời cho bữa trưa và tối. Bệnh tuyến giáp, nhất là suy giáp không được kiểm soát có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim do mức lipoprotein trọng lượng thấp (LDL), cholesterol xấu tăng cao. Omega-3 có tác dụng giúp giảm viêm, tăng cường miễn dịch và giảm nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch.
Cá cũng là một nguồn cung cấp selen, cần thiết cho hoạt động của tuyến giáp. Selen cũng giúp giảm viêm hiệu quả.
* Thịt đỏ
Thịt đỏ giàu protein rất tốt cho người mắc ung thư tuyến giáp. Trong đó, thịt nạc là nguồn thực phẩm quen thuộc dễ mua, dễ chế biến và dễ tiêu hóa. Nên tránh các loại nội tạng động vật vì chứa nhiều axit lipoid gây ảnh hưởng đến hoạt động tuyến giáp, đồng thời làm giảm hiệu quả của các loại thuốc điều trị.
Tin nổi bật
- Người phụ nữ cùng lúc mắc 2 loại ung thư
28/06/2024 - 09:50:34
- Điều trị ung thư bàng quang
20/06/2024 - 10:36:13
- Các lựa chọn điều trị ung thư thận
19/06/2024 - 11:15:28
- Các loại thuốc điều trị ung thư thực quản
17/06/2024 - 14:31:44
- Bài tập cho người ung thư dương vật
14/06/2024 - 09:51:01
- Sụt cân, vàng da... dấu hiệu của bệnh ung thư ác tính
12/06/2024 - 10:41:43