Polyp đại trực tràng: Nguyên nhân, phương pháp điều trị và phòng ngừa
Polyp đại trực tràng là bệnh tiêu hóa hay gặp và đang có xu hướng gia tăng trong nhiều năm gần đây. Các khối polyp có kích thước và tính chất khác nhau, u càng lớn càng ẩn chứa nhiều nguy hiểm và nhiều khi phát triển thành ung thư.
1. Polyp đại trực tràng là gì?
Polyp đại trực tràng thông thường đều là u lành tính, chúng phát triển từ niêm mạc của đại trực tràng. Polyp có thể xuất hiện tại nhiều vị trí trong đường tiêu hóa nhưng hay gặp nhất, phổ biến nhất là ở đại trực tràng. Chúng có nhiều kích thước khác nhau từ 0,25cm đến vài cm. Polyp như một mụn thịt nhỏ phát triển từ lớp niêm mạc của ruột và nhô ra , nhiều khi chúng mọc trên "cuống" như cây nấm. Tuy nhiên cũng có một số khối polyp phẳng. Chúng nằm rải rác ở các phần khác nhau của đại trực tràng.
Hình ảnh polyp đại trực tràng.
2. Polyp đại trực tràng thường mắc ở lứa tuổi nào? Do nguyên nhân gì?
Bệnh hay gặp trung bình ở tuổi 60. Hiện nay vẫn chưa rõ nguyên nhân cụ thể gì gây ra polyp đại trực tràng. Một số nghiên cứu cho thấy rằng có thể là một khuynh hướng hình thành polyp. Di truyền là yếu tố thuận lợi phát triển các khối polyp đại trực tràng.
Nguyên nhân của bệnh polyp ở đại trực tràng
- Di truyền: Những gia đình có người thân mắc bệnh này là đối tượng được khuyến cáo khám sàng lọc polyp ở đại trực tràng trước tuổi trung niên.
- Tuổi: Bệnh thường ở người lớn tuổi, khá hiếm gặp ở độ tuổi 20. Hơn 90% bệnh nhân polyp đại trực tràng có tuổi trên 50 và tỷ lệ nam cao hơn nữ.
- Đột biến gen: do gen bị đột biến khiến cho các tế bào phát triển bất thường tạo thành khối u lồi trong ruột.
- Một số nguyên nhân khác như: Chế độ ăn uống nhiều chất béo, ít chất xơ; người béo phì, ít vận động, nghiện rượu, thuốc lá,... hoặc người mắc các bệnh: viêm đại trực tràng, bệnh Crohn, tiểu đường…
3. Các loại polyp đại trực tràng
Có hai loại polyp đại trực tràng phổ biến:
Polyp tăng sản
Các khối u lồi thường có kích thước nhỏ bé và nằm ở vị trí cuối ruột già. Đây là loại Polyp ít có khả năng trở thành ác tính. Polyp tăng sản lành tính thường được phát hiện qua nội soi.
Polyp tuyến
Đây là loại polyp chiếm hơn 2/3 dạng polyp đại trực tràng. Các khối polyp tuyến có kích thước lớn hơn polyp tăng sản, vì thế dễ có khả năng tiến triển thành ác tính. Thông thường với các khối u có kích thước lớn hơn 5mm sẽ được chỉ định loại bỏ để ngăn ngừa những chuyển biến xấu.
Kiểm tra mô học dưới kính hiển vi là cách để chẩn đoán tốt phân biệt giữa 2 loại polyp trên. Tuy nhiên đây chưa phải là cách để xác định các polyp u tuyến sẽ trở thành ung thư hay không. Các khối polyp lớn có nhiều khả năng trở thành ung thư. Vì chưa thể chắc chắn xác định tất cả các polyp đều lành tính, nên các bác sĩ thường khuyên loại bỏ tất cả các khối polyp được tìm thấy trong quá trình nội soi.
4. Làm thế nào phát hiện được polyp đại trực tràng?
Đa số các polyp đại trực tràng đều không gây ra triệu chứng. Người có polyp to có thể thấy máu trong phân, tuy nhiên đây cũng không được coi là triệu chứng điển hình. Để phát hiện khối polyp cách tốt nhất là đi nội soi đại tràng để kiểm tra.
Một số kỹ thuật kiểm tra khác có thể được thực hiện: xét nghiệm phân để tìm máu; soi đại tràng sigma; chụp X-quang có thuốc cản quang hoặc chụp CT scanner. Nếu một trong các xét nghiệm trên có biểu hiện nghi ngờ khối polyp, cần nội soi để loại bỏ chúng. Nội soi đại tràng ống mềm là xét nghiệm tốt nhất để kiểm tra polyp. Nội soi ảo sử dụng công nghệ chụp cắt lớp điện toán cũng là một cách để phát hiện polyp.
5. Điều trị polyp đại trực tràng như thế nào?
Thông thường khi phát hiện các khối polyp từ ruột già đến trực tràng bác sĩ sẽ khuyến cáo nên cắt bỏ để hạn chế tối đa những biến chứng nguy hiểm. Việc cắt bỏ polyp được thực hiện thông qua nội soi đại trực tràng được áp dụng phổ biến và mang lại hiệu quả điều trị cao. Tuy nhiên với trường hợp polyp hình thành nhiều và gây biến chứng bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật.
Khối u cắt ra sau đó được kiểm tra dưới kính hiển vi để xác định loại mô và khả năng bị ung thư. Nếu polyp có kích thước lớn hoặc nhìn có vẻ bất thường, sau khi cắt sẽ được bác sĩ khuyên theo dõi kiểm tra lại bằng nội soi định kỳ.
Cắt polyp trong khi nội soi là một thủ thuật khá đơn giản, không cần nằm viện. Biến chứng có thể xảy ra: chảy máu từ chân vết cắt, thủng đại tràng (hiếm gặp). Chảy máu từ chỗ cắt polyp có thể xảy ra ngay lập tức hoặc sau vài ngày. Có thể tiến hành cầm máu bằng cách xử lý trong quá trình nội soi . Nếu thủng có thể cần phải phẫu thuật. Chính về thế cắt bỏ polyp cần phải được thực hiện tại các cơ sở đảm bảo uy tín để đảm bảo an toàn và phòng tránh được những rủi ro hậu phẫu.
6. Phòng bệnh polyp đại trực tràng
Bổ sung rau quả trong thực đơn hàng ngày để phòng bệnh polyp đại tràng
Để phòng ngừa bệnh polyp đại trực tràng, cần:
- Nội soi đại trực tràng theo dõi thường xuyên với những người đã phát hiện polyp tuyến;
- Bổ sung nhiều rau, củ, quả và ngũ cốc, hạn chế chất béo trong bữa ăn hàng ngày;
- Thói quen sống, sinh hoạt lành mạnh: không uống rượu, bia, hút thuốc và tăng cường vận động, luyện tập hàng ngày;
- Kiểm soát tốt cân nặng.
- Cần thực hiện khám và sàng lọc polyp - ung thư đại trực tràng với những người trên 50 tuổi, đặc biệt ở những gia đình có tiền sử người thân bị bệnh.
Tin nổi bật
- Người phụ nữ cùng lúc mắc 2 loại ung thư
28/06/2024 - 09:50:34
- Điều trị ung thư bàng quang
20/06/2024 - 10:36:13
- Các lựa chọn điều trị ung thư thận
19/06/2024 - 11:15:28
- Các loại thuốc điều trị ung thư thực quản
17/06/2024 - 14:31:44
- Bài tập cho người ung thư dương vật
14/06/2024 - 09:51:01
- Sụt cân, vàng da... dấu hiệu của bệnh ung thư ác tính
12/06/2024 - 10:41:43