Tác giả nghiên cứu, nhà nghiên cứu ung thư Helene Rundqvist, từ Đại học Y khoa Karolinska (Thụy Điển), cho biết nghiên cứu này cho thấy tập thể dục làm tăng một số chất giúp kích hoạt các tế bào miễn dịch chống ung thư và do đó ức chế sự phát triển của ung thư.
Nhiều nghiên cứu trước đây đã chứng minh vận động nhiều làm giảm tỷ lệ mắc ung thư ruột, ung thư vú, ruột kết, tuyến tiền liệt và ung thư dạ dày.
Nhiều bằng chứng mạnh mẽ cho thấy vận động mạnh có thể giúp bệnh nhân đối phó và chữa bệnh tốt hơn, đồng thời cũng kéo dài tuổi thọ.
Các nghiên cứu trên vật nuôi cũng cho kết quả tương tự, với việc gắng sức hằng ngày có thể làm giảm sự phát triển của khối u ác tính.
Tập thể dục càng nhiều, ung thư phát triển càng chậm
Các nhà nghiên cứu đã chia những con chuột bị ung thư thành 2 nhóm: một nhóm được cho vận động mạnh mẽ và một nhóm không hoạt động thể chất.
Kết quả đã phát hiện ra rằng những con chuột thường xuyên vận động cho thấy sự phát triển ung thư chậm hơn và có tỷ lệ sống sót cao hơn, theo The Science Times.
Tại sao vận động mạnh mẽ làm chậm sự phát triển của ung thư?
Các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện lý do tại sao vận động mạnh mẽ làm chậm sự phát triển của ung thư.
Đó là nhờ vào lactate, một chất chuyển hóa được hình thành trong cơ, trong quá trình tập luyện, lactate sau đó ngấm vào máu, “nuôi” các tế bào T gây độc tế bào. Đây là loại tế bào bạch cầu chuyên biệt ở khắp cơ thể để tấn công ung thư, theo The Science Times.
Các tác giả viết: “Những kết quả này chứng minh rằng vận động làm thay đổi tế bào T gây độc tế bào, từ đó cải thiện hiệu quả chống lại khối u”.
Vận động làm thay đổi tế bào T gây độc tế bào, từ đó cải thiện hiệu quả chống lại khối u ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK |
Kết quả còn cho thấy, những con chuột vận động mạnh đã tăng các chất chuyển hóa như lactate lên 8 lần, khiến cho sự hấp thu các chất này của các tế bào T trong máu được tăng lên đáng kể.
Các phát hiện một lần nữa xác nhận kết quả của một nghiên cứu trước đây cho thấy, lactate có thể giúp cung cấp năng lượng cho các tế bào T trong máu, có thể tăng cường "chức năng chống khối u".
Mặc dù thử nghiệm cho đến nay chủ yếu tập trung vào các mô hình động vật, nhưng thử nghiệm sơ bộ mới nhất được thực hiện trên người, cũng đã cho kết quả tương tự.
Sau khi lấy mẫu máu của 8 người đàn ông khỏe mạnh trước khi tập thể dục và 30 phút sau khi tập thể dục, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy sự gia tăng của một số chất chuyển hóa tương tự, theo The Science Times.
Nhóm nghiên cứu hy vọng rằng các chất sản sinh trong quá trình tập thể dục như lactate có thể cải thiện hệ thống miễn dịch, làm cho tế bào T hiệu quả hơn trong việc tiêu diệt ung thư ở người.
Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu thêm ở người.
Họ hy vọng rằng những kết quả này mở ra những con đường hứa hẹn nhất cho các liệu pháp điều trị ung thư tiềm năng.
Hơn nữa, tổ chức y tế cũng nhấn mạnh rằng hoạt động thể chất thường xuyên là chìa khóa để ngăn ngừa và giúp kiểm soát bệnh tim, tiểu đường loại 2 và ung thư.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế
Thế giới (WHO), có 1/4 người trưởng thành và 4/5 thanh thiếu niên không hoạt động thể chất đầy đủ.
Mới đây, WHO khuyến cáo, tập thể dục hằng ngày có thể cứu 5 triệu người mỗi năm.
Hướng dẫn mới của WHO đề xuất ít nhất 150 - 300 phút tập thể dục vừa phải đến gắng sức mỗi tuần cho tất cả người lớn, kể cả người mắc bệnh mạn tính hoặc khuyết tật, và trung bình 60 phút mỗi ngày cho trẻ em và thanh thiếu niên, theo The Science Times.
Thiên Lan
Link nguồn:
Theo thanhnien.vn