Ánh trăng của những đứa trẻ trọc đầu
Bảy giờ tối, bà Sen thay cho cháu gái bộ váy mới rồi bế lên xe lăn cho kịp giờ phá cỗ trung thu ở Bệnh viện K, Tân Triều.
Trong căn phòng nhỏ 8 m2 chỉ đủ kê một chiếc giường và một cái tủ, bé Lê Thị Thùy Linh đang nằm vẽ tranh. Cô bé 5 tuổi bị ung thư xương, phát hiện cách đây hơn hai tháng. Đây là Tết trung thu đầu tiên trong đời của em, lại đón trung thu trong hoàn cảnh có khối u to ở chân phải và những con sốt hoành hành.
Hai tháng nằm viện, khuôn mặt Linh xọp hẳn đi, cân nặng từ 17 kg chỉ còn 11 kg. Em không thể đi lại nên chiếc xe lăn là bạn đồng hành. Bà Sen, bà ngoại em, đã ngoài 70, cho biết, bố bỏ đi khi em còn nhỏ, mẹ từ đó cũng bị trầm cảm. Một mình bà nuôi Linh và anh trai của em năm nay học lớp 5 nên kinh tế cũng kiệt quệ dần. Gia đình ở Nghệ An, hiện bà phải thuê trọ ở Hà Nội để bé điều trị ngoại trú.
"Tất cả tâm sức và của cải của tôi đều dành hết cho Linh, chỉ mong cháu có thể khỏe lại", bà nói.
Khánh Linh và mẹ tham gia đêm trung thu tại bệnh viện K, được tặng một chiếc xe lăn. Ảnh: Thùy An.
Linh ở giai đoạn ung thư di căn nên tiên lượng rất xấu. Khối u to dần lên từng ngày. "Nhiều đêm liền, cháu không ngủ được. Giờ tôi cũng chỉ mong được ngày nào thì cảm ơn ngày đấy mà thôi", bà Sen nói.
Cũng có con nhỏ mắc ung thư xương, chị Nguyễn Thị Hạnh, 34 tuổi ở Hà Nam, đang bận rộn cho cô con gái nhỏ ăn bữa tối để kịp giờ đi phá cỗ. "Dù trong đầu chẳng còn tâm trạng mà nghĩ đến trung thu nhưng thấy con háo hức nên tôi cũng chiều", chị Hạnh nói.
Bé Trương Khánh Linh, 6 tuổi phát hiện bệnh từ đầu tháng sáu. Ban đầu, Linh kêu đau mỏi và nhức chân, gia đình nghĩ con đang tuổi lớn hoặc do chạy nhảy nhiều. Cơn đau ngày càng nặng, gia đình đưa bé đi khám. Kết quả tại viện Đại học Y Hà Nội, Bạch Mai không đổi, bác sĩ kết luận Linh có khối u ác trong xương. Hiện tại, chân phải của Linh không thể đi lại, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào mẹ.
"Ngày biết tin con bị ung thư, tôi sụp đổ hoàn toàn còn gia đình thì xáo trộn", anh Cường, bố Khánh Linh nói. Anh làm công việc tự do, còn chị Hạnh là công nhân, lương "ba cọc, ba đồng".
Cô bé chuẩn bị đón năm học mới thì đổ bệnh. Nằm trên giường bệnh, Linh nói nhỏ bên tai mẹ:"Con sẽ nói với chị Hằng rằng con ước được dự lễ khai giảng, được đến trường đi học và bố mẹ không còn vất vả vì con nữa".
Các em nhỏ và gia đình cùng quây quần bên nhau. Anh Quang 38 tuổi, bố của một bệnh nhi, nói đây là năm thứ hai bé đón trung thu ở viện. "Nhìn con cười đùa cùng bạn bè, nỗi xót xa trong tôi cũng vơi đi phần nào", anh nói.Đêm hội Trăng rằm do Bệnh viện K3, Tân Triều, tổ chức đêm 10/9 có hơn 1.000 bệnh nhi cùng thân nhân tham gia. Các bé hào hứng vẽ tranh, xem biểu diễn văn nghệ, rước đèn, phá cỗ cùng chú Cuội, chị Hằng. Những bé bệnh nặng, không thể xuống sân bệnh viện vui chơi được các y bác sĩ phát quà tận giường. Anh Nguyễn Đức Hà, chủ tịch câu lạc bộ thiện nguyện tham gia chương trình chia sẻ: "Trẻ nhỏ ung thư chịu rất nhiều thiệt thòi nên cần được quan tâm và chăm sóc đặc biệt".
Nhiều em bé vừa được phẫu thuật cắt bỏ chân phải truyền dịch, trên tay vẫn đeo kim truyền, mải mê theo dõi rồi cười sảng khoái với các tiết mục trên sân khấu. Bé Trương Khánh Linh được tặng chiếc xe lăn từ câu lạc bộ thiện nguyện, giúp em đi lại dễ dàng.
"Con tưởng năm nay không được đón trung thu nữa vì không thể đi lại", Linh ngồi trên xe lăn nói. "Trung thu làm con không còn nghĩ mình bị ung thư và quên đi mùi thuốc".
Thùy An
Tin nổi bật
- Người phụ nữ cùng lúc mắc 2 loại ung thư
28/06/2024 - 09:50:34
- Điều trị ung thư bàng quang
20/06/2024 - 10:36:13
- Các lựa chọn điều trị ung thư thận
19/06/2024 - 11:15:28
- Các loại thuốc điều trị ung thư thực quản
17/06/2024 - 14:31:44
- Bài tập cho người ung thư dương vật
14/06/2024 - 09:51:01
- Sụt cân, vàng da... dấu hiệu của bệnh ung thư ác tính
12/06/2024 - 10:41:43