Ai nên tầm soát ung thư vú?
ThS.BSCKII Nguyễn Kiều Hưng, Khoa Ngoại Gan mật - Tiêu hoá và Ung bướu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương tư vấn kiến thức khoa học về ung thư vú và vì sao phải tầm soát ung thư vú.
1. Tầm soát ung thư vú là gì?
Tầm soát ung thư vú là kiểm tra tuyến vú nhằm phát hiện các dấu hiệu ung thư sớm ở những người thuộc đối tượng nguy cơ nhưng không có triệu chứng ung thư vú. Kiểm tra tuyến vú gồm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm. Xét nghiệm chính được sử dụng để sàng lọc ung thư vú là chụp X-quang tuyến vú.
Mục tiêu của sàng lọc ung thư vú giúp phát hiện ung thư sớm trước khi tổn thương ung thư có cơ hội phát triển, lây lan hoặc gây ra các triệu chứng. Các nghiên cứu cho thấy việc sàng lọc giúp giảm nguy cơ tử vong do ung thư vú.
Lợi ích chính của việc sàng lọc là giúp phát hiện ung thư sớm, khi đó việc điều trị có thể dễ dàng hơn. Điều này làm giảm nguy cơ tử vong do ung thư vú.
2. Ai nên tầm soát ung thư vú?
- Tuổi: Những bệnh nhân ngoài 40 tuổi tăng nguy cơ ung thư vú hơn.
- Giới tính: Nữ gặp nhiều hơn nam gấp 100 lần.
- Chủng tộc/sắc tộc: Ung thư vú gặp nhiều nhất ở phụ nữ da trắng.
- Cân nặng phụ nữ sau mãn kinh: BMI cao có nguy cơ cao hơn bị ung thư vú. Tuy nhiên, nguy cơ ung thư vú liên quan đến chỉ số BMI khác nhau tùy theo tình trạng mãn kinh. Ví dụ, chỉ số BMI cao hơn và/hoặc tăng cân trong thời kỳ tiền mãn kinh thường liên quan đến nguy cơ ung thư vú cao hơn ở phụ nữ sau mãn kinh.
- Chiều cao: Chiều cao tăng có liên quan đến nguy cơ ung thư vú cao hơn ở cả phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh.
- Bệnh vú lành tính: Các tổn thương tăng sinh (đặc biệt là những tổn thương không điển hình mô học) có liên quan đến tăng nguy cơ ung thư vú.
- Mô vú dày đặc: Phụ nữ có mô vú dày đặc trên phim chụp X-quang tuyến vú, thường được định nghĩa là mô dày đặc chiếm ≥75% của vú, có nguy cơ ung thư vú cao hơn so với phụ nữ cùng độ tuổi có ít hoặc không có mô dày đặc.
- Mật độ khoáng xương: Phụ nữ có mật độ xương cao hơn có nguy cơ ung thư vú cao hơn (đối với những phụ nữ có tiếp xúc lâu dài với estrogen nội sinh và ngoại sinh).
- Nồng độ estrogen nội sinh cao hơn: Nồng độ estrogen nội sinh cao hơn có liên quan đến nguy cơ ung thư vú cao hơn (đặc biệt là bệnh dương tính với thụ thể hormone) ở cả phụ nữ sau mãn kinh và tiền mãn kinh.
- Thuốc tránh thai: Nguy cơ ung thư vú tạm thời tăng lên khi sử dụng thuốc tránh thai kết hợp hiện tại hoặc gần đây, nhưng mối liên quan này biến mất trong vòng hai đến năm năm sau khi ngừng sử dụng.
- Androgen: Nồng độ androgen (tức là testosterone) tăng cao có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư vú sau mãn kinh và tiền mãn kinh.
- Insulin và các yếu tố liên quan: Mức độ kháng insulin cao hơn có liên quan đến tỷ lệ mắc ung thư vú cao hơn.
- Có kinh sớm hoặc mãn kinh muộn: Có kinh sớm có liên quan đến nguy cơ ung thư vú cao hơn. Mãn kinh muộn hơn có liên quan đến nguy cơ ung thư vú cao hơn.
- Không sinh con: Phụ nữ không sinh con có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn so với phụ nữ đã sinh con.
- Mang thai lần đầu khi lớn tuổi: Phụ nữ mang thai lần đầu muộn hơn có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn.
- Tiền sử cá nhân bị ung thư vú: Tiền sử cá nhân bị ung thư vú xâm lấn hoặc tại chỗ làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú xâm lấn ở vú đối diện.
- Tiền sử gia đình và đột biến gen: Những người mang gen đột biến BRCA 1 hoặc BRCA 2 có tỷ lệ mắc ung thư vú cao hơn.
- Sử dụng rượu và hút thuốc: Tiêu thụ rượu, hút thuốc có liên quan đến nguy cơ ung thư vú cao hơn.
- Tiếp xúc với bức xạ ion hóa trị liệu: Làm tăng nguy cơ ung thư vú.
Những người thuộc đối tượng nguy cơ kể trên cần được tầm soát sớm ung thư vú.
3. Có thể khám sàng lọc sau khi đã tiêm vaccine COVID-19 không?
Có, nhưng không nên lên lịch gần nhau. Trong những trường hợp bị sưng hạch bạch huyết tạm thời ở vùng nách sau khi tiêm một số loại vaccine COVID-19 sẽ làm khó diễn giải hình ảnh chụp X-quang tuyến vú hơn.
4. Chụp X-quang tuyến vú diễn ra như thế nào?
Khi chụp, bệnh nhân được yêu cầu cởi quần áo từ thắt lưng trở lên. Mỗi vú sẽ được chụp X-quang 2 lần (thẳng và nghiêng).
5. Nếu chụp X-quang tuyến vú có bất thường thì sao?
Khoảng 9 trên 10 trường hợp, hình chụp X-quang tuyến vú bất thường hóa ra không phải là ung thư vú. Nếu nghi ngờ thì có thể phối hợp siêu âm tuyến vú, sinh thiết tổn thương để chẩn đoán
6. Có cần khám tuyến vú bằng tay?
Khám vú rất quan trọng nhưng không phải trường hợp nào cũng phát hiện bất thường. Khám vú kết hợp X-quang vú, siêu âm vú sẽ làm tốt hơn là chỉ chụp X-quang tuyến vú đơn thuần.
7. Có thể chụp MRI vú thay vì chụp X-quang tuyến vú không?
Chụp cộng hưởng từ vú sàng lọc không dành cho tất cả mọi người. So với chụp X-quang tuyến vú, chụp cộng hưởng từ vú cho nhiều "dương tính giả" hơn và đôi khi dẫn đến sinh thiết không cần thiết. Tuy nhiên, MRI không thay thế chụp X-quang tuyến vú. Chúng được sử dụng cùng với nhau trong khám, sàng lọc ung thư vú.
8. Nên chụp X-quang tuyến vú bao lâu một lần?
1 – 2 năm chụp 1 lần tùy theo khuyến cáo của bác sĩ (dựa trên tiền sử bệnh, các yếu tố nguy cơ của ung thư vú nếu có.
Tin nổi bật
- Người phụ nữ cùng lúc mắc 2 loại ung thư
28/06/2024 - 09:50:34
- Điều trị ung thư bàng quang
20/06/2024 - 10:36:13
- Các lựa chọn điều trị ung thư thận
19/06/2024 - 11:15:28
- Các loại thuốc điều trị ung thư thực quản
17/06/2024 - 14:31:44
- Bài tập cho người ung thư dương vật
14/06/2024 - 09:51:01
- Sụt cân, vàng da... dấu hiệu của bệnh ung thư ác tính
12/06/2024 - 10:41:43