Ứng dụng ru ngủ cho bé: Lợi bất cập hại
Các ứng dụng được người phát hành, kinh doanh quảng cáo có thể thay thế mẹ ru bé ngủ, “xoá tan” việc trẻ quấy khóc, khó ngủ. Hơn thế, những người này còn khẳng định, các ứng dụng còn giúp bé thông minh, phát triển trí não.
"Thượng vàng hạ cám"
Biết con của chị Nguyễn Ngọc Linh (28 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) hay quấy khóc đêm, nhiều bạn bè liền gợi ý, giới thiệu với chị ứng dụng ru bé ngủ. Những người này cho biết, các ứng dụng trên có thể phát ra nhiều loại âm thanh, nhạc,... giúp bé nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.
Tìm hiểu trên mạng internet, chị Linh choáng ngợp trước sự đa dạng của loại ứng dụng được nhà phát hành dành riêng cho trẻ sơ sinh. “Chỉ cần nhập từ khoá “ứng dụng ru bé ngủ”, Google sẽ cho ra vô số kết quả. Theo đó, các ứng dụng được nhiều trang mạng đánh giá là uy tín như: Sleep Baby sleep, Sleeptot, Baby Sleep Sound, ...”, chị Linh cho biết.
Một mẩu quảng cáo ứng dụng ru bé ngủ.
Cũng theo chị Linh, ngoài các ứng dụng được nhiều người đánh giá là uy tín, có nhà phát hành rõ ràng, còn có vô số sản phẩm không rõ nguồn gốc.
Chị Linh chia sẻ: “Qua tìm hiểu, tôi thấy ứng dụng White nosie Deep sleep Sound được nhiều người khuyến cáo sử dụng. Ứng dụng này được cho là sử dụng tiếng ồn trắng để ru bé ngủ. Mà tiếng ồn trắng thì đã được nghiên cứu rồi. Tuy nhiên, còn vô số ứng dụng khác được quảng cáo là có thể giúp các mẹ dỗ con nín khóc, ngủ sâu”.
Tìm hiểu thực tế, PV nhận thấy các ứng dụng trên được quảng cáo với những lời có cánh. Theo đó, để quảng cáo cho ứng dụng Sleep Baby Sleep, một trang mạng viết: “Bằng cách mô phỏng nhịp tim, âm thanh có tần số thấp, ứng dụng Baby Snooze sẽ giúp bé cưng cảm thấy an tâm như vẫn đang trong bụng mẹ”.
Trong khi đó, trang “ungdungrubengu...” lại khẳng định, ứng dụng Sleep Well không chỉ giúp bé đang quấy khóc, khó ngủ nhanh chóng ngủ sâu mà còn làm cho bé phát triển trí não, thông minh.
Các ứng dụng này được người kinh doanh giới thiệu có thể cài đặt trên các thiết bị điện tử di động như: Điện thoại, máy tính bảng sử dụng hệ điều hành Android, IOS, Windows,... với giá từ 45.000 đồng đến 100.000 đồng.
Tuy nhiên, đi sâu tìm hiểu, PV phát hiện, đa số các ứng dụng này đều không được các nhà phát hành uy tín kinh doanh. Nhiều sản phẩm không được người kinh doanh giới thiệu nhà sản xuất, phát hành, không có các thông tin về tính an toàn, hiệu quả,...
Chưa có nghiên cứu, khuyến cáo từ y học
Theo tìm hiểu của PV, trước sức mạnh từ những lời quảng cáo của người phát hành, nhiều bậc cha mẹ đã tải, cài đặt và sử dụng sản phẩm trên để chăm sóc giấc ngủ cho con.
Trao đổi với PV, chị Văn Kim Thoa (25 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) chia sẻ: “Mỗi khi buồn ngủ, bé nhà tôi quấy dữ lắm. Bé gào khóc suốt, tôi lại không có nhiều kinh nghiệm và thời gian trong việc ru con. Do đó, khi nghe có ứng dụng ru bé ngủ, tôi đã tham khảo và sử dụng”.
Theo chị Thoa, đến nay, sau gần một tuần sử dụng, chị vẫn chưa xác định được tính hiệu quả của ứng dụng này. “Có lúc tôi sử dụng ứng dụng bé vẫn không ngủ nhưng cũng có lúc bé lại nín khóc và có dấu hiệu ngủ ngon trong tiếng nhạc từ sản phẩm này”, chị quả quyết.
Các ứng dụng ru bé ngủ được người phát hành bán với giá từ vài chục ngàn đến gần 200.000 đồng.
Tìm hiểu thực tế, PV được biết, không chỉ riêng chị Thoa, nhiều bà mẹ khác cũng sử dụng loại ứng dụng này. Thậm chỉ, có người còn tin rằng, việc cho bé nghe nhạc, âm thanh từ ứng dụng sẽ giúp bé phát triển trí tuệ.
Trong khi đó, nhiều phụ huynh khác lại tỏ ra e dè, nghi ngờ tác dụng thực tế của loại ứng dụng này. Những cha mẹ này cho biết, việc cho trẻ tiếp xúc quá nhiều với các loại âm thanh, nhạc theo kiểu này dễ khiến trẻ bị lệ thuộc. Thậm chí, có bà mẹ cho rằng, việc để các thiết bị điện tử gần các bé là điều không tốt, có thể ảnh hưởng đến trí não của trẻ.
Chị Phan Thị Khánh (30 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết: “Sau khi tôi cài đặt, sử dụng ứng dụng tiếng ồn trắng ru con ngủ một thời gian, bé nhà tôi có dấu hiệu phụ thuộc loại âm thanh này. Mỗi khi tôi tắt iPad đang phát ứng dụng là bé lại thức và quấy khóc. Tôi có ru kiểu gì bé cũng không chịu ngủ cho đến khi bật ứng dụng này lên”.
Ngoài ra, chị Khánh còn chia sẻ, nhiều bạn bè đã khuyên chị không nên tiếp tục cho con nghe tiếng ồn trắng. Bởi, có nghiên cứu chỉ ra rằng, không phải tiếng ồn nào cũng an toàn với trẻ. Cụ thể, các nghiên cứu cho thấy, loại tiếng ồn này làm gia tăng nguy cơ rối loạn nghe và phát triển ngôn ngữ của trẻ.
Thông tin về việc có nên sử dụng các ứng dụng ru bé ngủ hay không, một bác sĩ đang công tác tại TP.HCM cho biết, trẻ có những cơ chế tự ngủ khác nhau. Do đó, có bé thích và không thích các loại âm thanh từ những ứng dụng này.
Trong khi đó, TS.BS Lê Thị Khánh Vân, Trưởng khoa Thần kinh, bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cho biết: “Những ứng dụng, thiết bị được cho là có thể giúp trẻ ngủ ngon, không quấy khóc như đã đề cập chưa được đưa vào giáo trình của y học. Do đó, để biết được tính hiệu quả của các sản phẩm này cần phải có thời gian”.
”Về mặt chuyên môn, các chuyên gia sẽ không khuyến cáo được gì nếu sản phẩm, thiết bị không có trong giáo trình y khoa. Cho đến thời điểm này, y học chưa có khuyến cáo về một sản phẩm nào tạo ra giấc ngủ bằng các thiết bị được cài đặt trên điện thoại, máy tính bảng”, chuyên gia này cho biết thêm.
Ngọc Lài
Tin nổi bật
- Lần đầu ghép thành công gan lợn cho người sống
27/05/2024 - 11:52:41
- Bê bối tại ngân hàng máu cuống rốn khiến người Singapore phẫn nộ
24/04/2024 - 10:58:43
- Làm gì khi vòng kinh không phóng noãn?
26/02/2024 - 10:47:55
- 5 cách giúp giảm stress
23/02/2024 - 10:42:27
- Số người hiến mô tạng ở Việt Nam thấp nhất thế giới
02/02/2024 - 15:25:27
- Nguyên nhân vô sinh hiếm muộn ở người trẻ
31/01/2024 - 11:24:55