Như tin đã đưa, tài xế xe dịch vụ cấp cứu bị nhiễm siêu vi viêm gan B (còn gọi là siêu vi B) trong cuộc ẩu đả đã cắn 2 bảo vệ Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 (TP.HCM) bị thương khiến 2 người này lo sợ phải đến BV Bệnh nhiệt đới tư vấn, điều trị dự phòng phơi nhiễm siêu vi B.
Thông tin này được chú ý và gây tâm lý hoang mang cho nhiều người, vì đây là lần đầu tiên họ nghe đến việc điều trị dự phòng sau tai nạn bị phơi nhiễm với siêu vi B, trước nay chỉ nghe dự phòng lây truyền siêu vi B từ mẹ sang con hoặc phơi nhiễm HIV.
Phơi nhiễm viêm gan B 95-99% tự khỏi
TS-BS Lê Mạnh Hùng, Phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết ngay từ thập niên 1990, điều trị dự phòng phơi nhiễm với siêu vi B, theo dõi nhiễm siêu vi viêm gan C cùng với xử lý sau khi bị phơi nhiễm với HIV đã được quan tâm và khuyến cáo thực hiện.
Cho đến nay, điều trị dự phòng sau phơi nhiễm với siêu vi B cho những người chưa bị nhiễm siêu vi B nhưng chưa có kháng thể chống lại siêu vi này (chưa được chủng ngừa hoặc chủng ngừa không hiệu quả) vẫn được khuyến cáo trong các sách giáo khoa thực hành chuyên khoa bệnh gan (Hepatology A Clinical Textbook), trong hướng dẫn của Trung tâm dự phòng và kiểm soát bệnh Mỹ (U.S. Centers for Disease Control and Prevention - CDC),…
Theo TS-BS Hùng, khi tiếp xúc trực tiếp (qua vết thương, qua quan hệ tình dục không an toàn, từ mẹ qua con trong thai kỳ hoặc khi sanh) với máu hoặc dịch tiết của người nhiễm siêu vi B, người bị phơi nhiễm có nguy cơ bị lây truyền siêu vi B.
Đối với lây truyền cho trẻ sơ sinh từ bà mẹ bị nhiễm siêu vi B, hơn 90% trẻ sẽ bị nhiễm siêu vi B mạn và có thể mắc bệnh viêm gan sau đó. Với người trưởng thành, khi bị phơi nhiễm siêu vi B (trong trường hợp này là người bị cắn), tùy theo tình trạng nhiễm siêu vi B của người gây phơi nhiễm (người cắn), khả năng bị nhiễm siêu vi B từ vài phần trăm đến khoảng 30% trường hợp.
Tuy khả năng tự khỏi sau nhiễm siêu vi B của người lớn rất cao (95-99% trường hợp) nhưng vẫn có những trường hợp diễn tiến tối cấp nguy hiểm (dưới 1%) hoặc gây bệnh viêm gan mạn tính.
Như vậy, điều trị dự phòng sau phơi nhiễm siêu vi B, với người trưởng thành, về lý thuyết và nguyên tắc là cần và nên thực hiện khi có điều kiện.
Theo TS-BS Hùng, nếu xác định qua xét nghiệm máu, nguồn gây phơi nhiễm có nhiễm siêu vi B thì người bị phơi nhiễm chưa nhiễm siêu vi này hoặc nhiễm đã hồi phục và chưa có kháng thể chống siêu vi (chưa chủng ngừa, chủng ngừa không hiệu quả, không có kháng thể sau hồi phục) thì khuyến cáo nên tiêm ngừa vắc xin và Globulin miễn dịch kháng siêu vi B (HBIG) với liều gấp 10 lần tiêm cho trẻ sơ sinh.
Nên chủng ngừa chủ động siêu vi B hơn là điều trị dự phòng phơi nhiễm
Việt Nam là quốc gia thuộc vùng dịch tễ lưu hành của siêu vi B với tỷ lệ trên 8% dân số bị nhiễm.
Theo thông báo của Cục Y tế dự phòng, năm 2016, ước tính có khoảng 8,7 triệu người nhiễm siêu vi B mạn. Đối với các quốc gia có tỷ lệ nhiễm siêu vi B cao như thế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nên tầm soát và phòng ngừa chủ động bằng tiêm vắc xin cho người dân, đặc biệt đối với nhóm có nguy cơ cao như: có người thân nhiễm siêu vi B, nhân viên y tế,… Chiến lược phòng chống viêm gan vi rút của Việt Nam tập trung vào các chương trình tiêm chủng mở rộng; phòng ngừa lây truyền siêu vi B từ mẹ nhiễm sang con; phòng chống bệnh nghề nghiệp; tiêm phòng chủ động cho người dân.
Với các trường hợp sau phơi nhiễm siêu vi B, WHO khuyến cáo nên được xem xét khi cần thiết.
TS-BS Hùng cho biết thêm, thực tế, tại Việt Nam nói chung và BV Bệnh nhiệt đới nói riêng, việc phát hiện ngay phơi nhiễm với siêu vi B để dự phòng thường rất ít, khả năng bị nhiễm siêu vi B mạn sau phơi nhiễm rất thấp. Nhưng nếu điều trị dự phòng chi phí xét nghiệm và điều trị cao: 7 - 8 triệu đồng/liều tiêm HBIG, nhưng nguồn HBIG cung ứng hạn chế. Chính vì thế, việc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm với siêu vi B đến nay chưa được đưa vào chương trình điều trị dự phòng sau phơi nhiễm như với HIV và dự phòng lây truyền siêu vi B từ mẹ sang con.
“Trong trường hợp cần điều trị dự phòng sau phơi nhiễm, cá nhân hoặc cơ quan quản lý phải tốn chi phí điều trị. Tại BV Bệnh nhiệt đới, trước đây chỉ tiếp nhận có 2 trường hợp được giới thiệu đến để điều trị dự phòng sau phơi nhiễm với siêu vi B và đều là nhân viên y tế. Sau khi được tư vấn và hướng dẫn, không trường hợp nào tham gia điều trị dự phòng. Tốt nhất, mọi người nên tầm soát và tiêm vắc xin phòng ngừa chủ động siêu vi viêm gan B”, TS-BS Hùng nhấn mạnh.
Duy Tính