Trẻ nhiễm sán lợn: Xét nghiệm chỉ thêm rối?
Trước việc cha mẹ ở Bắc Ninh lũ lượt cho trẻ đi xét nghiệm sán lợn, bác sĩ Trương Hữu Khanh, bệnh viện Nhi đồng TPHCM cho rằng nếu không có triệu chứng, xét nghiệm chỉ thêm rối.
Chỉ trong vòng 3 ngày, 2 bệnh viện tại Hà Nội là BV Bệnh Nhiệt đới TƯ và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TƯ đã tiếp nhận khoảng 1.600 trẻ đến từ Bắc Ninh đến thăm khám và xét nghiệm sán lợn.
Nguyên nhân bắt nguồn từ việc phụ huynh học sinh phát hiện thực phẩm bẩn là thịt lợn gạo được dùng để chế biến thức ăn cho trẻ tại trường tiểu học Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh), đặc biệt sau đó 1 số trẻ đi xét nghiệm đã cho kết quả dương tính với sán lợn.
Sự việc này đã làm nhiều bậc phụ huynh dấy lên mối quan tâm, lo lắng về sán lợn. BS. Trương Hữu Khanh, BV Nhi đồng I, Tp. Hồ Chí Minh đã có lời khuyên hữu ích giúp các phụ huynh hiểu rõ hơn về giun sán.
Theo BS. Khanh, giun sán có mặt rất nhiều trong môi trường, trong đất, trong rau không sạch, trong phân, nước miếng của động vật cho nên vệ sinh ăn uống, vệ sinh môi trường rất quan trọng. Để phòng ngừa, cần ăn sạch, uống sạch, rửa tay và xổ giun định kỳ.
Giun sán có nhóm ký sinh trên người, ký sinh trên động vật khác. Nếu giun sán ký sinh trên người vào cơ thể qua đường tiêu hóa hay qua da cũng sẽ di chuyển vào ruột nguời để thải ra môi trường nhằm "nhân giống". Còn nếu loại giun sán ký sinh trên động vật khác khi "lỡ" đi vào người có thể đi lạc lên cơ quan khác nhưng tình huống này rất hiếm, sợ nhất là lên não, còn thường là lên da.
Với câu hỏi: “Có nên xét nghiệm máu tìm xem có nhiễm giun sán không?”, BS. Khanh cho hay: Đa số khi giun sán vào cơ thể người sau một thời gian có thể tự thải ra nhưng xét nghiệm vẫn dương tính rất lâu. Cho nên dù xét nghiệm dương tính nhưng trong người không có, không còn giun sán nào cả.
Đồng thời, xét nghiệm giun sán rất dễ nhầm, vì nhiễm giun sán này đã hết lâu rồi nhưng lại xét ra giun sán khác; nhiễm giun sán người nhưng xét nghiệm ra giun sán chó mèo, sán lợn.
”Chỉ bệnh nhân có dấu hiệu ký sinh trùng xuất hiện ở da (nổi sần, nổi cục trên da), dấu hiệu ở não như co giật, hôn mê, yếu liệt chi... và bác sĩ điều trị nghi ngờ do ký sinh trùng "chạy nhầm đường" mới cho chỉ định. Trẻ nhỏ hay người lớn không có triệu chứng gì thì xét nghiệm sẽ làm rối thêm", BS. Khanh khuyến cáo.
Bên cạnh đó, nếu nghi ngờ ăn phải gì đó mà có thể nhiễm giun sán thì cứ uống thuốc xổ giun. Với giun sán thông thường albendazol, mebendazol, pyrentel; Nghi sán lợn thì dùng Praziquantel hay albendazol.
BS Khanh cho hay: "Nếu không có triệu chứng gì thì không cần xét nghiệm, chỉ cần uống thuốc xổ giun cũng rất lành. Lưu ý, nên sổ giun cho cả thú cưng. Cần nhớ, ăn sạch, uống sạch và rửa tay luôn có lợi".
Cùng quan điểm này, TS Huỳnh Hồng Quang - Phó Viện trưởng Viện Sốt rét và ký sinh trùng Quy Nhơn cho biết, với tỷ lệ hơn 50 tỉnh ở nước ta có bệnh sán lợn lưu hành thì việc đưa hàng loạt trẻ đi xét nghiệm sẽ gây hoang mang và sợ hãi cho trẻ. Khi sán chưa có biến chứng gì thì người nhà cũng như bệnh nhân không cần quá lo lắng.
Nếu chỉ ăn thịt lợn nhiễm nang sán thì rất khó bị sán vì thức ăn ở các trường mầm non đã được nấu chín, không ai cho trẻ ăn thịt sống. Theo TS Quang, nếu nói do ăn phải thịt chứa nang sán gây ra sán cũng không đúng và không hẳn bữa ăn ở trường đã khiến các bé bị sán.
Việc các mẹ hoang mang và đưa con đi xét nghiệm, về mặt cộng đồng có thể làm được nhưng không nên quá lo sợ như hiện nay.
TS Quang nhấn mạnh, nếu kết quả xét nghiệm máu dương tính với sán lợn thì đó chưa được coi là ca bệnh, chưa cần điều trị nếu trẻ không có các triệu chứng đi kèm như rối loạn tiêu hóa, dấu hiệu trên da, niêm mạc có thể ngứa, mày đay từng đợt, có đốt sán đi ra từ hậu môn... Khi có các dấu hiệu nhiễm sán thì mới có thể coi là ca bệnh và cần phải uống thuốc.
Xét nghiệm miễn phí tại trường mầm non Bà Tô Thị Mai Hoa, Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh cho biết, từ hôm nay, Sở sẽ tổ chức lấy mẫu cho các học sinh tại 19 trường mầm non và tiểu học nghi nhiễm sán từ thực phẩm, sau đó sẽ gửi mẫu ra BV Bệnh nhiệt đới TƯ và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TƯ để xét nghiệm, tránh trường hợp các gia đình phải tự đi hoặc thuê xe tập thể vất vả. Toàn bộ chi phí xét nghiệm sán lợn từ 600 nghỉn đồng - 1 triệu đồng/cháu sẽ được tỉnh chi trả. Các trường hợp nhiễm sán sẽ được cấp thuốc theo phác đồ của Bộ Y tế. |
Nhân Hà (tổng hợp)
Tin nổi bật
- Nhiều người đi khám sức khỏe mới phát hiện bị bệnh tâm thần
05/07/2024 - 10:54:06
- Thanh niên suýt mất mạng vì ngộ độc thuốc diệt chuột
04/07/2024 - 10:12:39
- Đau bụng đi khám bác sĩ, bàng hoàng phát hiện sán não ký sinh khắp cơ thể
04/07/2024 - 10:00:07
- Bộ Y tế và UNCEF trao đổi thúc đẩy tiếp tục hợp tác về chăm sóc sức khoẻ nhân dân
04/07/2024 - 09:56:36
- Trích rạch vết thương do vỡ hạt tophi sau biến chứng của bệnh gout, cụ ông bị nhiễm trùng nặng
04/07/2024 - 09:52:37
- Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm ông Nguyễn Toàn Thắng giữ chức Phó Chánh Văn phòng Bộ
04/07/2024 - 09:50:03