Tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng sởi cơ hội bảo vệ lên đến 90%
Theo bác sĩ Vũ Ngọc Long, Phó trưởng Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) bệnh sởi hiện nay vẫn xuất hiện rải rác ở các vùng trong cả nước và không có cách nào phòng bệnh đặc hiệu bằng tiêm vắc xin.
Hiện nay, vẫn còn một số phụ huynh không cho con đi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi vừa gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của trẻ mà còn khiến “lỗ hổng miễn dịch” trong cộng đồng ngày càng lớn.
Ngoài những bà mẹ theo trào lưu anti vắc xin trên mạng xã hội, thì nhiều bậc phụ huynh đang có cái nhìn sai lệch về tác dụng của vắc xin cũng là một trong những nguyên nhân tác động tiêu cực, phá hoại thành quả tiêm chủng.
Bác sĩ Vũ Ngọc Long, Phó trưởng Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế).
Trong đợt tiêm chủng mở rộng vừa qua do Sở Y tế Hà Nội triển khai, nhiều bậc phụ huynh chưa cho trẻ đi tiêm bổ sung, vì vẫn nghĩ chỉ cần tiêm phòng sởi 2 mũi (1 mũi 9 tháng, 1 mũi 18 tháng) là đủ.
Và một số bậc phụ huynh hoang mang khi có thông tin dù trẻ tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng bệnh sởi nhưng nguy cơ nhiễm phải vi rút này vẫn lên tới 90%, nên không cho con đi tiêm. Hậu quả, những trường hợp này nhiều trẻ dính sởi và phải nhập viện điều trị. Cá biệt, có nhiều trẻ bị biến chứng viêm phổi khiến việc điều trị kéo dài và tốn kém.
Lý giải về vấn đề này bác sĩ Vũ Ngọc Long cho biết: “Ở đây, có thể các bậc phụ huynh có sự nhầm lẫn. Bởi nếu trẻ tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng sởi, thì khả năng được bảo vệ lên tới 90%, chứ không phải 90% trẻ vẫn có nguy cơ mắc bệnh”.
Cụ thể, sau khi tiêm 1 mũi vắc xin sởi, hiệu quả bảo vệ đạt từ 80-85%, sau khi tiêm phòng đủ 2 mũi vắc xin sởi thì hiệu lực bảo vệ đạt từ 90%, vì vậy vẫn có khoảng 10% số trẻ đã tiêm vắc xin sởi nhưng chưa có đáp ứng miễn dịch và có thể mắc bệnh khi bị nhiễm vi rút sởi.
“Số trẻ chưa có đáp ứng miễn dịch phòng bệnh này sẽ được tích lũy qua các năm cùng với số trẻ không được tiêm vắc xin sẽ tạo ra “khoảng trống miễn dịch”, đây chính là các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh và gây dịch sởi trong thời gian tới”, bác sĩ Vũ Ngọc Long phân tích.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây nên. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra vào mùa đông - xuân, với tốc độ lây nhiễm rất cao từ người sang người, chủ yếu qua đường hô hấp. Chỉ có thể ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh khi cộng đồng dân cư được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh đầy đủ.
“Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não… có thể dẫn đến tử vong, đặc biệt ở trẻ nhỏ bị mắc sởi trong khi cơ thể đã có bệnh nền. Đối với phụ nữ bị mắc sởi khi mang thai có thể gây ra sảy thai, đẻ non”, bác sĩ Vũ Ngọc Long nhấn mạnh.
Tiêm vắc xin là cách phòng bệnh sởi hiệu quả.
Trong năm 2018, tại Việt Nam, bệnh sởi có xu hướng gia tăng rải rác, cục bộ từ những tháng cuối năm 2018 đến nay, chủ yếu tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp lớn như Đồng Nai, Bình Dương… Đối tượng mắc bệnh chủ yếu chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi ở trẻ em, và có trường hợp người lớn mắc bệnh, trong đó có phụ nữ mang thai.
Bởi vậy, để phòng chống bệnh sởi, giảm số trẻ không được tiêm vắc xin qua nhiều năm, vừa qua Sở Y tế Hà Nội đã triển khai tiêm vắc xin sởi- rubella bổ sung, miễn phí cho trẻ 1-5 tuổi (ngoại trừ những bé đã tiểm vắc xin sởi, sởi- rubella, sởi- quai bị- rubella trong vòng 1 tháng tính đến ngày tổ chức tiêm chủng).
Chiến dịch tiêm bổ sung lần này sẽ được triển khai theo hình thức đồng loạt trên toàn thành phố: Tiêm tại các trường mầm non, mẫu giáo, sau đó tiêm vét cho những bé có chỉ định hoãn hoặc không đi học trong ngày tổ chức tiêm chủng tại toàn bộ 584 Trạm Y tế toàn thành phố. Chiến dịch này sẽ được triển khai trong 2 đợt (đợt 1 tháng 11,12/2018 và đợt 2 vào 1, 2/2019).
"Đáng lo ngại, sởi rất dễ bị nhầm với sốt phát ban nên nếu thấy trẻ sốt cao, phát ban dạng sởi, bắt đầu từ mặt, sau đó lan dần xuống dưới chân, tay; kèm theo viêm kết mạc mắt; viêm long đường hô hấp thì cha mẹ nên cho đi khám tại các cơ sở y tế ngay”, bác sĩ Vũ Ngọc Long cho biết.
Và để phòng chống bệnh sởi hiệu quả, bác sĩ Vũ Ngọc Long khuyến cáo người dân chủ động thực hiện tiêm chủng vắc xin, đây là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu và tốt nhất phòng bệnh sởi.
Đặc biệt, bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ.
Đồng thời, tăng cường dinh dưỡng cho trẻ. Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.
Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Cũng theo Phó trưởng Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng Vũ Ngọc Long, hiện nay có nhiều người lớn bị mắc sởi là do chưa có miễn dịch bệnh sởi, bình thường, những người đã mắc sởi thì không bao giờ mắc lại và đã tiêm vắc xin cũng thế. Chính vì thế, bác sĩ Long khuyến cáo người dân nhất là trẻ nhỏ, phụ nữ trong độ tuổi mang thai muốn sinh con thì cần nhanh chóng đi tiêm phòng vắc xin bệnh sởi. Có thể tiêm vắc xin 3 trong 1 phòng sởi, quai bị, rubella hiệu quả. |
Bài và ảnh: Minh Khuê
Tin nổi bật
- Nhiều người đi khám sức khỏe mới phát hiện bị bệnh tâm thần
05/07/2024 - 10:54:06
- Thanh niên suýt mất mạng vì ngộ độc thuốc diệt chuột
04/07/2024 - 10:12:39
- Đau bụng đi khám bác sĩ, bàng hoàng phát hiện sán não ký sinh khắp cơ thể
04/07/2024 - 10:00:07
- Bộ Y tế và UNCEF trao đổi thúc đẩy tiếp tục hợp tác về chăm sóc sức khoẻ nhân dân
04/07/2024 - 09:56:36
- Trích rạch vết thương do vỡ hạt tophi sau biến chứng của bệnh gout, cụ ông bị nhiễm trùng nặng
04/07/2024 - 09:52:37
- Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm ông Nguyễn Toàn Thắng giữ chức Phó Chánh Văn phòng Bộ
04/07/2024 - 09:50:03