Nhiều người hay tự nghĩ bản thân bị dị ứng thức ăn, nhưng theo các chuyên gia y tế chỉ một vài trong số họ có thể bị dị ứng thật sự, còn hầu hết có thể có những dấu hiệu sai lầm.
Theo một nghiên cứu mới do các nhà khoa học Mỹ vừa mới được công bố, trong 10 người, chỉ có 1 người bị dị ứng thức ăn.
Các nhà nghiên cứu thực hiện khảo sát trên 40.000 người lớn ở Mỹ và thấy khoảng 10% bị dị ứng trên một loại thức ăn, theo Fox News ngày 8.1.
Tuy nhiên, họ cũng phát hiện 19% trong số này đã nói họ bị dị ứng một loại thức ăn nào đó nhưng trên thực tế họ chưa bao giờ có bất cứ một dấu hiệu nào của dị ứng cả.
Họ tự chẩn đoán bản thân bị dị ứng và không đi đến bất cứ một bác sĩ nào để khám.
Người bị dị ứng thức ăn có thể bị phát ban, ngứa, và mũi và họng sưng phồng lên, bị đau bụng hoặc nôn ói. Trong một vài trường hợp nặng, dị ứng thức ăn có thể dẫn đến sốc phản vệ và thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời, theo Mayo Clinic.
Ở Mỹ, khoảng 7 triệu người lớn bị dị ứng với sò, theo nghiên cứu. Sau đó, là đến sữa. Khoảng 5 triệu người bị dị ứng với sữa. Kế đến là đậu phộng, cá, trứng, bột mì, đậu nành và hạt vừng, theo Fox News.
Dị ứng có thể di truyền giữa các thế hệ. Cũng có nhiều người lúc nhỏ không bị dị ứng thức ăn nhưng lớn lên mới bị. Tỉ lệ này chiếm khoảng 48% trong nghiên cứu.
Nếu một người nào đó nghi ngờ bản thân bị dị ứng thức ăn nên đi đến bác sĩ khám để được kiểm tra và chẩn đoán chính xác hơn trước khi cố gắng giảm hay tránh ăn thực phẩm đó, Fox News trích dẫn lời khuyên của giáo sư Ruchi Gupta của Trường Y Feinberg trực thuộc Đại Northwestern và là tác giả chính của nghiên cứu.
Nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí JAMA Network Open.
Đỗ Nhi