Những “từ mẫu” thời nay
Luôn nỗ lực nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh bằng sự nhiệt tâm, yêu nghề, các thầy thuốc trẻ còn tích cực tham gia nhiều phần việc, hoạt động thiện nguyện tại nhiều địa phương trong và ngoài nước.
Bác sỹ Tố Uyên trong một lần tham gia khám chữa bệnh giúp bà con Ảnh: NVCC
Họ vừa được tuyên dương với giải thưởng mang tên vị Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên của nước ta - giải thưởng Phạm Ngọc Thạch năm 2019, nhân dịp 64 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2019).
Gắn công tác chuyên môn với nghiên cứu khoa học
Làm việc tại một đơn vị y tế có đông bệnh nhi bậc nhất TPHCM, bác sỹ (BS) Châu Tố Uyên (khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 1) thấu hiểu nỗi bức bách, mệt nhọc của bao em nhỏ khi đến điều trị. “Bệnh viện luôn có đông bệnh nhân, chúng tôi tâm niệm phải luôn cố gắng hết mình để giúp đỡ họ. Các bệnh nhi khi đến với mình là họ đã mệt rồi nên mình phải khám thật kỹ, giúp các bé sớm hồi phục, trở về nhà”, chị Tố Uyên chia sẻ.
Tùy theo sự phân công của cấp trên, Tố Uyên lúc thì làm việc tại phòng khám, lúc khám bệnh trong khoa cho các bé. Bằng kinh nghiệm chuyên môn, BS Uyên cùng đồng nghiệp thực hiện tư vấn, chẩn đoán, điều trị bệnh, đồng thời đưa ra dự đoán thời gian nằm viện của bệnh nhi cho người nhà biết.
Từ lĩnh vực đảm trách của mình, BS Châu Tố Uyên đã thực hiện khảo sát kiến thức, thái độ và thực hành của BS nhi khoa về sử dụng probiotic (men tiêu hóa).
Nữ BS 8X cho biết, hiện nay probiotic được sử dụng khá phổ biến phần nào gây ra sự lạm dụng, sử dụng không đúng chỉ định, liều lượng. Từ đó, BS Uyên đưa ra các khuyến cáo dành cho nhân viên y tế cũng như người nhà bệnh nhân là nên dùng đúng chỉ định, liều lượng với từng loại bệnh nhằm đạt hiệu quả tốt nhất.
Nói về công tác trong thời gian tới, BS trẻ Châu Tố Uyên cho biết chị sẽ hướng đến chăm lo tốt hơn đối với các bệnh nhi nội trú, đem niềm vui cho các bé và người thân, tạo động lực tinh thần để các em mau khỏe; ngoài ra chị còn hướng đến phục vụ người dân vùng sâu vùng xa.
Luôn sâu sát và đẩy mạnh sự liên kết giữa công tác nghiên cứu khoa học với việc phát triển trong công việc chuyên môn đang đảm nhận là cách mà BS Phạm Quang Thông (khoa Giải phẫu bệnh, Bệnh viện Chợ Rẫy) kiên trì thực hiện lâu nay. Các nghiên cứu khoa học của BS Thông trong hai năm 2017 - 2018 đã thực sự phục vụ đắc lực cho việc điều trị bệnh tại khoa.
Với đề tài “Đặc điểm giải phẫu bệnh của u trung thất”, BS Thông cho rằng nhóm u này rất khó phẫu thuật, đặc điểm tế bào cũng hết sức đa dạng. Nhờ vào nghiên cứu, các BS lâm sàng có một cái nhìn tổng quan về tỷ lệ các loại u, sự tương quan về vị trí và các đặc điểm mô học… để đề ra phương pháp điều trị phù hợp.
Trong khi đó, đề tài “Đột biến gen EGFR trên bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy”, BS Thông đi vào nghiên cứu đặc điểm của gen EGFR ở bệnh nhân mắc phải loại bệnh hiểm nghèo này. Đây là một gen có vai trò cực kỳ quan trọng trong sự khởi phát và tiến triển của một nhóm ung thư phổi, liên quan mật thiết đến các phương pháp điều trị ung thư. Theo BS Phạm Quang Thông, trong điều trị lâm sàng, nhờ biết được đặc điểm gen EGFR, nên việc điều trị đối với nhiều bệnh nhân ung thư phổi rất hiệu quả.
“Đối với khoa Giải phẫu bệnh, việc chẩn đoán các trường hợp bệnh luôn cần phải tra cứu nhiều sách và tài liệu y khoa. Theo thời gian, số lượng mẫu bệnh phẩm và kiến thức tăng lên đã giúp chúng tôi có ý tưởng và tư liệu để thực hiện các đề tài nghiên cứu”, BS Phạm Quang Thông nói.
Hiện tại ngoài công việc chuyên môn tại Bệnh viện Chợ Rẫy, BS Thông còn tham gia giảng dạy tại khoa Kỹ thuật Y học - Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng.
Luôn trau dồi y nghiệp
Nữ hộ sinh 25 tuổi Nguyễn Thị Diệp Phương là người nhỏ tuổi nhất trong số 37 thầy thuốc trẻ nhận giải thưởng Phạm Ngọc Thạch năm 2019.
Là một người trẻ nhiệt huyết, yêu nghề, Phương thực hiện “Thiết kế bảng tóm tắt các bước cần khẳng định chính xác người bệnh”. Sáng kiến của Phương đã tiết kiệm được thời gian trong việc thực hiện các kỹ thuật, các công tác chăm sóc điều dưỡng mà vẫn đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị cho người bệnh, đặc biệt cải thiện được tình trạng sai sót trong việc nhầm lẫn người bệnh do trùng họ tên, ngày sinh, giảm nguy cơ xảy ra tai biến đối với người bệnh.
Vinh hạnh nhận được giải thưởng Phạm Ngọc Thạch, cô gái trẻ ngành y xem như động lực để tiếp tục nỗ lực vươn lên trên con đường sự nghiệp. “Phía trước tôi còn rất nhiều dự định cho mình, trong đó chắc chắn sẽ tiếp tục trau dồi bản thân, học, học nữa, học mãi để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, đồng thời cũng sẽ giữ ngọn lửa nhiệt huyết với công tác Đoàn, với phong trào tình nguyện vì cộng đồng”, cô gái trẻ chia sẻ.
Anh Ngô Minh Hải, Phó Bí thư Thành Ðoàn TPHCM, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TPHCM cho rằng trong sự phát triển chung của TPHCM, ngành y tế thành phố đã có bước chuyển mình vượt bậc trong cách chăm sóc sức khỏe nhân dân, mang đến sự hài lòng cho người dân. Ðóng góp vào thành quả đó là vai trò của lực lượng thầy thuốc trẻ thành phố thông qua các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. |
Ngô Tùng
Tin nổi bật
- Làm thế nào để đối phó với lo âu và trầm cảm
20/06/2024 - 10:47:23
- 5 cách phòng viêm quanh răng tránh nguy cơ rụng răng
12/03/2024 - 16:52:56
- Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
01/03/2024 - 11:22:11
- Bất ngờ với nguyên nhân gây viêm lợi nhiều người chưa biết
27/02/2024 - 11:38:18
- Tay chân bị lạnh vào mùa đông, nguyên nhân và cách khắc phục
26/02/2024 - 10:09:05
- Thời điểm tuyệt đối không nên massage cho trẻ
26/01/2024 - 10:30:39