Ngày thầy thuốc không lời chúc của bác sĩ điều trị HIV/AIDS
Với bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng 55 tuổi, ở Bệnh viện 09 Hà Nội, ngày 27/2 chỉ vỏn vẹn trong sân viện và không khác gì bình thường.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng công tác hơn 20 năm tại Bệnh viện 09, Thanh Trì, Hà Nội, hiện là Trưởng khoa Nội Tổng hợp. Ngày 26/2, từ ban công tầng 2 bệnh viện, bác sĩ Hưng tóc húi cua, da ngăm đen, hít hơi thật sâu rồi chia sẻ về nghề. Tự nhận mình là "bác sĩ dũng cảm", anh luôn nhắc nhở bản thân "đã làm ngành y, nhất là chuyên về bệnh truyền nhiễm thì cần phải học cách đương đầu".
"Tôi thấy mình giống như anh lính cứu hỏa, thấy có lửa thì lao vào dập chứ không bận tâm có an toàn hay không", anh tâm sự.
Trước đây, Bệnh viện 09 là trung tâm cai nghiện ma túy tự nguyện, chuyên chăm sóc điều trị bệnh nhân HIV/AIDS giai đoạn cuối có hoàn cảnh đặc biệt.
Năm 2005, đại dịch HIV lan rộng. Trung tâm 09 ra đời theo nghị quyết 09 của Thành ủy Hà Nội. Năm 2010, trung tâm đổi tên thành Bệnh viện 09. Bác sĩ Hưng là một trong những bác sĩ đầu tiên làm việc tại viện.
Bệnh viện có 100 giường bệnh và gần 200 y bác sĩ. Thành phần bệnh nhân khá phức tạp, từ người nghiện chích ma túy, gái bán dâm đến những người bị gia đình, xã hội bỏ rơi khi phát hiện bị nhiễm HIV.
Bệnh nhân đặc biệt, bác sĩ Hưng nói rằng "chưa từng nhận được một lời chúc hay bó hoa nào từ người bệnh". Ngày 27/2 với các y bác sĩ tại đây chỉ vỏn vẹn diễn ra trong sân viện và những lời động viên từ đồng nghiệp với nhau.
"Ngày thầy thuốc với bác sĩ điều trị HIV chẳng khác gì ngày thường", bác sĩ Hưng chia sẻ.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện 09. Ảnh: Thùy An
Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện 09 là nơi tiếp nhận, sàng lọc bệnh nhân trước khi chuyển xuống khoa phù hợp để điều trị. Đa số bệnh nhân tại viện gặp những vấn đề trong cuộc sống, hận đời, hận gia đình và trút nỗi đau lên người thầy thuốc. Nhiều bệnh nhân có biểu hiện rối loạn tâm thần, lệch chuẩn hành vi dẫn đến hoảng loạn có thể đâm, chém, giết vô cớ.
Viện 09 còn là môi trường lây nhiễm vi khuẩn, virus khổng lồ nên được mệnh danh là "trận địa ác liệt nhất trong mọi trận chiến". Hàng năm, bệnh viện đều phát hiện nhiều bác sĩ, điều dưỡng bị phơi nhiễm HIV do lây truyền.
Bởi vậy, phía sau cánh cửa bệnh viện không chỉ có nỗi đau của bệnh nhân mà còn có tiếng thở dài của y bác sĩ, những người làm công tác điều trị. Có người bỏ việc, người thuyên chuyển công tác, người xem bệnh viện là "chốn tạm thời". Riêng với bác sĩ Hưng, 09 là một mối lương duyên đặc biệt.
Năm 1995, anh Hưng tốt nghiệp trường Đại học Y và làm việc tại Ninh Bình. Sau đó anh mang hoài bão của một chàng trai trẻ lên Hà Nội lập nghiệp. Năm 2005, anh nhận công tác tại bệnh viện 09 và gắn bó đến ngày nay. Cũng chính nơi đây, anh tìm được hạnh phúc của đời mình.
Những ngày đầu làm việc ở viện, anh thấy chạnh lòng khi bị hỏi về công việc bởi thời điểm đó thông tin về HIV/AIDS còn hạn chế. "Nhắc đến HIV, đồng nghĩa với án tử", bác sĩ Hưng kể. Về sau có nhiều cơ hội "đổi viện", nhiều bệnh viện ngỏ lời mời làm việc, anh vẫn kiên định với mái nhà 09.
"Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai", anh chia sẻ.
Bác sĩ Hưng thăm hỏi bệnh nhân. Bệnh viện đặc biệt nên bệnh nhân ít, khác với nhiều viện khác luôn quá tải giường bệnh. Ảnh: Thùy An
Trong môi trường làm việc khốc liệt, anh được tôi luyện sự dũng cảm và bản lĩnh đối đầu đồng thời nâng cao trình độ chuyên môn. Anh nói mỗi bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối tập trung tất cả các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Vừa là bác sĩ điều trị, vừa là bác sĩ tâm lý, anh Hưng thuyết phục bệnh nhân điều trị vừa nắn chỉnh hành vi giúp họ hòa nhập cộng đồng.
Bác sĩ Hưng cũng cho rằng mình may mắn khi được bố mẹ tôn trọng sự lựa chọn. Bạn bè sau này vơi đi ít nhiều, anh luôn biết ơn những vất vả trong công việc giúp bản thân ngày thêm trưởng thành.
"Tôi sống bằng giá trị trí tuệ của một người bác sĩ nên không có gì để hổ thẹn", anh trải lòng. Niềm hy vọng lớn nhất của anh bấy giờ là tìm được loại thuốc đặc trị để đẩy lùi HIV/AIDS và xóa bỏ sự kỳ thị của cộng đồng đối với người bệnh.
Phòng làm việc của bác sĩ Hưng và đồng nghiệp. Ảnh: Thùy An
Hơn 20 năm làm nghề, bác sĩ Hưng hiểu rõ 09 là trạm dừng chân duy nhất để người bệnh HIV nương tựa đến cuối đời. Anh luôn nỗ lực giúp bệnh nhân không cô độc. Anh khiến người bệnh hiểu dù còn nhiều khó khăn họ vẫn có các y bác sĩ sẵn sàng đồng hành, chăm sóc giảm nhẹ, giúp vơi bớt nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần.
"Chữa bệnh là nhiệm vụ vẻ vang, chưa bao giờ tôi hối hận vì sự lựa chọn này", anh nói.
Theo bác sĩ Hưng, hiện nay HIV chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng đã có nhiều loại thuốc thế hệ mới giúp hạn chế tác dụng phụ. Người bệnh cần lưu ý để cách ly và sử dụng thuốc đều đặn. Phụ nữ mang thai nhiễm HIV cần đi khám thường xuyên, nhất là quá trình chuyển dạ để phòng tránh lây nhiễm và dự phòng cho con.
Anh khuyên mọi người sống lành mạnh để tự bảo vệ mình đồng thời trang bị kiến thức đầy đủ về căn bệnh. "Sự chung sức, chung tay của cộng đồng vô cùng quan trọng, giúp bệnh nhân có thêm niềm tin chiến thắng bệnh tật", bác sĩ Hưng chia sẻ.
Thùy An
Tin nổi bật
- Làm thế nào để đối phó với lo âu và trầm cảm
20/06/2024 - 10:47:23
- 5 cách phòng viêm quanh răng tránh nguy cơ rụng răng
12/03/2024 - 16:52:56
- Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
01/03/2024 - 11:22:11
- Bất ngờ với nguyên nhân gây viêm lợi nhiều người chưa biết
27/02/2024 - 11:38:18
- Tay chân bị lạnh vào mùa đông, nguyên nhân và cách khắc phục
26/02/2024 - 10:09:05
- Thời điểm tuyệt đối không nên massage cho trẻ
26/01/2024 - 10:30:39