Chuyện ở ‘cõi điên’: Bác sĩ tâm thần đối mặt người nghiện, sống như con trẻ
Khi cánh cửa bệnh viện tâm thần mở ra đón những bệnh nhân bị hoang tưởng vì sử dụng ma túy đá cũng là lúc các y bác sĩ bước vào “cuộc chiến” đưa họ trở lại thành người tỉnh táo.
Bác sĩ Phan Minh Hải, Phó Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng cho rằng, cần phải cho giới trẻ hiểu hơn về sự phá huỷ nghiêm trọng của ma túy đá đối với não bộ. Ảnh: Huy Đạt
“Ê Nhân! mi tên chi rứa Nhân?"...
Hỏi các điều dưỡng thì được biết bệnh nhân này nhập viện vì sử dụng ma túy đá nên bị cảm giác hoang tưởng ảo giác, mất kiểm soát hành vi, thường xuyên hành hung có thể gây nguy hiểm đến những người xung quanh.
Sau những " bữa tiệc" ma túy, các dân chơi phải nhập viện với tình trạng rối loạn tâm thần, ngộ độc ma túy...gây nguy hiểm cho những người xung quanh. Ảnh: Huy Đạt
Chúng tôi theo bác sĩ Lê Văn Nguyên, Trưởng khoa cai nghiện chất và điều trị bắt buộc, đi thăm bệnh. Đây là công việc mỗi buổi sáng của các y bác sĩ điều trị tâm lý cho các bệnh nhân bị loạn thần do sử dụng ma túy tổng hợp.
Trong buồng điều trị, sau song sắt của phòng cách ly, bệnh nhân Đ. (ngoài 20 tuổi, trú P.Hòa Khánh Bắc, Q.Liên Chiểu) luôn miệng gọi xin bác sĩ thả ra ngoài và hứa sẽ không đánh người, không quậy phá… Thấy chúng tôi, những người lạ lần đầu xuất hiện tại khu điều trị, Đ. nhanh miệng giới thiệu trong vô thức mình là một tay chơi, đến khu vực đó cứ hỏi tên Đ thì ai cũng biết và rất nể sợ.
Theo lời bác sĩ Nguyên, cách đây hơn 1 tháng, Đ. nói luyên thuyên, thức trắng nhiều đêm, có hành vi mất kiểm soát, hung dữ tấn công người khác. Đ. từng có tiền sử sử dụng ma túy đá nên khi lực lượng chức năng nhận được tin báo Đ. gây mất an ninh trật tự, có hành vi nguy hiểm cho xã hội đã đưa Đ. đi kiểm tra ma túy. Với kết quả dương tính, Đ. được đưa vào bệnh viện để cắt cơn, điều trị theo Quyết định số 901/QĐ-UBND TP.Đà Nẵng đối với những người nghiện có thể gây nguy hiểm cho xã hội.
Bị tấn công bằng kim tiêm
Theo các y bác sĩ tại Bệnh viện tâm thần Đà Nẵng, sở dĩ số lượng người nhập viện ở độ tuổi thanh niên gia tăng bởi giới trẻ còn khá mơ hồ về thứ gọi là ma tuý đá. Các bệnh nhân là những người trẻ hiện đang được điều trị tại đây phần lớn đã từng cho rằng “hàng đá” không gây nghiện nên thích thì “chơi” khi nào chán sẽ bỏ.
Chỉ tay về hướng phòng tạm giam có lắp camera theo dõi trong khu điều trị, bác sĩ Nguyên nhớ lại sự việc cách đây vài năm khiến ông còn ám ảnh mãi đến ngày hôm nay.
Ngày đó, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng mới thực hiện Quyết định 901 của UBND TP.Đà Nẵng. Nửa đêm khi trời đang lạnh rét, bệnh viện tiếp nhận một trường hợp sử dụng ma túy, có hành vi nguy hiểm cho những người xung quanh. Các bác sĩ nhanh chóng phối hợp với lực lượng công an để giữ bệnh nhân, sử dụng thuốc cắt cơn trong đêm để bệnh nhân tự hồi tỉnh.
Các y bác sĩ luôn bên cạnh, đồng hành cùng bệnh nhân họ chỉ mong bệnh nhân tỉnh táo trở lại, để sớm quay về với cuộc sống bình thường. Ảnh: Huy Đạt
Qua vài ngày sau, bệnh nhân có dấu hiệu bình tỉnh trở lại và được người nhà vào thăm. Thế nhưng, những người vào thăm bệnh nhân trong đó có bạn bè, những người nghiện hút cùng đã lén đem kim tiêm và ma tuý vào khu thăm bệnh.
Ngày hôm sau, một nữ điều dưỡng khi mở cửa phòng bước vào, trên tay bưng khay cơm trưa cho bệnh nhân giật mình phát hiện người này đang ngồi chích ma tuý. Đúng thời điểm vừa chích xong ma túy, bệnh nhân không làm chủ được bản thân đã tấn công nữ điều dưỡng bằng kim tiêm.
“Ngay sau đó, khi chờ kết quả xét nghiệm HIV, không còn thời gian buộc phải đưa nữ điều dưỡng thực hiện phơi nhiễm HIV vì vết thương ở tay quá nặng do bị tấn công bằng kim tiêm. Rất may, kết quả bệnh nhân đó không bị nhiễm HIV”, bác sĩ Nguyên kể lại.
Bước vào thế giới của trẻ bị rối loạn tâm thần
Bà Hoa cho biết, vì con trai quá đam mê ca nhạc, suốt ngày chỉ ôm đàn guitar hát dẫn đến đau đầu phải nhập viện điều trị chứng rối loạn tâm thần.
“Con trai mắc bệnh cách đây 7 năm, được các bác sĩ ở Bệnh viện Tâm thần điều trị rất nhiệt tình, sau thời gian dài bớt bệnh đi làm lại bình thường thì nay con tôi phát bệnh trở lại phải cấp cứu vào đây”, bà Hoa kể.
Tiếp chuyện chúng tôi, bác sĩ Trần Thị Hải Vân (Trưởng khoa Tâm thần Trẻ em) tâm sự, trước đây, các bệnh nhân mắc bệnh rối loạn tâm thần thường ở độ tuổi trưởng thành, trung niên. Thế nhưng, những năm gần đây, trẻ nhỏ, trẻ vị thành niên mắc bệnh rối loạn tâm thần gia tăng. Các bệnh thường gặp như tăng động, tự kỷ, trầm cảm…
Bác sĩ Vân cho biết, các bệnh nhân nhỏ tuổi thường nhập viện ở giai đoạn bệnh nặng, vì khó phát hiện trẻ nhỏ mắc bệnh rối loạn tâm thần. Muốn kiểm soát được cảm xúc hành vi, dạy cho bệnh nhân ý thức cần có sự thấu hiểu của các y bác sĩ và sự phối hợp của gia đình.
Huy Đạt
Tin nổi bật
- Làm thế nào để đối phó với lo âu và trầm cảm
20/06/2024 - 10:47:23
- 5 cách phòng viêm quanh răng tránh nguy cơ rụng răng
12/03/2024 - 16:52:56
- Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
01/03/2024 - 11:22:11
- Bất ngờ với nguyên nhân gây viêm lợi nhiều người chưa biết
27/02/2024 - 11:38:18
- Tay chân bị lạnh vào mùa đông, nguyên nhân và cách khắc phục
26/02/2024 - 10:09:05
- Thời điểm tuyệt đối không nên massage cho trẻ
26/01/2024 - 10:30:39