Những người quanh năm đi... tìm bệnh
Lĩnh vực y tế có hai mảng: Điều trị và dự phòng. Tuy nhiên, trong khi mảng điều trị được đề tôn vinh với những thành tựu chữa bệnh cho người dân thì mảng dự phòng luôn “chìm nghỉm”, thậm chí bị hiểu nhầm là những người “dập dịch”.
Nỗi khổ bị xua đuổi
Tâm sự về công việc của mình, y sĩ Lê Văn Huỳnh - cán bộ Trạm Y tế phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội chia sẻ, sau 6 năm nhận công việc, anh đã đi mòn gót giày ở địa phương, thuộc từng con đường, góc phố, biết rõ từng hộ dân sinh sống..., không khác gì công an khu vực.
Không chỉ đợi có bệnh, đợi có dịch mới tìm đến người dân, mà hàng ngày, anh Huỳnh và đồng nghiệp đều phải “săm soi” từng góc phố, từng bãi rác, hỏi han sức khỏe của người dân để xem người dân đã thực hiện đúng vệ sinh, phòng dịch bệnh hay chưa, có bệnh tật gì mới không…
Nhiều gia đình đóng cửa nên nhân viên đến phun thuốc diệt muỗi chỉ phun được bên ngoài, hiệu quả diệt muỗi hạn chế (ảnh chụp tại phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: D.N
"Những nỗ lực, tận tụy của đội ngũ cán bộ YTDP từ tỉnh đến các huyện, xã đã góp phần rất lớn trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh. Nhiều dịch bệnh nguy hiểm, bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh được khống chế và đẩy lùi. Cán bộ YTDP còn tham gia thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc y tế ban đầu, tiêm chủng”. Ông Sa Văn Khuyên - |
Anh Huỳnh tâm sự, năm 2017, khi dịch sốt xuất huyết bùng phát tại Hà Nội, mỗi tuần có hàng nghìn ca mắc mới, anh và đồng nghiệp đã phải gồng mình chống dịch. Phường Bạch Đằng là nơi tập trung nhiều lao động tự do, làm nghề buôn bán nhỏ. Điều kiện sinh sống của họ rất tạm bợ, trình độ nhận thức hạn chế, môi trường sống không tốt nên có khả năng cao tạo thành các ổ dịch. Ban đêm, vào lúc 1-2 giờ sáng khi nhà nhà người người say giấc, các anh phải đeo bình hóa chất vài chục cân, đi vào từng ngóc ngách, bãi rác, công trường để phun thuốc diệt muỗi. Ban ngày, các anh lại chia theo các tổ xung kích diệt bọ gậy, gõ cửa từng nhà để tuyên truyền phòng dịch, tự tay kiểm tra, lật từng mảnh sành vỡ, kiểm tra từng hốc cây, từng chai lọ trong nhà, trong vườn, leo lên cả sân thượng để xem có nơi đọng nước hay không.
Phòng bệnh cho mình, nhưng nhiều người dân không hề cộng tác với cán bộ y tế như không mở cửa cho cán bộ y tế vào phun thuốc, thậm chí còn thả chó ra xua đuổi vì cho rằng thuốc độc hại; hoặc chỉ cho phun tầng dưới, không cho lên tầng trên, như vậy việc trừ muỗi cũng không có kết quả. Việc nhắc nhở người dân phòng dịch đôi khi cũng không được hợp tác. Cán bộ y tế dự phòng (YTDP) phải vào từng nhà, tìm từng góc, đổ, lật úp từng vật có khả năng chứa nước - tạo ổ muỗi sinh sôi, nhưng cứ quay lưng đi là người dân lại mặc kệ, coi đó là việc của nhân viên YTDP.
Chị Nguyễn Thị Tươi - nhân viên y tế Trung tâm Y tế quận Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ, việc đi phun thuốc phòng sốt xuất huyết rất vất vả, anh em phải đeo bình thuốc nặng hàng chục cân, đi khắp các ngõ ngách, có khi phải leo hàng chục tầng, thở không ra hơi. Đợt dịch năm 2017, một ngày làm việc của mọi người lúc nào cũng bắt đầu từ 5 giờ sáng, cho tới 19 - 20 giờ, bất kể thứ 7 và Chủ nhật. Chưa kể cả ngày “ngâm” trong hóa chất, đầu óc luôn váng vất, nếu để hóa chất bị bắn vào người thì sẽ rất rát, ngứa.
“Kể mãi cũng chẳng hết nỗi vất vả đâu. Từ đầu năm tới nay anh em trong trung tâm, ở trạm y tế đều mệt phờ. Chúng tôi đã phải vào từng ngõ, gõ cửa từng nhà để tuyên truyền về dịch sốt xuất huyết rồi vận động người dân xử lý vệ sinh, lật úp các bình chứa nước. Thế nhưng, nói đằng trước, đằng sau dân lại bày ra như cũ. Nhiều khi cảm thấy mình cứ như công nhân dọn vệ sinh đi dọn rác cho nhà người ta vậy” - chị Tươi bày tỏ.
Dù làm việc tốt nhưng cũng không được khen, chị Tươi và đồng nghiệp không ít lần chạnh lòng khi bị người dân đuổi như “đuổi tà”, thậm chí còn bị chửi là “đầu độc cả nhà họ”. Có khi chị còn suýt bị chủ nhà hành hung vì cho rằng bị làm phiền, nói rằng nhà không có muỗi, không cần phun. Nhưng việc phun thuốc mà để trống nơi nào, muỗi chạy sang thì coi như việc diệt muỗi không hiệu quả.
Vượt núi tìm bệnh
Chị Nguyễn Thị Tố Nga – Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế TP.Sơn La chia sẻ: Khác với những y, bác sĩ làm nhiệm vụ điều trị trực tiếp tại các bệnh viện, đội ngũ những người làm công tác YTDP như chị thường xuyên phải xuống cơ sở, cùng ăn, cùng ngủ với người dân. Khó khăn, trở ngại rất nhiều, thậm chí là nguy hiểm đến cả tính mạng khi vượt đèo, băng suối. “Khi xuất hiện ổ dịch, cán bộ YTDP là những người đầu tiên có mặt để điều tra, tìm hiểu nguyên nhân, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm... Thế nhưng đội ngũ cán bộ YTDP lại ít được biết đến. Nhưng không vì thế mà chúng tôi không làm hết trách nhiệm của mình” – chị Nga nói.
Địa bàn Sơn La rất rộng và nhiều đồi núi, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao... gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ những người làm công tác YTDP trong tỉnh. Bên cạnh đó, Sơn La là tỉnh có nhiều dân tộc cùng chung sống, một bộ phận không nhỏ nhân dân các dân tộc, nhất ở các xã, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa chưa biết cách chăm sóc, giữ gìn sức khỏe cho mình và người thân trong gia đình.
Bà Đặng Thị Ánh Duyên – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Sở Y tế Sơn La cho biết, đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên YTDP phải làm rất nhiều việc. Không chỉ thực hiện nhiệm vụ giám sát, tổng hợp, đánh giá, dự báo tình hình các loại dịch bệnh truyền nhiễm mà cán YTDP còn phải làm tốt công tác phòng dịch tại cộng đồng. Là tỉnh miền núi, Sơn La thường xảy ra mưa lớn, lũ ống, lũ quét, không chỉ gây thiệt hại về người và tài sản mà còn là nguy cơ bùng phát nhiều loại dịch, bệnh trong mùa mưa.
Còn nhớ trận lũ quét lịch sử xảy ra ở huyện Mường La vào đầu tháng 8.2017, khiến cho xã Nậm Păm tan hoang. Nhiều ngôi nhà bị vùi trong bùn đất. Các trường học trên địa bàn xã cũng tràn ngập bùn đất, rác thải các loại... Nếu không có sự vào cuộc kịp thời, tích cực của cán bộ Trung tâm YTDP tỉnh và Trung tâm Y tế huyện Mường La trong công tác ngăn chặn, xử lý dịch, bệnh bùng phát thì thiệt hại sẽ lớn hơn rất nhiều.
“Mặc dù phải đảm đương cả “núi” công việc như vậy, nhưng đội ngũ cán bộ YTDP từ tỉnh xuống các xã, bản vẫn không ngại khó, ngại khổ, thường xuyên xuống cơ sở tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường, ăn chín, uống sôi... hạn chế dịch, bệnh xảy ra” - bà Duyên nhấn mạnh.
Năm 2019 - năm của y tế dự phòng Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, năm 2019 ngành y tế tập trung vào các hoạt động để đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở, các hoạt động để nâng cao sức khỏe nhân dân, phòng, chống các bệnh không lây nhiễm, tuyên truyền, vận động nhân dân ăn uống hợp vệ sinh, đủ chất để tránh suy dinh dưỡng, béo phì, hạn chế rượu, bia, không hút thuốc, tăng cường vận động thể lực. Cùng với đó, ngành sẽ chỉ đạo các cơ sở y tế bảo đảm cung cấp các dịch vụ tầm soát, phát hiện sớm bệnh tật, nhất là các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp. D.L |
Diệu Linh - Văn Chiến
Tin nổi bật
- Làm thế nào để đối phó với lo âu và trầm cảm
20/06/2024 - 10:47:23
- 5 cách phòng viêm quanh răng tránh nguy cơ rụng răng
12/03/2024 - 16:52:56
- Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
01/03/2024 - 11:22:11
- Bất ngờ với nguyên nhân gây viêm lợi nhiều người chưa biết
27/02/2024 - 11:38:18
- Tay chân bị lạnh vào mùa đông, nguyên nhân và cách khắc phục
26/02/2024 - 10:09:05
- Thời điểm tuyệt đối không nên massage cho trẻ
26/01/2024 - 10:30:39