Những biểu hiện của bệnh động mạch vành
Xơ vữa động mạch là bệnh lý của thành động mạch. Mảng xơ vữa xuất hiện ở hệ thống động mạch nào thì sẽ gây ra bệnh lý ở vùng động mạch đó chi phối. Khi mảng xơ vữa được tạo thành ở động mạch vành (động mạch cung cấp máu nuôi dưỡng cơ tim) sẽ gây ra bệnh động mạch vành.
Kích thước của mảng xơ vữa động mạch ở thành động mạch vành (ĐMV) có thể rất nhỏ mà mắt thường không nhìn thấy được, nhưng cũng có thể lớn đến mức làm hẹp tắc cả lòng ĐMV. Khi lòng ĐMV bị mảng xơ vữa gây hẹp đến mức máu không đủ để đáp ứng được nhu cầu nuôi dưỡng cơ tim, gây ra tình trạng thiếu máu cơ tim cục bộ ở vùng cơ tim do nhánh ĐMV đó phụ trách.
Tình trạng hẹp tắc lòng ĐMV có thể diễn tiến trong một thời gian dài, nhưng cũng có thể nhanh chóng trong vài phút, vài giờ. Nếu bệnh diễn tiến từ từ và trong một thời gian dài thì bệnh cảnh đó được gọi là hội chứng vành mạn. Nếu bệnh cảnh đó diễn tiến nhanh chóng, dồn dập thì được gọi là hội chứng vành cấp.
Biểu hiện của hội chứng vành mạn
Tên gọi hội chứng vành mạn mới được dùng trong năm 2019. Trước đây, hội chứng này còn có các tên gọi khác là bệnh ĐMV mạn, bệnh ĐMV mạn tính - ổn định. Đây chỉ là một hội chứng, chứ chưa phải là một bệnh, vì có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra bệnh cảnh này. Xơ vữa động mạch chỉ là một nguyên nhân thường gặp trong những nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu máu cơ tim cục bộ - mạn tính. Về bản chất bệnh, hội chứng này có thể sẽ thoái lui hoặc có thể diễn tiến thành hội chứng vành cấp, cho nên khái niệm “ổn định” sẽ không còn được dùng nữa.
Đau thắt ngực xảy ra lúc đang chạy bộ
Sinh lý bệnh của hội chứng vành mạn là về những yếu tố nào có thể gây nên tình trạng thiếu máu cục bộ cho vùng cơ tim. “Thiếu máu cục bộ” là tình trạng thiếu máu cho một vùng của cơ tim, chứ không phải thiếu máu đi về tim hay thiếu máu cung cấp cho toàn bộ cơ tim. Mỗi nhánh ĐMV phụ trách cung cấp máu, tưới máu cho một vùng cơ tim nhất định. Cho nên, khi hẹp lòng của một nhánh ĐMV thì sẽ không cung cấp máu đủ cho một vùng cơ tim do nhánh ĐMV đó phụ trách.
Để chẩn đoán và điều trị thích hợp, thì sự nhận biết những biểu hiện ban đầu của người bệnh vô cùng quan trọng. Thông tin từ người bệnh sẽ giúp cho thầy thuốc định hướng bệnh, thực hiện những biện pháp chẩn đoán và điều trị tốt nhất cho người bệnh.
Như đã nói ở trên, ở hội chứng vành mạn chúng ta có sự hẹp tương đối cố định ở lòng mạch vành của một nhánh ĐMV. Nếu tắc hoàn toàn thì yếu tố chính gây nên tình trạng thiếu máu cục bộ cơ tim là do mất hẳn dòng máu đến tưới cho vùng cơ tim. Nhưng nếu lòng ĐMV chỉ bị hẹp thì hiện tượng thiếu máu cơ tim cục bộ sẽ chỉ xảy ra khi bị mất quân bình của cán cân cung cấp - nhu cầu.
Khi nào thì sẽ có tình trạng mất quân bình cán cân cung cầu nhu cầu oxy cho cơ tim? Mất quân bình của cán cân này xảy ra khi tình trạng cung cấp máu không đủ hoặc khi nhu cầu oxy cơ tim tăng quá mức. Khi tình trạng hẹp lòng ĐMV đến mức mà dòng máu qua chỗ hẹp không thể đảm bảo được nhu cầu cho cơ tim lúc người bệnh nghỉ ngơi (không gắng sức) sẽ làm mất cân bằng cán cân cung – cầu ngay lập tức.
Có 5 yếu tố chính tác động lên tim, làm cho cơ tim phải hoạt động nhiều và làm tăng nhu cầu oxy của cơ tim. Đó là: huyết áp tâm thu, thể tích của buồng thất trái cuối tâm thu, tần số tim, độ dày của thành tim, và sức co bóp nội tại của cơ tim. Khi chúng ta gắng sức thì huyết áp của chúng ta sẽ tăng lên, tim sẽ đập nhanh hơn (tăng tần số tim), cơ tim sẽ co bóp mạnh mẽ hơn… Vì vậy, khi gắng sức chúng ta sẽ làm tăng nhu cầu oxy của cơ tim và làm mất căn bằng của cán cân cung – cầu oxy cơ tim trong trường hợp lòng ĐMV hẹp ở mức độ vừa phải.
Như vậy, trong trường hợp hội chứng mạch vành ổn định, mạn tính thì tình trạng thiếu máu cơ tim cục bộ chỉ xảy ra khi cơ tim phải hoạt động nhiều hơn; hay nói cách khác là các biểu hiện của hội chứng sẽ xuất hiện khi người bệnh gắng sức. Tình trạng thiếu máu cơ tim cục bộ có thể gây ra nhiều triệu chứng, thường gặp nhất là triệu chứng đau ngực. Người bệnh có thể bị đau ngực lúc gắng sức về thể lực (hoạt động thể lực mạnh, sau bữa ăn no) hay là gắng sức tâm lý (tức giận, buồn phiền…). Khi tình trạng thiếu máu cơ tim xuất hiện (lúc gắng sức), thì ngoài triệu chứng đau thắt ngực ra còn có thể có các triệu chứng khác như khó thở, hồi hộp, đánh trống ngực, vã mồ hôi …
Đau thắt ngực một cách điển hình trong hội chứng ĐMV mạn. Đau ngực xảy ra lúc gắng sức; đau ngay sau xương ức; cảm giác đau như bóp nghẹt, như dao đâm; đau lan lên vai trái, hàm trái, cánh tay trái, cẳng tay trái, bàn tay trái. Đau giảm đi khi người bệnh nghỉ tĩnh hoặc khi ngậm dưới lưỡi thuốc Nitroglycerine. Khi có những triệu chứng như nêu trên thì người bệnh cần đến bác sỹ chuyên khoa tim mạch để được chẩn đoán, xác định tình trạng bệnh.
Nứt vỡ mảng xơ vữa, tạo huyết khối gây tắc lòng ĐMV
Biểu hiện của hội chứng vành cấp
Để hiểu được những biểu hiện của hội chứng vành cấp, chúng ta cần xem xét về sinh lý bệnh của hội chứng này. Khi một mảng xơ vữa của thành ĐMV bị nứt vỡ hay bị bào mòn đến mức làm lộ các thành phần khác trong mảng xơ vữa sẽ dẫn đến việc hình thành huyết khối ngay tại chỗ nứt vỡ này. Huyết khối lớn lên nhanh chóng và sẽ gây tắc, hẹp nặng nề lòng ĐMV.
Tình trạng tắc hoặc hẹp nặng nề lòng ĐMV khiến cho máu không đến (hoặc đến rất ít) nuôi vùng cơ tim mà nhánh ĐMV này phụ trách, nuôi dưỡng. Do đó, vùng cơ tim này bị thiếu máu nuôi rất trầm trọng. Tình trạng thiếu máu nuôi cơ tim hiện diện ngay lúc mà cơ tim ở trạng thái không gắng sức, nghĩa là xảy ra thiếu máu cơ tim nặng nề dù người bệnh không ở trong trạng thái gắng sức. Mất cân bằng cán cân cung - cầu oxy cơ tim xảy ra là do giảm cung cấp trầm trọng, dù không có trạng thái tăng nhu cầu oxy cơ tim. Nói cách khác là đau thắt ngực xảy ra lúc nghỉ tĩnh.
Như vậy, biểu hiện của hội chứng vành cấp vẫn là triệu chứng đau ngực, nhưng triệu chứng này có những đặc điểm khác với đau thắt ngực trong hội chứng vành mạn. Đau ngực trong hội chứng vành cấp có những tính chất sau: đau ngực xảy ra lúc nghỉ tĩnh, đau ngực kéo dài trên 15 phút, đau ngực với cường độ dữ dội (làm người bệnh không chịu nổi), đau ngực không giảm đi khi người bệnh ngậm Nitriglycerine dưới lưỡi, đau ngực kèm theo những biểu hiện nặng nề (vã mồ hôi, tụt huyết áp, nhịp tim chậm, ngất, ngừng tim…). Nếu người bệnh đau ngực sau xương ức mà có kèm với một (hay nhiều hơn một) trong những tính chất nêu trên thì phải đến ngay bệnh viện chuyên khoa tim mạch để được chẩn đoán và điều trị sớm nhất.
GS.TS.BS TRƯƠNG QUANG BÌNH
Link nguồn:
https://suckhoedoisong.vn/nhung-bieu-hien-cua-benh-dong-mach-vanh-n177955.html
Theo suckhoedoisong.vn
Tin nổi bật
- TPHCM: Phát hiện một công ty quảng cáo cung cấp dịch vụ truyền nước biển tại nhà trái phép
05/07/2024 - 10:58:42
- Thêm 2 ca tai biến thẩm mỹ, Bệnh viện Korea Star - Sao Hàn phải dừng hoạt động phẫu thuật
20/06/2024 - 10:55:38
- 'Loạn' hoạt động thẩm mỹ trái phép tại Quảng Bình
20/06/2024 - 10:00:35
- Thanh Hóa: Mập mờ tên gọi Phòng khám Đa khoa Hà Thành, 'ship' bệnh nhân đến cơ sở không phép khám bệnh
12/06/2024 - 10:35:47
- Phòng khám ngoại khoa Kinhealth - Địa chỉ “vàng” cho bệnh nhân bệnh trĩ, rò hậu môn
11/06/2024 - 16:48:20
- Xử lý ‘Viện phục hồi giãn tĩnh mạch Top 1 châu Âu” hoạt động trái phép ở quận 7
24/04/2024 - 11:05:38