Nguy hiểm: Nhiều bà bầu vẫn tự đẻ con tại nhà không có nhân viên y tế hỗ trợ
Đây là thực tế còn tồn tại ở nhiều địa phương vùng sâu vùng xa như huyện Bảo Lâm (Lào Cai); Sìn Hồ (Lai Châu).... Các chuyên gia khuyến nghị, đào tạo cô đỡ người dân tộc và hỗ trợ cho họ hoạt động cần được ưu tiên cho các vùng có tỉ lệ đẻ tại nhà cao.
Ngày 12/4, Vụ Sức khoẻ Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) đã tổ chức hội thảo chia sẻ kết quả khảo sát và lập kế hoạch cải thiện dịch vụ chăm sóc, cấp cứu sản khoa và sơ sinh thiết yếu tại một số bệnh viện huyện thuộc 4 tỉnh miền núi phía Bắc.
Ông Đinh Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em cho biết, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu về giảm tỉ lệ tử vong bà mẹ, trẻ em và được quốc tế đánh giá là một trong những điểm sáng trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ trong đó có có mục tiêu là giảm tử vong mẹ và giảm tử vong trẻ em.
Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần khắc phục. So với Thái Lan, tỉ lệ tử vong mẹ ở VN vẫn cao hơn 1,5 lần; tỉ lệ tử vong trẻ em cũng vậy. So với Malaysia cao gấp 2 lần và so với Singapore gấp 10 lần…
Như vậy để thu hẹp khoảng cách với các nước tiên tiến trên thế giới thì VN cần nỗ lực phấn đấu hơn nữa….
Ông Đinh Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em.
Theo PGS.TS Đinh Thị Phương Hoà, tóm tắt kết quả của khảo sát cho thấy, tất cả 20 bệnh viện đều đạt về cung cấp dịch vụ cấp cứu sản khoa thiết yếu cơ bản, tuy nhiên mức độ đạt không đồng đều giữa các BV. Tiêu chí cần được cải thiện đối với nhiều BV chủ yếu liên quan đến việc không thực hiện tiêm truyền thuốc chống co giật do không có sẵn thuốc.
Mổ lấy thai được thực hiện ở tất cả 20 BV, tuy nhiên do có 4 BV không thực hiện truyền máu (do không có kỹ thuật viên về huyết học, truyền máu) nên theo quy định, 4 BV này còn chưa đạt được tiêu chí về cung cấp dịch vụ cấp cứu sản khoa thiết yếu toàn diện.
Tổ chức các khoa, đơn nguyên tại các BV được khảo sát chưa đáp ứng được nhiệm vụ công tác chăm sóc, cấp cứu sản khoa và sơ sinh theo quy định. Nhân lực cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ sơ sinh còn hạn chế về chất lượng và không đồng đều ở các BV được khảo sát. Ví dụ: 4 BV không có bác sĩ chuyên khoa 1 về phụ sản, hộ sinh trung cấp vẫn là lực lượng chiếm số đông, 11/20 BV không có bác sĩ chuyên khoa 1 vê nhi khoa...
Bên cạnh đó, vấn đề đào tạo nhân lực trong lĩnh vực sản khoa và sơ sinh vẫn còn quá ít. Tổ chức truyền máu là vấn đề còn nhiều tồn tại phải giải quyết. Phòng mổ, xe ô tô cấp cứu đã có đủ ở tất cả các BV tuy nhiên không phải lúc nào các phương tiện thuốc, dịch truyền cấp cứu cũng có sẵn ở trên xe. Nhiều trang thiết bị còn thiếu hoặc không đủ đồng bộ (như máy gây mê, máy hút dịch, bộ dụng cụ cắt tử cung bán phần...)....
Từ những kết quả của khảo sát lần này sẽ đưa ra các khuyến nghị cần thiết giúp giảm tử vong mẹ và trẻ sơ sinh.
Từ những kết quả này, các chuyên gia sức khoẻ bà mẹ, trẻ em khuyến nghị cần sớm giải quyết sự thiếu hụt nhân lực chuyên ngành sản nhi, huyết học - truyền máu... Giải pháp nhanh nhất để tăng cường nhân lực chuyên khoa là đào tạo định hướng sản nhi cho bác sĩ đa khoa, kể cả đào tạo tại chỗ.
Cần có chính sách để thu hút và tuyển dụng nhân lực bác sĩ, hộ sinh cho các huyện miền núi khó khăn như chế độ đãi ngộ tiền lương, phụ cấp, xét tuyển thẳng không qua thi tuyển.
Khẩn trương xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho hộ sinh từ bậc trung cấp lên CĐ-ĐH để đáp ứng các quy định của Thông tư 26/2015/TTLT-BYT-BNV. Chú trọng đào tạo kỹ năng, đào tạo theo kíp theo yêu cầu của từng gói dịch vụ kỹ thuật...
Cần bổ sung đồng bộ trang thiết bị, thuốc, kết hợp đào tạo cán bộ cho các BV huyện; đảm bảo có sẵn nguồn máu truyền trong các trường hợp cấp cứu sản khoa, đặc biệt đối với các huyện miền núi. Trong khi chưa có ngân hàng máu thì việc tổ chức ngân hàng máu sống là giải pháp khả thi giúp việc tiếp cận nguồn máu được chủ động hơn.
Kịp thời bổ sung thuốc thiết yếu, cơ bản trong sản khoa, nhất là thuốc dự phòng, điều trị sản giật, tiền sản giật, băng huyết... Cân nhắc thành lập Đơn nguyên sơ sinh ở 2 BV còn thiếu. Ở những BV đã có cần liên hệ với tuyến tỉnh để được hỗ trợ thực hiện được các dịch vụ theo quy định.
Các chuyên gia cho biết, mục tiêu của khảo sát này là mô tả thực trạng về cơ sở vật chất, nhân lực, thuốc thiết yếu, trang thiết bị và các dịch vụ về chăm sóc, cấp cứu sản khoa và sơ sinh tại 20 bệnh viện tuyến huyện của 4 tỉnh miền núi phía Bắc nhằm xác định các bất cập trong cung cấp dịch vụ, làm cơ sở hỗ trợ các BV huyện được khảo sát lập bản đồ cung cấp dịch vụ và xây dựng kế hoạch can thiệp cải thiện chất lượng chăm sóc, cấp cứu sản khoa, sơ sinh. Các phát hiện của khảo sát sẽ cung cấp thông tin để xác định các khoảng trống tồn tại của cơ sở giúp Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế định hướng các giải pháp chính cho các can thiệp cải thiện chất lượng chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em… nhằm mục tiêu giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em ở Việt Nam nói chung và các tỉnh miền núi nói riêng. |
D.Hải
Tin nổi bật
- Luật Thủ đô (sửa đổi): Đảm bảo kết nối, tương tác hiệu quả giữa mạng lưới cơ sở y tế quốc gia và địa phương
01/07/2024 - 10:15:06
- 15 năm thực hiện Luật BHYT: Số người tham gia tăng, quyền lợi mở rộng, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng nâng cao
01/07/2024 - 09:54:28
- Sở Y tế TPHCM gặp khó khăn khi xử lý hành vi bán thuốc qua mạng
28/06/2024 - 10:01:12
- Chi tiết 5 chính sách lớn để phát triển công nghiệp dược, tăng tiếp cận thuốc mới của người dân
26/06/2024 - 14:39:35
- Thời gian cấp Giấy đăng ký lưu hành thuốc mới sẽ giảm từ 12 tháng xuống 9 tháng
24/06/2024 - 09:49:17
- Sửa đổi Luật Dược nhằm bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá hợp lý
18/06/2024 - 16:02:13