Người “chữa lỗi” cho những trái tim
GS.người Pháp Alain Carpentier, một trong những bác sĩ tim mạch nổi tiếng nhất thế giới, không chỉ tiên phong trong các phương pháp mới để sửa chữa những trái tim bị lỗi, ông còn tìm ra cách để thay thế chúng.
“Tượng đài” tưởng chừng xa xăm không với tới ấy lại trở thành nhà nhân đạo gần gũi với mọi bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch Việt Nam khi ông là người đồng sáng lập Viện Tim TP.HCM.
Gọi tuyệt phẩm của mình là “sự thất bại”
46 năm trước, tức vào những năm đầu của thập niên 1970, Alain Carpentier đã chế tạo thành công van tim nhân tạo có nguồn gốc sinh học (van tim Carpentier - Edwards), tạo nên bước đột phá trong y học.
Van tim sinh học ra đời nhằm giải quyết vấn đề thiếu van thay từ người sang người và quan trọng vẫn giữ được sự tương thích với cơ thể của con người. Lợi điểm lớn nhất của van tim sinh học chính là không tạo huyết khối, bệnh nhân không phải uống thuốc kháng đông, điều mà các loại van tim trước đó không thể làm được
Đến đầu những năm 1980, Alain Carpentier lại tiếp tục manh nha ý tưởng chế tạo quả tim nhân tạo. Đây là một hành trình rất dài… Vào năm 1993, quả tim nhân tạo đầu tiên ra đời và 33 năm sau vào tháng 12/2013, tim nhân tạo Carmat lần đầu được ghép trên cơ thể người. Trái tim Carmat, trái tim đầu tiên tự điều chỉnh hoàn toàn trên thế giới.
“Nhiều người bệnh suy tim giai đoạn cuối chỉ còn biết nằm chờ chết. Tôi tự hỏi, một quả tim nhân tạo sẽ là hy vọng sống cuối cùng của họ. Tạo ra một quả tim nhân tạo phức tạp hơn rất nhiều so với chế ra một chiếc van tim, khó khăn nhất là làm cách nào tạo ra một quả tim nhân tạo gần nhất với quả tim thật sự của con người. Để khi đặt nó vào lồng ngực, người bệnh không cảm thấy bất thường, không tạo ra các khối máu đông có thể gây biến chứng nguy hiểm như đột quỵ,” GS.Alain chia sẻ.
Quả tim nhân tạo đầu tiên được ghép thử nghiệm cho bệnh nhân nam bị suy tim giai đoạn cuối, giúp kéo dài sự sống được 76 ngày. Sau đó nhiều đợt thử nghiệm khác với quy mô nhiều bệnh nhân hơn đã được thực hiện. Hiện nay, kết quả thử nghiệm cho thấy, quả tim Carmat giúp kéo dài sự sống cho người suy tim là một năm rưỡi và trong tương lai hoàn toàn có thể đạt mốc 5 năm hoặc cao hơn. Sau ghép, bệnh nhân suy tim có thể đi lại sinh hoạt, làm việc như một người bình thường.
Trái tim carmat
“33 năm và tôi đã cho ra đời quả tim nhân tạo nhưng với tôi đó là một “thất bại”. Khi phải thay tim nhân tạo, tức là quả tim thật hết khả năng phục hồi. Điều tôi mong muốn là con người làm sao tránh phải dùng đến quả tim nhân tạo ấy. Bởi vậy trong tương lai, ngay cả khi tim nhân tạo trở nên phổ biến và hoàn thiện, chúng ta vẫn phải ưu tiên công tác dự phòng và cố gắng chữa trị tối đa cho tim thật”, ông mỉm cười.
Ở Việt Nam, theo GS. Alain, nguy cơ tim mạch vẫn còn nằm trong những bệnh nhân mang căn bệnh thấp khớp cấp (hay thấp tim, sốt thấp khớp) khi đang ở độ tuổi còn trẻ. Ngoài ra, tình trạng hút thuốc lá, uống rượu bia, ăn mặn, ngọt, béo quá độ, ít vận động… sẽ dẫn đến tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành, suy tim.
Chất lượng sống khiến kỹ thuật y khoa càng trở nên “hoành tráng”
Trong y khoa, mổ tim là một trong những giải pháp điều trị căn cơ và có tính cấp bách, bởi điều trị bằng thuốc chỉ tạm thời, không thể loại bỏ được những tổn thương thực thể trong tim. TS.BS. Đỗ Quang Huân, Giám đốc Viện Tim TP.HCM, nhớ lại: “Số người mắc bệnh tim, đặc biệt là trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh, cần được phẫu thuật lại quá nhiều trong khi vào những thập niên 80 - 90, Việt Nam chưa có bệnh viện nào đủ điều kiện mổ được tim hở nên có khá nhiều bệnh nhân tử vong vì bệnh tim nặng. Nếu không được phẫu thuật tim, như phẫu thuật tim hở với máy tim phổi nhân tạo, người bệnh khó sống được, trừ khi mổ ở nước ngoài, mà điều này cũng thật hiếm hoi vào thời điểm đó”.
Trăn trở, cuối những năm 1980, cố GS. Viện sĩ Dương Quang Trung, nguyên giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đích thân sang Pháp gặp giáo sư Alain Carpentier (chủ tịch Hiệp hội Alain Carpentier) nhờ giúp Việt Nam xây dựng một cơ sở mổ tim hở. Ba lần thuyết phục GS.Alain Carpentier, ba lần GS. Dương Quang Trung đều nhận được cái lắc đầu từ chối với những câu hỏi đặt ra: “Việt Nam có tiếp nhận được một cơ sở y khoa kỹ thuật cao không?”, “bác sĩ Việt Nam có đủ khả năng chuyên môn để vận hành cơ sở được không?”, và “người bệnh Việt Nam có đủ chi phí trang trải cho một ca mổ tim hở không?”
GS.Dương Quang Trung vẫn kiên trì, thông qua nhiều kênh, mời GS. Alain Carpentier sang Việt Nam để tìm hiểu thực tế. Trong một lần thăm BV.Nhi đồng 2 (TP.HCM), tình cờ chứng kiến một bé gái 12 tuổi bị bệnh tim bẩm sinh vừa qua đời, xác còn ấm, vị giáo sư người Pháp đã bị lay động, ông siết tay GS. Dương Quang Trung với lời hứa: “Chúng ta cần hành động!”
Từ cam kết này, GS. Alain Carpentier, GS. Dương Quang Trung, GS. Alain Deloche và BS.Nguyễn Thị Ngọc Phượng nhất trí hình thành dự án thành lập Viện Tim. Đây là nơi tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật tim hiện đại từ BV. Broussais (Paris - Pháp), với một cơ chế quản lý thích hợp, vừa đảm bảo tính kỹ thuật hiện đại, tồn tại và phát triển mà không làm nặng ngân sách thành phố, lại vừa mang tính nhân đạo, làm sao cho những người nghèo cũng được mổ tim dù không có hay có rất ít khả năng đóng góp.
ThS.BS. Phan Kim Phương, Anh hùng Lao động, nguyên giám đốc Viện Tim TP.HCM, chia sẻ bà không bao giờ quên ơn GS. Alain Carpentier và cố GS. Dương Quang Trung. Không có hai con người này sẽ không có Viện Tim, bà đã không trở thành bác sĩ phẫu thuật tim và hàng ngàn bệnh nhân Việt Nam không có cơ hội được mổ tim. Thầy Alain Carpentier là con người rất đặc biệt, một tấm gương nghiên cứu khoa học không ngừng nghỉ, luôn vì lợi ích người bệnh.
Điều tâm đắc nhất của GS.Alain Carpentier là lợi ích của bệnh nhân, “chất lượng cuộc sống của bệnh nhân” phải luôn được đặt trên hết.Với ông, những “kỹ thuật y khoa hoành tráng” đến đâu cũng sẽ trở nên vô nghĩa nếu bệnh nhân không “có một cuộc sống đáng để sống”. Cuộc sống bao hàm rất nhiều vấn đề nhưng theo ông, quan trọng nhất là chất lượng sống, sống cho vui, khỏe. Những chiếc van tim sinh học tốt như vậy, nhưng nhiều trường hợp thay van tim chưa hẳn đã tối ưu, van tim chỉ nên thay khi các bác sĩ không còn khả năng sửa chữa nữa. Người bệnh được dùng đúng van tim của họ là tốt nhất, chính điều này ảnh hưởng trực tiếp kết quả, chất lượng điều trị của họ sau đó. Rồi khi tạo ra quả tim nhân tạo, ông mong muốn quả tim ấy có thể giúp người bệnh được thoải mái đi chơi, làm việc… như một người bình thường. Tất cả đều hướng đến cho người bệnh có một cuộc sống đáng để sống hơn, tốt hơn.
Viện Tim TP.HCM được thành lập và bắt đầu hoạt động từ năm 1992, trực thuộc Viện Tim Sở Y Tế TP.HCM.Từ (Quyết định của Ủy ban Nhân dân TP.Hồ Chí Minh, số 681/QĐ-UB ngày 30/11/1991). Đến nay, hơn 12.800 trẻ em (dưới 15 tuổi) được phẫu thuật tim và hơn 12.300 trẻ em được cứu sống. Riêng GS. Alain Carpentier (sinh ngày 11/8/1933, tại Toulouse, miền Nam nước Pháp) được cộng đồng y khoa quốc tế, đặc biệt là Hiệp hội Phẫu thuật Lồng ngực Hoa Kỳ (AATS) với hơn 1.200 thành viên từ 35 quốc gia, tôn vinh “cha đẻ” của chuyên ngành sửa chữa van tim hiện đại. Ông là người nhận Giải thưởng Lasker 2007.AATS cũng nhấn mạnh, GS. Alain Carpentier là “một trong những nhà từ thiện y tế lớn trên thế giới, đã thành lập một trung tâm tim mạch hàng đầu tại Việt Nam, nơi có hơn 1.000 ca phẫu thuật tim hở được thực hiện hàng năm. Ngoài ra, ông đã thành lập các chương trình phẫu thuật tim ở 17 quốc gia nói tiếng Pháp ở Châu Phi”. Năm 2003, GS Alain Carpentier được Chủ tịch nước tặng huân chương hữu nghị vì có nhiều đóng góp giúp Việt Nam phát triển ngành tim mạch, góp phần tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Cộng hòa Pháp. Trái tim Carmat của ông là một bước tiến lớn trong lĩnh vực tim mạch. Mặc dù bệnh tim vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, nhưng “máy bơm cơ học chạy bằng pin, tương thích sinh học” của GS. Carpentier đã làm được nhiều hơn việc chỉ giữ cho bệnh nhân sống sót trong khi chờ ghép tim. Quả tim được chế tạo và có thể tồn tại ít nhất năm năm. Không giống như chân tay giả, thiết bị của Carpentier bắt chước sinh lý tự nhiên của tim, điều chỉnh thể tích máu tùy thuộc vào việc người nhận nó đang hoạt động hay nghỉ ngơi. Nhờ thiết kế độc đáo, chất lượng cuộc sống bệnh nhân suy tim sau đó được cải thiện trong suốt thời gian sống với quả tim nhân tạo. |
Hương Cát
Tin nổi bật
- Lần đầu ghép thành công gan lợn cho người sống
27/05/2024 - 11:52:41
- Bê bối tại ngân hàng máu cuống rốn khiến người Singapore phẫn nộ
24/04/2024 - 10:58:43
- Làm gì khi vòng kinh không phóng noãn?
26/02/2024 - 10:47:55
- 5 cách giúp giảm stress
23/02/2024 - 10:42:27
- Số người hiến mô tạng ở Việt Nam thấp nhất thế giới
02/02/2024 - 15:25:27
- Nguyên nhân vô sinh hiếm muộn ở người trẻ
31/01/2024 - 11:24:55