Ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm mùa lễ hội
Nhiều điểm kinh doanh ăn uống dịp lễ hội là tự phát nên việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đầy đủ, tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc
Ngày 14-2, Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế và Sở Y tế tỉnh Nam Định đã kiểm tra công tác ATTP trước thời điểm lễ khai ấn đền Trần 2019. Tại đây, đoàn đã trực tiếp kiểm tra các hộ kinh doanh thực phẩm khu vực xung quanh đền Trần và đền Bảo Lộc (TP Nam Định). Đây là những địa điểm lễ hội thu hút cả chục ngàn du khách mỗi ngày. Đặc biệt, trong những ngày chính hội, số lượng du khách lên tới hàng vạn người.
Buôn bán thời vụ dễ mất vệ sinh
PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế - Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành của Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về ATTP, cho biết qua kiểm tra, đoàn ghi nhận về cơ bản các cơ sở kinh doanh bảo đảm những điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Tuy nhiên, do việc cung cấp thực phẩm, kinh doanh ăn uống dịp lễ hội mang tính thời vụ nên kỹ năng về ATTP của những người kinh doanh chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, hệ thống cung cấp nguyên liệu, nước sinh hoạt cũng chưa thành hệ thống. Đó là những yếu tố nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.
Đại diện Bộ Y tế và Sở Y tế tỉnh Nam Định kiểm tra an toàn thực phẩm trước khu vực đền Trần. Ảnh: Ngọc Dung
Trực tiếp kiểm tra công tác ATTP ở một số hàng quán ngay trước cổng đền Trần, lãnh đạo Cục ATTP cũng lưu ý các hộ kinh doanh đeo găng tay hoặc kẹp gắp khi chia thức ăn bởi bàn tay là nguồn ô nhiễm lây truyền các bệnh qua đường thực phẩm cho người sử dụng.
Đại diện Sở Y tế tỉnh Nam Định cho biết để bảo đảm mùa lễ hội an toàn, Sở Y tế và Chi cục ATVSTP tỉnh Nam Định đã tập trung tuyên truyền các thông điệp bảo đảm ATTP khu vực lễ hội; thành lập các đoàn kiểm tra các cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm. Các xã, phường đã có các ban chỉ đạo liên ngành về ATVSTP thì phân công cán bộ trực tiếp giám sát tại các điểm lễ hội.
Tuy nhiên, đại diện Sở Y tế tỉnh Nam Định cũng cho biết lễ khai ấn diễn ra trong khoảng thời gian không dài, người tham gia đông, khuôn viên chật, phần lớn những cơ sở tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm mang tính tự phát, không chuyên khiến việc quản lý công tác ATTP gặp khó khăn. Do đó, tại các địa bàn trọng điểm, cơ quan chức năng chuẩn bị sẵn xe cứu thương túc trực, sẵn sàng hỗ trợ du khách khi có sự cố liên quan đến sức khỏe.
9/10 mẫu bát rửa chưa sạch
Sáng cùng ngày, đoàn kiểm tra liên ngành ATTP số 1 của TP Hà Nội do ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác bảo đảm ATTP tại lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức).
Theo Ban Tổ chức lễ hội chùa Hương, năm nay, tại đây có 55 cơ sở kinh doanh thực phẩm, trong đó có 53 cơ sở hoạt động thời vụ. Trước Tết Kỷ Hợi 2019, các đoàn kiểm tra ATTP tuyến huyện, xã và thị trấn đã kiểm tra hơn 300 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh ăn uống, qua đó xử lý vi phạm 23 cơ sở với số tiền phạt gần 33 triệu đồng.
Sáng 14-2, đoàn đã kiểm tra 3 nhà hàng, phát hiện nhiều vi phạm ATVSTP. Cả 3 nhà hàng đều bảo quản thực phẩm không đúng quy định, 2/3 nhà hàng vệ sinh bát ăn không đạt yêu cầu, 2/3 nhà hàng chưa xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc thực phẩm.
Ông Trần Văn Chung đã yêu cầu lập biên bản xử lý vi phạm nhà hàng Doanh Hạnh và nhà hàng Năm Thành (khu vực chùa Hương). Tại thời điểm kiểm tra, chủ 2 nhà hàng này đều không xuất trình được giấy tờ chứng minh được nguồn gốc thực phẩm. Ngay lối vào 2 nhà hàng này, thực phẩm sống, chín để lẫn lộn trên bàn không được che đậy, bảo quản. Khu vực rửa bát của 2 nhà hàng cũng tạm bợ, bát rửa xong được đặt ngay xuống đất.
Riêng tại nhà hàng Doanh Hạnh, qua xét nghiệm nhanh, 10 mẫu bát có 9 bát rửa không sạch. Còn tại nhà hàng Năm Thành, tủ đựng những túi đá viên dùng liền lại để chung cả thực phẩm sống. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu hủy bỏ toàn bộ những túi đá này để tránh nguy cơ ngộ độc hàng loạt.
Công khai tổ chức, cá nhân vi phạm Liên quan đến công tác bảo đảm ATTP trong mùa lễ hội Xuân 2019, ông Nguyễn Thanh Phong cho biết vừa yêu cầu Ban Quản lý ATTP các địa phương tiếp tục tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về ATTP trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm tại các lễ hội, sự kiện lớn trên địa bàn. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP tại các lễ hội, sự kiện lớn trên địa bàn; bảo đảm ATTP tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố phục vụ nhân dân, du khách; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm về ATTP và công khai vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. |
Ngọc Dung
Tin nổi bật
- Cách để phòng tránh được biến chứng nguy hiểm của căn bệnh 7 triệu người Việt mắc
28/06/2024 - 09:55:38
- HỘI THẢO KHOA HỌC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO VÀ NĂNG LỰC QUẢN LÝ CHO ĐIỀU DƯỠNG TRƯỞNG KHOA TẠI CÁC CƠ SỞ KHÁM, CHỮA BỆNH
25/06/2024 - 18:15:39
- 46 ca tử vong do bệnh dại trong 6 tháng: 100% chết vì thiếu hiểu biết
06/08/2019 - 10:38:30
- Ứng dụng chữ ký số, chữ ký điện tử tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như thế nào?
05/07/2019 - 11:21:31
- Báo động: Gần 42% học sinh tiểu học thành thị bị thừa cân, béo phì
03/07/2019 - 12:06:32
- Cần 600 tỷ đồng/năm cho bệnh nhân HIV/AIDS
16/04/2019 - 09:04:00