Mổ cắt ruột thừa, bất ngờ phát hiện mảnh xương cá đâm thủng ruột hiếm gặp
Anh Nguyễn Đức L. (32 tuổi, ở Văn Giang, Hưng Yên) được đưa vào viện cấp cứu vì đau ruột thừa, nhưng trong quá trình mổ cắt ruột thừa các bác sĩ bất ngờ phát hiện một mẩu xương cá đâm thủng thành ruột của bệnh nhân…
Bác sĩ nội soi gắp xương cá găm xuyên thành ruột bệnh nhân trước khi cắt ruột thừa
Sáng nay, 29-3, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang thông tin cho biết, bệnh nhân Nguyễn Đức L. được đưa vào viện này cấp cứu trong tình trạng đau vùng hố chậu phải, sốt, đau bụng âm ỉ. Qua thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán viêm ruột thừa, có chỉ định cắt ruột thừa bằng phương pháp nội soi.
Tuy nhiên, trong quá trình mổ cấp cứu cắt viêm ruột thừa cho bệnh nhân, các bác sĩ bất ngờ phát hiện có dị vật nhỏ đâm thủng thành ruột của bệnh nhân. Vì thế, các bác sĩ phải tiến hành lấy dị vật ra trước, sau đó mới cắt ruột thừa cho bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyễn Đăng Khoa, Phó Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp - người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật cho bệnh nhân L. - cho biết, khi lấy dị vật đâm xuyên thành ruột của bệnh nhân ra, các bác sĩ xác định đây là 1 miếng xương cá có kích thước nhỏ. Mảnh xương này găm thủng ruột gây viêm vùng tấy vùng hố chậu (P), gây viêm ruột thừa thứ phát.
Bác sĩ Khoa nhấn mạnh, trường hợp bệnh nhân mắc các dị vật đâm xuyên qua thành ruột là rất hiếm, chỉ phát hiện được khi có biến chứng đau bụng dữ dội, thủng đường tiêu hóa và được chỉ định phẫu thuật. Với trường hợp bệnh nhân Nguyễn Đức L. càng đặc biệt hơn vì cùng lúc mắc 2 bệnh, nếu bác sĩ không thân trọng thì rất dễ bỏ sót bệnh, dẫn đến điều trị không dứt điểm.
Sau khi được phẫu thuật, bệnh nhân N.Đ.L cho biết mình không phải người thích ăn cá và cũng lâu rồi chưa ăn cá nên không rõ bị xương cá găm thủng thành ruột từ bao giờ.
Từ trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo, xương cá, tăm xỉa răng là dị vật thường bị nuốt phải và có thể bệnh nhân không biết bị nuốt dị vật lúc nào. Người bệnh có nguy cơ tử vong nếu không phát hiện và phẫu thuật sớm để dị vật sắc nhọn xuyên thủng ống tiêu hóa ra ổ bụng hoặc tạo những ổ nhiễm trùng trong lồng ngực, ổ bụng.
Vì vậy, khi không may nuốt dị vật, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, không tự chữa mẹo theo dân gian hoặc cố nuốt đẩy dị vật mắc sâu thêm trong cơ thể.
Duy Tiến
Tin nổi bật
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Thường xuyên ợ nóng là biểu hiệu của bệnh gì?
22/01/2024 - 11:05:39
- Cách giảm đầy hơi, chướng bụng
05/07/2023 - 16:13:34
- 6 thói quen tốt buổi sáng giúp cải thiện đường ruột
01/04/2023 - 10:23:02
- Phòng ngừa hội chứng ruột kích thích
15/02/2023 - 10:35:50