Kỹ thuật mổ hiện đại trả lại thính lực cho người điếc
Anh Phát, hơn 30 tuổi, bất ngờ ù tai, làm tài xế mà không nghe được tiếng còi hay khách hỏi chuyện, được bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM phẫu thuật tìm lại thính lực.
Bác sĩ tiến hành kỹ thuật vi phẫu kết hợp nội soi xốp xơ tai giúp bệnh nhân cải thiện chức năng nghe. Kỹ thuật này hiện đại, tiên tiến trên thế giới, được Sở Y tế và Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM vinh danh Thành tựu y khoa Việt Nam 2023, đêm 26/2.
Anh Phát được bác sĩ chẩn đoán xốp xơ tai, đầu năm nay phẫu thuật một bên tai giúp nghe rõ âm thanh. Anh dự định sớm phẫu thuật tai còn lại để phục hồi hoàn toàn. "Khách nói chuyện mà mình không nghe rõ, còn lái xe mà không nghe được tiếng còi xe khác thì rất nguy hiểm, mất an toàn khi lưu thông trên đường", người tài xế xe khách cho biết.
Xốp xơ tai là sự tái tạo xương bất thường ở tai giữa, gây cứng khớp chuỗi xương con trong tai, làm cản trở quá trình truyền âm thanh. Bệnh có các triệu chứng nghe kém dần, ù tai, mức độ nhẹ đến nặng. Xốp xơ tai gặp ở nữ nhiều hơn nam, chủ yếu tuổi trung niên, ảnh hưởng khả năng giao tiếp, công việc cũng như chất lượng cuộc sống.
Anh Phát là một trong hơn 400 bệnh nhân được các bác sĩ tại bệnh viện phẫu thuật xốp xơ tai từ năm 2016 đến nay. TS.BS.CK2 Lê Trần Quang Minh, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM, cho biết trước đây người nghe kém chỉ có thể sử dụng máy trợ thính để hỗ trợ, dần dần ổ xốp xương lan rộng vào tai trong, buộc phải chấp nhận sống chung với cảnh điếc vĩnh viễn.
Bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM phẫu thuật điều trị bệnh nhân xốp xơ tai. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Theo BS.CK2 Dương Thanh Hồng, Trưởng Khoa Tai - Tai thần kinh, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM, trước năm 2016, bệnh viện triển khai mổ thay thế xương bàn đạp để điều trị xốp xơ tai. Kỹ thuật này giúp bệnh nhân cải thiện sức nghe, song nguy cơ nhiều biến chứng như chóng mặt sau mổ, liệt dây thần kinh, điếc hoàn toàn sau mổ... Chưa kể, sau mổ nếu bệnh nhân lại nghe kém, bác sĩ không thể can thiệp gì thêm. Do đó, bệnh nhân thường ngại mổ.
Từ năm 2016, được các chuyên gia thế giới chuyển giao kỹ thuật, sau đó trang bị máy móc hiện đại, các bác sĩ áp dụng phương pháp mổ mới xốp xơ tai - vi phẫu, được thực hiện dưới kính hiển vi với độ phóng đại lớn phối hợp với nội soi. Bệnh nhân được can thiệp tạo cửa sổ nhỏ trên đế xương bàn đạp và dùng trụ dẫn nhân tạo để thay thế xương này.
Theo bác sĩ Hồng, kỹ thuật này xâm lấn tối thiểu, hạn chế nguy cơ bệnh nhân chóng mặt sau mổ. Nếu bệnh nhân tái phát nghe kém, bác sĩ có thể phẫu thuật thêm hoặc cấy điện cực ốc tai bởi đế xương bàn đạp, cấu trúc tiền đình ốc tai còn giữ gần như nguyên vẹn.
"Kỹ thuật này đòi hỏi tay nghề của bác sĩ cao hơn, tinh tế, tỉ mỉ hơn, thực hiện trong thời gian càng ngắn càng tốt. Phẫu thuật viên khi đã bắt đầu thì không thể dừng cuộc mổ được, phải đi đến cuối cùng, hoặc là thành công hoặc thất bại", bác sĩ Hồng nói. Do đó, để tiến hành, bác sĩ phải thành thạo, có nhiều kinh nghiệm trong phẫu thuật tai, chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu chọn bệnh, chẩn đoán đến trang thiết bị phù hợp.
Bên cạnh ưu điểm phục hồi thính lực hiệu quả lâu dài, phương pháp này còn tiết kiệm chi phí so với việc dùng máy trợ thính. Một ca mổ với 4-5 ngày nằm viện thường tốn chi phí khoảng 5 đến hơn 10 triệu đồng, tùy vào giá thiết bị trụ dẫn nhân tạo. Trong khi đó, một máy trợ thính thông thường có giá khoảng vài chục triệu đồng, chưa kể chi phí tái khám định kỳ để điều chỉnh máy, thay thế khi máy hỏng.
Kỹ thuật mổ xốp xơ tai Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM được vinh danh Thành tựu y khoa Việt Nam 2023, đêm 26/2. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM là bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối về tai mũi họng của phía Nam. Kỹ thuật mới phẫu thuật xốp xơ tai đã được Tai Mũi Họng TP HCM chuyển giao đến nhiều bệnh viện khác ở các tỉnh thành. Sắp tới, bệnh viện sẽ triển khai phẫu thuật bằng laser thay vì dùng khoan, giúp hiệu quả phẫu thuật nâng cao hơn.
Trong hơn 400 bệnh nhân đã mổ tại viện, hầu hết cải thiện chức năng nghe, trong đó nhiều người phục hồi hoàn toàn thính lực. Bệnh nhân điều trị càng sớm, tổn thương chưa lan rộng, tỷ lệ thành công càng cao.
"Bệnh nhân mới chỉ nghe kém thì phẫu thuật tiên lượng tốt hơn so với giai đoạn ù tai", bác sĩ nói, đồng thời khuyên mọi người cần đi khám ngay khi có biểu hiện nghe kém. Bệnh có yếu tố di truyền, gia đình có người mắc bệnh này thì các thành viên khác cần chú ý tầm soát, đi khám sớm khi có bất thường.
Tin nổi bật
- Nhiều người đi khám sức khỏe mới phát hiện bị bệnh tâm thần
05/07/2024 - 10:54:06
- Thanh niên suýt mất mạng vì ngộ độc thuốc diệt chuột
04/07/2024 - 10:12:39
- Đau bụng đi khám bác sĩ, bàng hoàng phát hiện sán não ký sinh khắp cơ thể
04/07/2024 - 10:00:07
- Bộ Y tế và UNCEF trao đổi thúc đẩy tiếp tục hợp tác về chăm sóc sức khoẻ nhân dân
04/07/2024 - 09:56:36
- Trích rạch vết thương do vỡ hạt tophi sau biến chứng của bệnh gout, cụ ông bị nhiễm trùng nặng
04/07/2024 - 09:52:37
- Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm ông Nguyễn Toàn Thắng giữ chức Phó Chánh Văn phòng Bộ
04/07/2024 - 09:50:03