Khoảng 3 triệu trẻ em Việt bị nhược thị, 65% đeo kính không đúng
Theo một điều tra gần đây, có tới 65% đơn kính (gọng kính điều chỉnh thị lực cho những người bị tật khúc xạ) thực hiện tại các hiệu kính ở Việt Nam là bị sai do người đo kính không được đào tạo bài bản...
Giáo sư Bruce Moore khám mắt cho trẻ tại BV Mắt Hà Nội 2
Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 phối hợp với Trường Đại học Y Hà Nội vừa tổ chức hội thảo Vị trí và vai trò của khúc xạ nhãn khoa trong ngành nhãn khoa. Phát biểu tại đây, PGS, TS Phạm Trọng Văn, Trưởng Bộ môn Mắt - Đại học Y Hà Nội cho biết, tỷ lệ mắt tật khúc xạ ở Việt Nam ước tính ở mức 15% đến 40%, xấp xỉ khoảng 14- 36 triệu người.
Đối với trẻ em (từ 6-15 tuổi), tỷ lệ tật khúc xạ là 25-40% ở thành thị và 10-15 % ở nông thôn. Như vậy, ước tính có 3 triệu trẻ em cần phải đeo kính điều chỉnh tật khúc xạ.
Cũng vì thế, tật khúc xạ hiện nay được nhận định như là một vấn đề mới nổi trong chăm sóc mắt và được xem là một ưu tiên trong Kế hoạch quốc gia về phòng chống mù loà của Việt Nam đến năm 2020. Trong đó, việc cung cấp kính cho người bị tật khúc xạ là một trong những can thiệp hiệu quả và hợp lý nhất, góp phần giảm tỷ lệ các bệnh mù loà có thể phòng tránh được.
Thế nhưng, kết quả điều tra đánh giá về chất lượng dịch vụ khúc xạ tại Việt Nam do Tổ chức Brien Holden Vision Institute phối hợp với Bệnh viện Mắt trung ương thực hiện mới đây lại cho thấy, có tới 65% đơn kính thực hiện tại các hiệu kính là bị sai do người đo kính không được đào tạo bài bản. Hơn nữa, nguồn nhân lực nhãn khoa được đào tạo bài bản còn hạn chế khiến cho các dịch vụ chăm sóc khúc xạ cũng bị thiếu trầm trọng.
Theo PGS.TS Phạm Trọng Văn, có hơn 50% dân số cần được chăm sóc tật khúc xạ ở những mức độ khác nhau trong khi nguồn nhân lực về khúc xạ nhãn khoa chưa đủ đáp ứng được nhu cầu chăm sóc tật khúc xạ của người dân đang ngày một tăng. Các bác sĩ mắt là nguồn nhân lực chính nhưng nguồn lực này còn hạn chế và phân bố không đều khi các bác sĩ chủ yếu tập trung ở các thành phố.
Chia sẻ tại hội thảo, Giáo sư Bruce Moore, chuyên gia khúc xạ nhãn nhi - Đại học Nhãn khoa New England (Mỹ) cho biết, trên thế giới hiện có 640 triệu người giảm thị lực do tật khúc xạ không được chỉnh kính, trong đó 80% có thể được điều chỉnh một cách dễ dàng.
Giáo sư Bruce nêu rõ, nhược thị sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình phát triển của trẻ. Việc phát hiện sớm rối loạn thị giác sẽ giúp trẻ có được sự hỗ trợ tốt nhất để trẻ có thể học tập bình thường. Việc không phát hiện và không điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng tới khả năng học tập của trẻ từ 3-5 năm chậm hơn các bạn khác.
“Nhược thị là tình trạng bệnh có thể điều trị được hơn 90% nếu phát hiện sớm. Nếu có hệ thống chăm sóc mắt ban đầu tốt sẽ giải quyết được vấn đề lớn của xã hội. Tuy nhiên, đây là điều khó vì không phải quốc gia nào cũng làm được” - GS Bruce nói.
Duy Tiến
Tin nổi bật
- Cách để phòng tránh được biến chứng nguy hiểm của căn bệnh 7 triệu người Việt mắc
28/06/2024 - 09:55:38
- HỘI THẢO KHOA HỌC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO VÀ NĂNG LỰC QUẢN LÝ CHO ĐIỀU DƯỠNG TRƯỞNG KHOA TẠI CÁC CƠ SỞ KHÁM, CHỮA BỆNH
25/06/2024 - 18:15:39
- 46 ca tử vong do bệnh dại trong 6 tháng: 100% chết vì thiếu hiểu biết
06/08/2019 - 10:38:30
- Ứng dụng chữ ký số, chữ ký điện tử tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như thế nào?
05/07/2019 - 11:21:31
- Báo động: Gần 42% học sinh tiểu học thành thị bị thừa cân, béo phì
03/07/2019 - 12:06:32
- Cần 600 tỷ đồng/năm cho bệnh nhân HIV/AIDS
16/04/2019 - 09:04:00