Lại là... karaoke!
Mâu thuẫn bắt đầu khi chị Thu (39 tuổi) cùng gia đình dọn về một con hẻm thuộc phường Tân Thới Hiệp (Q.12, TP.HCM) sinh sống. Tại đây, chị bắt đầu khó chịu với tiếng karaoke suốt ngày ở nhà hàng xóm. Cụ thể, tiếng nhạc thường xuyên phát ra từ chiếc loa kẹo kéo nhà ông Đức (42 tuổi), làm ảnh hưởng đến đứa con mới sinh của chị.
Nhiều lần lời qua tiếng lại với ông Đức nhưng không giải quyết được mà chỉ khiến vụ việc thêm căng thẳng, chị Thu cùng chồng là anh An, vốn là công an phường, bắt đầu có những hành vi chửi bới, đe dọa gia đình ông Đức.
Đỉnh điểm vào tối mồng 3 Tết Âm lịch vừa qua, khi ông Đức cùng gia đình, hàng xóm đang ăn uống mừng xuân, hát karaoke trước cửa nhà, chị Thu đã tiến đến cự cãi và hất đổ cả bàn ăn. Đồng thời, anh An còn cầm mã tấu và cùng một số thanh niên quen biết khác đến đập phá đồ đạc, uy hiếp gia đình ông Đức.
Mâu thuẫn âm ỉ cho đến vài tháng sau. Một buổi tối, khi chị Thu đang dọn dẹp thì thấy ông Đức ngồi đánh cờ trước cửa nhà một người hàng xóm, chị nghe ông Đức đang nói xấu chồng mình. Bực tức, chị Thu bắt đầu lớn tiếng chửi mắng, hơn nữa còn lao đến giật ông Đức té xuống và tát 2 bạt tai. Lúc này, ông Đức đang trong tình trạng sức khỏe yếu, chuẩn bị phẫu thuật nên không chống trả mà hét toáng lên “bà con ra coi vợ công an đánh tôi”, rồi đi về nhà.
Thấy ông Đức vừa đi vừa chửi trả, chị Thu liền đi theo và hỏi trổng “ông gọi ai, chồng tôi làm công an, ông gọi ai”. Đến cửa nhà ông Đức, chị tiếp tục xông vào thì bị ông Đức đẩy ra ngoài. Cơn giận trào lên, ông Đức quơ tay lấy cây sắt dựng ở góc nhà và đâm liên tiếp 2 nhát vào ngực chị Thu. Khi chị ngã xuống, ông tiếp tục đâm 2 nhát vào ngực, 1 nhát vào tay. Hoảng hốt, chị đứng dậy bỏ chạy thì bị đâm thêm 2 nhát vào lưng.
Ngọn nguồn mâu thuẫn giữa 2 gia đình là do "màn tra tấn" karaoke Ảnh minh họa: Đào Ngọc Thạch
Sau khi chị Thu chạy về nhà và báo với chồng, anh An ngay lập tức lấy mã tấu xộc qua nhà ông Đức. Anh An dùng mã tấu uy hiếp những người làm chứng, sau đó đập cửa nhà ông Đức. Vợ ông Đức lúc này cũng đang có con nhỏ, lại mắc bệnh tim, nên hoảng sợ và ngất đi, phải nhập viện sau đó. Ngay trong đêm, lực lượng chức năng có mặt và giải quyết vụ việc.
Sau khi vụ việc xảy ra, gia đình ông Đức đã mang chi phí bồi thường sang hòa giải với vợ chồng chị Thu, nhưng anh An nhất quyết không đồng ý. Kết quả giám định thương tật chị Thu là 9%, ông Đức bị đưa ra xét xử. Trong phiên tòa sơ thẩm, Tòa án Nhân dân Q.12 đã tuyên án bị cáo Đức phải nhận 12 tháng tù treo, đồng thời theo yêu cầu bị hại, phải bồi thường tất cả các khoản tổng cộng là 106 triệu đồng.
Còn đâu tình làng nghĩa xóm?
Đầu tháng 12.2018, ông Đức kháng cáo vì cho rằng mức án và số tiền đền bù là không phù hợp. Vài ngày sau, chị Thu cũng tiếp tục có đơn kháng cáo, cho rằng truy tố không khách quan, yêu cầu truy tố tội cố ý giết người với án tù giam.
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 13.3.2019 ở Tòa án Nhân dân TP.HCM, cuộc “cãi vã” của 2 người hàng xóm lại tiếp tục diễn ra. Nói đúng hơn cũng không còn là hàng xóm, vì sau sự vụ, cơ quan điều tra cũng có lời khuyên ông Đức nên chuyển chỗ ở để đảm bảo an toàn, nên ông đã bán nhà dời đi. Còn chị Thu cũng không có mặt tại phiên xử, chỉ có luật sư đại diện bên bị hại.
Nhưng “cuộc chiến” vẫn tiếp tục diễn ra. Trong phần tranh luận, bị cáo Đức cho rằng: “Tôi kháng cáo về bồi thường tổn thất tinh thần, vì chính vợ chồng bà Thu là người tổn thất tinh thần tôi trước, thậm chí là nhiều lần. Đáng nói, chính bà Thu là người hung hăng gây sự khuya hôm đó, khi bị tát, tôi đã bỏ về mà bà còn đuổi theo. Vì sức khỏe yếu, bị tát hoa mắt nên tôi cầm thanh sắt tự vệ quá mức. Sau đó, gia đình tôi đã có thiện chí đến hòa giải nhưng ông An vẫn cự tuyệt”.
Bị cáo Đức trước vành móng ngựa vì tội cố ý gây thương tích Hoài Nhân
Theo đó, ông Đức cho rằng ông chỉ bồi thường tiền cứu chữa thuốc men và khước từ các khoản khác. Tuy nhiên, luật sư phía bị cáo cho rằng: “Bị cáo đã có hành vi côn đồ với bị hại là và không có sự ăn năn hối cãi. Bị hại là phụ nữ, lại đang có con nhỏ nên mức độ tổn thất tinh thần và ảnh hưởng đến gia đình là rất lớn”.
“Vợ tôi lúc đó cũng vừa sinh con nhỏ, bị uy hiếp nên đã ngất xỉu phải xấp cứu. Và xin xem xét lại hành vi của ông An, bản thân là công an nhưng khi có sự việc lại không gọi lực lượng chức năng giải quyết mà cầm mã tấu sang uy hiếp nhân chứng và gia đình tôi, đó mới là côn đồ. Còn bị hại ra tay đánh tôi trước, đó mới là hung hãn. Nếu bà ấy không tát tôi, đuổi đánh tôi, có sự việc xảy ra không”, ông Đức tiếp tục phản đối.
“Vậy tôi muốn hỏi bị cáo, có phải nếu gia đình ông và hàng xóm không hát karaoke, có phải sẽ không có chuyện gì xảy ra không”, vị luật sư nói. Bên dưới, những người tham dự phiên tòa thở dài. Lại là karaoke, ngọn nguồn của nhiều vụ án đáng tiếc, thậm chí thương tâm trong thời gian qua.
Tòa nghị án, những người trong phiên xử bàn tán với nhau. Một người nói vọng: “Karaoke thì tết nhất mới vui thôi mà, cũng nóng tính nên làm quá”. Bên lề vụ án, đại diện viện kiểm sát cũng nói: “Bản thân tôi thì rất “điên” vì karaoke. Hát hay không nói, nhưng nhiều người hát dở rồi thêm say xỉn, cứ lè nhè suốt ngày. Nhưng quan trọng là cách xử lý, mỗi người nhường nhịn một chút thì đâu có chuyện gì. Với mức thương tật 9% và tính chất vụ việc, hòa giải là đã xong rồi”.
Kết quả, hội đồng xét xử bác bỏ kháng cáo của bị hại, chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên mức án sơ thẩm 12 tháng tù treo và yêu cầu ông Đức bồi thường tổng cộng 30 triệu 550 nghìn đồng cho gia đình chị Thu.
Phiên xử kết thúc, nhưng câu chuyện về karaoke hẳn vẫn còn dài. Công nghệ phát triển, những chiếc loa “kẹo kéo”, giàn karaoke đi dộng trở nên tiện lợi và giúp những cuộc vui thêm phần náo nhiệt. Nhưng ôi thôi, được cái này thì lại khổ cái kia! Vui thôi, đừng vui quá…
*Thông tin bị cáo, bị hại đã được thay đổi