Hà Nội xuất hiện ổ dịch tay chân miệng
Từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 125 trẻ mắc tay chân miệng, tăng 1,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái, dự báo thêm nhiều ca bệnh, ổ dịch thời gian tới.
Ngày 8/3, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, cho biết tuần qua, thành phố ghi nhận 37 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 19 ca so với tuần trước. Số trẻ mắc nhiều nhất nhất tại quận Nam Từ Liêm (12), Hà Đông (5), quận Long Biên và huyện Thanh Trì mỗi nơi có 3 ca. Đặc biệt, ổ dịch tay chân miệng xuất hiện ở Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm.
Như vậy, từ đầu năm đến nay, thành phố có 125 trẻ mắc tay chân miệng, tăng gấp 1,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. CDC Hà Nội đánh giá thời tiết mùa đông - xuân là giai đoạn thường xảy ra nhiều bệnh truyền nhiễm như sởi, thủy đậu, tay chân miệng, ho gà... Dự báo, thời gian tới, thành phố có thể ghi nhận thêm ca bệnh, ổ dịch. Vì vậy, CDC đề nghị, các đơn vị trong ngành tăng cường giám sát phát hiện sớm các chùm ca bệnh, đặc biệt tại các trạm y tế, trường mầm non, tiểu học. Xử lý ổ dịch, tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại các trường học có nhiều bệnh nhân, không để bùng phát rộng; tổ chức rà soát đối tượng tiêm chủng.
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm có thể do nhiều loại virus gây nên, lây lan từ người sang người và nguy cơ tạo thành ổ dịch lớn. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, diễn biến rất nhanh chỉ trong vòng vài giờ. Trẻ mắc thường có các biểu hiện như sốt (nhẹ hoặc cao) và tổn thương ở da (dát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối...). Tuy nhiên, một số trẻ chỉ loét miệng hoặc nổi nốt nhỏ ở mông hay bẹn, nếu gia đình không chú ý thì rất khó phát hiện.
Đa phần trẻ mắc bệnh nhẹ, nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí tử vong.
Hiện chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu. Mỗi lần trẻ nhiễm bệnh chỉ tạo ra kháng thể với một loại virus nhất định, do đó các em có thể mắc nhiều lần.
Bác sĩ khuyến cáo trẻ nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống sôi; vật dụng ăn uống được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; dùng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi, dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Tin nổi bật
- Nhiều người đi khám sức khỏe mới phát hiện bị bệnh tâm thần
05/07/2024 - 10:54:06
- Thanh niên suýt mất mạng vì ngộ độc thuốc diệt chuột
04/07/2024 - 10:12:39
- Đau bụng đi khám bác sĩ, bàng hoàng phát hiện sán não ký sinh khắp cơ thể
04/07/2024 - 10:00:07
- Bộ Y tế và UNCEF trao đổi thúc đẩy tiếp tục hợp tác về chăm sóc sức khoẻ nhân dân
04/07/2024 - 09:56:36
- Trích rạch vết thương do vỡ hạt tophi sau biến chứng của bệnh gout, cụ ông bị nhiễm trùng nặng
04/07/2024 - 09:52:37
- Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm ông Nguyễn Toàn Thắng giữ chức Phó Chánh Văn phòng Bộ
04/07/2024 - 09:50:03