Đổ bệnh vì thời tiết nồm ẩm
Số ca nhập viện do khó thở, suy hô hấp, cảm cúm tăng 20-30%, đa số là người già và trẻ nhỏ, bác sĩ lý giải thời tiết nồm ẩm tạo điều kiện mầm bệnh lây lan.
Sáng 18/3, bệnh nhân nam 60 tuổi, ở Yên Nghĩa, khó thở, cơ thể nóng ran, khó chịu khi ngủ dậy. Ông có tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính từ năm 2007, bệnh nặng lên khi thời tiết thay đổi. Vài ngày nay, các triệu chứng nghiêm trọng hơn, gia đình đưa ông đến Bệnh viện đa khoa Hà Đông cấp cứu. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi, bác sĩ kê đơn thuốc và tư vấn dinh dưỡng.
Cùng ngày, người phụ nữ đưa con gái hai tuổi nhập viện do viêm phổi. Chị cho biết bé rất nhạy cảm với thời tiết, thường xuyên bị ốm. Hai ngày nay, trẻ bỏ bú, ho đờm, chảy nhiều nước mũi, khó thở nên đưa đi viện.
Bác sĩ Phạm Chiến Thắng, Phó trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, cho biết thời tiết thay đổi liên tục, nóng ẩm khiến lượng bệnh nhân mắc các bệnh về đường hô hấp tăng cao. Hai tuần gần đây, số ca khám tăng 20-30% so với ngày thường, chủ yếu là bệnh đường hô hấp như viêm phổi, bệnh phổi mãn tính, bệnh hô hấp...
Tại các bệnh viện khác như Bệnh viện Đại học Y, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Nhiệt Đới cũng ghi nhận nhiều trường hợp đi khám do khó thở, cúm, sốt.
Riêng tại Bệnh viện Nhi trung ương, mỗi ngày nơi này khám từ 3.500 đến 4.000 trẻ, tỷ lệ trẻ nhập viện cao, khoảng 60 đến 70 trẻ mỗi đêm, nhiều em diễn biến nặng. Đa số bệnh nhi mắc bệnh lý hô hấp do thay đổi thời tiết, như cúm, RSV, viêm phổi...
Bác sĩ Phạm Chiến Thắng, Phó trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đang khám cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Lý giải nguyên nhân nhiều người nhập viện, bác sĩ Nguyễn Văn Giang, Phó trưởng Khoa Hô hấp và Bệnh phổi, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, cho biết hình thái thời tiết nồm, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi để virus, vi khuẩn, nấm mốc, ký sinh trùng phát triển. Trường hợp bệnh nhân bệnh phổi mãn tính, nền sức khỏe kém cộng với yếu tố môi trường làm tăng nguy cơ bội nhiễm cũng như kích thích các đợt bệnh cấp.
"Nhiều bệnh nhân trở nặng nhanh, buổi sáng bình thường nhưng đến chiều đã suy hô hấp nặng", bác sĩ nói.
Bên cạnh đó, ô nhiễm không khí, nhất là nồng độ bụi mịn tăng cao, dễ gây viêm nhiễm đường hô hấp. Bụi mịn có kích thước siêu nhỏ nên có thể xâm nhập sâu vào phổi, có thể trở thành tác nhân khởi phát bệnh hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hoặc các bệnh lý viêm mũi xoang dị ứng... Tại Hà Nội, chất lượng không khí thành phố đang suy giảm khi nhiều ngày có chỉ số AQI ở mức kém và xấu, nồng độ bụi mịn gấp gần hai lần quy chuẩn. Đây là yếu tố thúc đẩy khiến nhiều người đổ bệnh hô hấp.
Bác sĩ Lê Hoàn, Trưởng Khoa Nội tiết - Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, giải thích hít thở không khí trong thời tiết sương mù khiến bạn phải tiếp xúc với không khí lạnh và nhiều nước, gây ớn lạnh, ho, sổ mũi, ngứa mắt... Ngoài ra, trong lớp sương mù dày đặc còn có bụi mịn và các loại khí thải sinh hoạt, tạp chất càng làm cho hệ hô hấp bị kích thích, gây khó thở, khó chịu hơn.
"Nếu tiếp xúc lâu dài, bệnh diễn biến phức tạp, gây các bệnh phổi mạn tính", bác sĩ Hoàn nói.
Sương mù trên đường Thanh Niên. Ảnh: Ngọc Thành
Để phòng bệnh trong mùa nồm ẩm, bác sĩ khuyến cáo mọi người nên giữ gìn vệ sinh môi trường sống và nâng cao sức đề kháng. Nên duy trì chế độ sinh hoạt khoa học, ngủ đúng giờ và đủ giấc, tập thể dục mỗi ngày. Đeo khẩu trang khi ra ngoài. Tiêm phòng đầy đủ.
Người già và trẻ nhỏ cần chú ý chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học, cân bằng và đầy đủ các dưỡng chất, vi chất, vitamin cần thiết. Ăn chín, uống sôi để tránh mắc các bệnh về đường tiêu hóa. Không ăn thực phẩm ôi thiu, mốc để tránh nhiễm khuẩn, giữ bát đũa sạch sẽ.
Nên sử dụng máy hút ẩm để tạo độ khô ráo hoặc bật điều hòa ở chế độ khô để giảm bớt độ ẩm, duy trì độ ẩm không khí ở mức 40 - 60% là tốt nhất. Quần áo cần được sấy thật khô để tránh tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển.
Lau sàn nhà, cửa kính thường xuyên để tránh ẩm ướt và trơn trượt. Hạn chế mở cửa để không khí ẩm nồm có thể vào nhà. Tuyệt đối không lơ là, chủ quan khi có biểu hiện bệnh.
Tin nổi bật
- Nhiều người đi khám sức khỏe mới phát hiện bị bệnh tâm thần
05/07/2024 - 10:54:06
- Thanh niên suýt mất mạng vì ngộ độc thuốc diệt chuột
04/07/2024 - 10:12:39
- Đau bụng đi khám bác sĩ, bàng hoàng phát hiện sán não ký sinh khắp cơ thể
04/07/2024 - 10:00:07
- Bộ Y tế và UNCEF trao đổi thúc đẩy tiếp tục hợp tác về chăm sóc sức khoẻ nhân dân
04/07/2024 - 09:56:36
- Trích rạch vết thương do vỡ hạt tophi sau biến chứng của bệnh gout, cụ ông bị nhiễm trùng nặng
04/07/2024 - 09:52:37
- Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm ông Nguyễn Toàn Thắng giữ chức Phó Chánh Văn phòng Bộ
04/07/2024 - 09:50:03