Cứu thành công cụ bà bị u ruột non hiếm gặp
Sau khi được phẫu thuật cắt khối u, nối 2 đoạn ruột thành công, sức khỏe của bệnh nhân lớn tuổi đã ổn định lại.
Tin từ bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai cho biết, các bác sĩ tại bệnh viện này vừa phẫu thuật cắt thành công khối u ở ruột non cho một bệnh nhân lớn tuổi.
Sau nhiều ngày được bác sĩ theo dõi, điều trị, sức khỏe bệnh nhân này đã ổn định, da dẻ hồng hào, ăn uống bình thường và chuẩn bị được xuất viện.
Phim thể hiện khối u hiếm gặp của bà H
Trước đó vào ngày 14/1, bà N.T.H. (68 tuổi, ngụ tỉnh Đắk Lắk) được người nhà đưa đến bệnh viện trong tình trạng thể trạng kém, suy kiệt cơ thể, gầy gò, xanh xao, vùng bụng thường xuyên bị đau. Sau khi thăm khám, bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị tắc ruột nên đã cho bệnh nhân chụp CT để chẩn đoán chính xác hơn tình trạng bệnh.
Qua phim, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân này có một khối u trong ruột non (lớn bằng trái chanh) gây ra chứng lồng ruột. Và khối u này chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đoạn ruột trên tống vào đoạn ruột dưới, khiến 2 đoạn ruột lồng vào nhau.
Bác sĩ Trần Ngọc Lưỡng, khoa Ngoại tổng quát cho biết: “Hiện tượng lồng ruột do u ruột non dẫn đến gây tắc ruột rất hiếm gặp ở người lớn, tỉ lệ chỉ chiếm 1-5%. Thường khi lồng ruột gây tắc ruột do u ruột non là phải mổ, không thể dùng phương pháp khác, vì vậy, ê-kíp quyết định mổ cấp cứu cho bệnh nhân. Khoảng 2 giờ sau khi nhập viện, bệnh nhân này đã được các bác sĩ tiến hành mổ và ca mổ kéo dài khoảng hơn 2 giờ đồng hồ. Với ca mổ này, chúng tôi gặp một khó khăn đó là đã xác định bệnh nhân có khối u ở ruột non, một đoạn ruột bị lồng nên bắt buộc phải cắt đoạn ruột này".
Hiện sức khỏe bà H. đã ổn định trở lại.
Bác sĩ Lưỡng cho biết thêm: "Tuy nhiên thể trạng của bệnh nhân rất gầy, suy kiệt nặng và những chỉ số cơ thể rất thấp ê-kíp mổ lo sợ quá trình sau mổ khó lành vết thương,... Vì vậy, ê-kíp mổ đã phải suy nghĩ phương án tối ưu, tốt nhất cho bệnh nhân. Cuối cùng, ê-kíp mổ chọn phương án phẫu thuật mà mức độ xâm lấn tối thiểu còn can thiệp tối đa. Ca phẫu thuật đã thành công, sau phẫu thuật, các bác sĩ chú trọng vấn đề dinh dưỡng rất kỹ cho bệnh nhân và đến nay sức khỏe bệnh nhân đã ổn định lại”.
Cũng theo bác sĩ Lưỡng, đây là một dạng u hiếm gặp nên rất khó tầm soát. Đến khi các triệu chứng rõ rệt, khối u đã lớn, rất nguy hiểm. Và nếu để lâu, không phát hiện có thể dẫn đến bị viêm, nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, bác sĩ Lưỡng khuyến cáo bệnh nhân khi gặp tình trạng tương tự cần đến ngay cơ sở y tế để sớm phát hiện bệnh và can thiệp kịp thời.
Trong khi đó, bệnh nhân cho biết khoảng 1 năm trở lại đây bà thường xuyên bị đau bụng liên tục và cơn đau kéo dài. Mỗi lần bị đau bà thường đến các cơ sở y tế gần nhà để khám và lấy thuốc. Sau khi được bác sĩ cho thuốc giảm đau, cơn đau của bà có thuyên giảm nhưng sau đó liên tục tái phát. Sợ bệnh nặng, bệnh nhân này cũng nhiều lần đến bệnh viện lớn để thăm khám nhưng vẫn không tìm ra nguyên nhân.
“Bị đau bụng trong thời gian dài khiến tôi không thể ăn uống, cơ thể rất mệt mỏi, sụt cân từ 45kg còn 37kg, gầy gò, xanh xao”, bệnh nhân cho biết.
Nguyễn Nhâm
Tin nổi bật
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Thường xuyên ợ nóng là biểu hiệu của bệnh gì?
22/01/2024 - 11:05:39
- Cách giảm đầy hơi, chướng bụng
05/07/2023 - 16:13:34
- 6 thói quen tốt buổi sáng giúp cải thiện đường ruột
01/04/2023 - 10:23:02
- Phòng ngừa hội chứng ruột kích thích
15/02/2023 - 10:35:50