Nguy cơ dịch bệnh từ nhập cảnh trái phép: Kiểm tra kỹ cơ sở lưu trú
Hàng chục người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vừa bị lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng phát hiện, đưa đi cách ly.
Những ngày qua, rất nhiều lo lắng chung của dư luận trước nguy cơ lây lan dịch bệnh và lên tiếng cảnh báo nếu xuất hiện sự thờ ơ, chủ quan từ nhiều phía.
4 ngày mới lộ: quản lý có lỏng lẻo?
Ngày 21-7, bác sĩ Trương Xuân Hùng, trưởng phòng kế hoạch - tổng hợp Bệnh viện 199 (Bộ Công an, đóng tại Đà Nẵng), xác nhận đã tiếp nhận, cách ly 5 người Trung Quốc không rõ lý lịch dịch tễ do Công an Đà Nẵng chuyển đến cách đây 7 ngày.
"Chúng tôi vẫn chưa rõ 5 người này vào Việt Nam theo đường hợp pháp hay không vì vụ việc đang được Công an Đà Nẵng điều tra. Tuy nhiên vì chưa rõ lịch sử dịch tễ của họ, nên theo quy định vẫn phải cách ly đầy đủ 14 ngày" - bác sĩ Hùng nói.
Về 21 khách Trung Quốc trú tại một biệt thự du lịch ở phường Điện Dương, Điện Bàn (Quảng Nam), ông Nguyễn Văn Tuấn - phó chủ tịch UBND phường Điện Dương - cho biết qua thông tin ban đầu, nhóm du khách này đến đây lưu trú từ ngày 14-7, tính tới thời điểm bị tạm giữ là 4 ngày.
Ông Tuấn cho biết để xảy ra vụ việc này trách nhiệm là chủ cơ sở lưu trú vì đã không khai báo cho công an những người khách đến lưu trú. Hiện Công an thị xã Điện Bàn đang hoàn chỉnh hồ sơ để trình UBND thị xã ra quyết định xử phạt chủ khu lưu trú này với mức tột khung vì đã chứa chấp những người (đặc biệt là khách nước ngoài) tạm trú mà không có giấy tờ tùy thân, không khai báo.
Ông Nguyễn Xuân Hà - phó chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn - cũng cho biết hành vi đón, cho khách nước ngoài lưu trú mà không khai báo cơ quan chức năng của chủ biệt thự này sẽ bị xử lý nghiêm.
Trả lời câu hỏi nhóm khách đã lưu trú gần 4 ngày mới bị phát hiện, có phải việc quản lý địa bàn lỏng lẻo? Ông Hà cho rằng cho dù ở một hay bao nhiêu ngày đi nữa, trước tiên trách nhiệm thuộc về chủ cơ sở lưu trú, bởi họ không đăng ký tạm trú tạm vắng cho khách.
Chính quyền địa phương cũng phải xem lại trách nhiệm của mình, cần phải xem xét lại toàn bộ hồ sơ vụ việc, mức độ đến đâu thì xử lý đến đó. Ông Hà cũng thừa nhận may mà nhóm người này bước đầu âm tính với COVID-19 chứ không thì rất nguy hiểm.
"Thị xã đã chỉ đạo các địa phương rà soát toàn bộ những khu lưu trú, tăng cường công tác quản lý địa bàn" - ông Hà nói thêm.
Đưa người nhập cảnh trái phép
Tối 21-7, Công an TP Đà Nẵng đã có thông tin chính thức về vụ việc người nước ngoài vi phạm pháp luật trên địa bàn TP. Theo đó, ngày 11-7 Công an Đà Nẵng tiến hành kiểm tra hành chính tại 39 Dương Tử Giang (Khuê Mỹ, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng).
Qua kiểm tra phát hiện 4 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép và khởi tố vụ án này. Cũng theo Công an Đà Nẵng, ngày 16-7 Công an Đà Nẵng đã kiểm tra hành chính khách sạn East Sea (đường Loseby, Sơn Trà, Đà Nẵng) và phát hiện tiếp 27 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, hiện Công an Đà Nẵng đang phối hợp cùng các đơn vị chức năng xác minh làm rõ. Về thông tin bắt giữ 3 người liên quan vụ án, phía Công an Đà Nẵng chưa xác nhận việc này.
Phân tích về số lượng lớn người Trung Quốc lưu trú cùng lúc, thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng - giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam - cho biết thông tin ban đầu nhóm người này khai đi bằng đường bộ, đường mòn, lối mở, việc kiểm soát biên giới thế nào thì cơ quan chức năng kiểm tra lại.
Trong tổng số 21 người có đến 17 người không có giấy tờ tùy thân, có khả năng có đường dây để đưa những người này vào đây trái phép, nhiều mục đích khác nhau. "Khả năng có bọn đầu nậu vì nhóm người trên bị giữ hết hộ chiếu nên nghi vấn chắc có một nhóm đối tượng đứng ra tổ chức đưa những người này vào Việt Nam, chứ nếu đi lẻ tẻ không thể tụ tập nhau như thế" - thiếu tướng Dũng nhận định.
Theo thiếu tướng Dũng, do Đà Nẵng cũng có một nhóm người được phát hiện lưu trú (vụ 27 người nói trên - PV) nên công an tỉnh đang phối hợp với Công an Đà Nẵng kiểm tra, xác minh. "Qua làm việc, do khác biệt về ngôn ngữ với những người Trung Quốc này, họ cũng trình bày "nhỏ giọt", cái này cần phải có thời gian" - thiếu tướng Dũng nói thêm.
Trong khi đó, tính đến thời điểm này, lực lượng biên phòng tỉnh An Giang đã bắt được 77 vụ xuất, nhập cảnh trái phép liên quan đến hơn 300 người. Trong đó, từ Campuchia nhập cảnh trái phép trên 20 người, Trung Quốc gần 30 người, số còn lại là người Việt Nam.
Mới nhất, trung tá Trần Hòa Hiệp - đồn trưởng đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (Bộ đội biên phòng tỉnh An Giang) - cho biết đơn vị vừa bắt giữ 2 vụ nhập cảnh trái phép từ Campuchia về Việt Nam, đưa 4 người đi cách ly vào ngày 20-7.
Đại tá Trần Quốc Khánh - phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh An Giang - cho biết dù tình hình dịch COVID-19 trong nước được kiểm soát tốt nhưng các quốc gia láng giềng dịch bệnh vẫn còn phức tạp, do vậy lực lượng biên phòng An Giang vẫn túc trực kiểm soát gắt gao việc nhập cảnh.
"Hiện tại chúng tôi vẫn duy trì 136 tổ, chốt công tác ven biên giới Việt Nam - Campuchia để chốt chặn các đường mòn không cho xuất nhập cảnh để phòng chống dịch COVID-19 và thực hiện luôn nhiệm vụ chống buôn lậu từ đầu mùa dịch đến nay" - đại tá Khánh thông tin.
Hành vi nguy hiểm
Hành vi nhập cảnh trái phép vào Việt Nam là hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay thì hành vi này càng nguy hiểm và cần phải được lên án. Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, hành vi nhập cảnh trái phép vào Việt Nam tùy theo tính chất và mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Lê Cao (giám đốc Công ty luật FDVN)
* Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên:
Thắt chặt tuần tra biên giới, kiểm tra cơ sở lưu trú
Bên lề hội nghị giao ban công tác phòng chống các bệnh truyền nhiễm 6 tháng đầu năm được tổ chức sáng 21-7 tại Đắk Lắk, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định để phòng chống dịch hiệu quả, trong đó có phòng chống dịch COVID-19 xâm nhập, cần triển khai đồng bộ các giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra. Trong đó, một trong các biện pháp cấp bách là phải thắt chặt tuần tra biên giới, kiểm tra kỹ các cơ sở lưu trú tại các địa phương...
Theo yêu cầu của Thủ tướng, các công dân, kiều bào, người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam được tổ chức cách ly đủ 14 ngày. Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 đã nhấn mạnh phải khóa chặt dịch ở bên ngoài, ở bên trong phải phát hiện sớm, khoanh vùng, cách ly dập dịch và điều trị kịp thời.
Sự việc một số người Trung Quốc vừa qua "lọt" khỏi các khâu kiểm tra và đến một số nơi ở Đà Nẵng, Quảng Nam rồi mới bị phát hiện, tổ chức xét nghiệm, cách ly là hết sức đáng tiếc.
Vì thế cần tiếp tục kiểm soát chặt các đường mòn, lối mở dọc biên giới, thực hiện tốt công tác quản lý hành chính, đặc biệt là quản lý về tạm trú, lưu trú. Các cơ sở tạm trú, lưu trú phải đăng ký người đến tạm trú, lưu trú với chính quyền địa phương, đồng thời khai báo đầy đủ.
Khi có những người nhập cảnh từ nước ngoài vào mà chưa có sự kiểm soát của y tế thì các cấp chính quyền địa phương khi nhận được báo cáo của các cơ sở lưu trú, tạm trú thì phải đến kiểm tra và bắt buộc những người nước ngoài vừa nhập cảnh này phải đến các cơ sở cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm để đảm bảo phòng dịch.
TRUNG TÂN
Link nguồn:
Theo tuoitre.vn
Tin nổi bật
- TPHCM: Phát hiện một công ty quảng cáo cung cấp dịch vụ truyền nước biển tại nhà trái phép
05/07/2024 - 10:58:42
- Thêm 2 ca tai biến thẩm mỹ, Bệnh viện Korea Star - Sao Hàn phải dừng hoạt động phẫu thuật
20/06/2024 - 10:55:38
- 'Loạn' hoạt động thẩm mỹ trái phép tại Quảng Bình
20/06/2024 - 10:00:35
- Thanh Hóa: Mập mờ tên gọi Phòng khám Đa khoa Hà Thành, 'ship' bệnh nhân đến cơ sở không phép khám bệnh
12/06/2024 - 10:35:47
- Phòng khám ngoại khoa Kinhealth - Địa chỉ “vàng” cho bệnh nhân bệnh trĩ, rò hậu môn
11/06/2024 - 16:48:20
- Xử lý ‘Viện phục hồi giãn tĩnh mạch Top 1 châu Âu” hoạt động trái phép ở quận 7
24/04/2024 - 11:05:38