Cha mẹ nên biết: Những bệnh 'người lớn' nhưng trẻ em cũng có thể mắc
Cao huyết áp, loãng xương, tiểu đường type 2, đột quỵ… là những bệnh thường gặp ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, trẻ em vẫn có nguy cơ mắc các bệnh này.
Trang tin tức y tế WebMD cảnh báo những bệnh hay gặp ở người lớn tuổi mà trẻ em cũng có thể mắc phải:
Cao huyết áp
Tình trạng béo phì có thể gây ra chứng tăng huyết áp ở trẻ em, nguy hiểm ở chỗ nó thường không đi kèm triệu chứng. Cha mẹ nên kiểm tra huyết áp thường kỳ cho trẻ, vì nếu không được điều trị, chứng tăng huyết áp có thể dẫn đến bệnh tim hoặc đột quỵ.
Để kiểm soát tăng huyết áp, cần cho trẻ giảm cân, tập thể dục và giảm lượng muối có trong thức ăn hằng ngày.
Loãng xương
Loãng xương thường được biết đến là căn bệnh phổ biến ở phụ nữ lớn tuổi, tuy nhiên trẻ em đôi khi cũng mắc tình trạng này.
Có nhiều nguyên nhân như do bệnh tật hoặc tác dụng phụ của thuốc (steroid, thuốc điều trị ung thư), thiếu canxi, vitamin D, ít hoạt động thể chất hoặc thậm chí là do trẻ đang trong quá trình lớn lên. Loãng xương khiến trẻ dễ bị đau khi đi lại hoặc xương dễ gãy hơn.
Tiểu đường type 2
Tiểu đường type 2 thường gặp ở người lớn tuổi, nhưng trong những năm gần đây bệnh có xu hướng "trẻ hóa". Cụ thể, ngày càng có nhiều trẻ em mắc bệnh này.
Béo phì ở trẻ em được xác định là một trong những nguyên nhân gây ra tiểu đường ở trẻ. Để có thể kiểm soát lượng đường trong máu, trẻ cần ăn những thức ăn lành mạnh và tập thể dục thường xuyên.
Cholesterol cao
Thói quen ăn uống không lành mạnh ở trẻ có thể gây tình trạng cholesterol cao, đặc biệt nguy cơ này tăng khi trẻ cùng lúc mắc bệnh tiểu đường hoặc gia đình có tiền sử cholesterol cao. Nhóm tuổi có nguy cơ cao là từ 9-11, các chuyên gia khuyên trẻ em nhóm này nên thường xuyên được kiểm tra cholesterol.
Bệnh gan nhiễm mỡ
Trẻ em nên giữ cân nặng ở mức bình thường thông qua chế độ ăn uống hợp lý và hoạt động thể chất thường xuyên, vì béo phì ở trẻ có liên quan đến nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ. Ngoài ra, bệnh có thể xuất phát từ một số lý do khác như bệnh lý mạn tính, di truyền, thuốc, thực phẩm…
Chứng ngưng thở lúc ngủ
Những trẻ em béo phì có thể ngáy và ngưng thở trong khi ngủ. Tuy nhiên, nguyên nhân chính gây chứng ngưng thở ở trẻ là do tình trạng phì đại aminđan. Trẻ cần phẫu thuật amiđan để khắc phục bệnh này, hoặc nếu không, trẻ cần phải giảm cân hoặc sử dụng máy thở.
Đột quỵ
Hầu hết các vụ đột quỵ xảy ra với người lớn tuổi, tuy nhiên trẻ em vẫn có nguy cơ. Nghiêm trọng hơn, dấu hiệu đột quỵ ở trẻ thường mơ hồ, dễ nhầm với các bệnh khác: co giật, mất ý thức ngắn hạn, hành động vụng về…
Sỏi thận
Việc thường xuyên uống nước ngọt có ga và chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt không hợp lý có thể gây ra bệnh sỏi thận ở trẻ, vốn nhiều người cho rằng không xảy ra ở trẻ em.
Trên thực tế, gần đây số trẻ mắc bệnh này ngày càng tăng cao gây ra tình trạng đau đớn, cũng có thể do trẻ có vấn đề về đường tiết niệu. Cha mẹ nên khuyên con uống nhiều nước và tránh nêm nhiều muối trong bữa ăn hằng ngày của trẻ.
Sỏi mật
Đến nay, nguyên nhân gây ra sỏi mật ở trẻ em vẫn chưa rõ ràng, có thể bởi rối loạn tế bào hồng cầu do di truyền, béo phì, gia đình có tiền sử mắc sỏi mật, dùng nhiều thuốc, suy thận, nhịn ăn kéo dài và sụt cân mạnh…
Sỏi mật thường gây đau bụng nghiêm trọng sau khi ăn, vì vậy nếu trẻ đau và kèm theo buồn nôn, sốt hoặc da hay mắt có màu hơi vàng thì cha mẹ cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế.
Bệnh tăng nhãn áp
Bệnh tăng nhãn áp là nguyên nhân chính gây mù lòa, thường gặp ở người lớn, tuy nhiên vẫn có thể xảy ra với trẻ em. Trẻ mắc tăng nhãn áp nhạy cảm với ánh sáng hoặc có lượng nước mắt bất thường, có thể điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật để bảo vệ thị lực.
Làm sao giúp trẻ phòng bệnh?
Có thể thấy, việc cho trẻ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh cùng với tập thể dục thể thao thường xuyên sẽ giúp giảm nguy cơ mắc rất nhiều căn bệnh nguy hiểm. Và trên thực tế, việc tập thể dục có những lợi ích quan trọng với con người ở bất kỳ độ tuổi nào, đặc biệt là có thể kéo dài tuổi thọ.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Brigham Young (Mỹ) đã xem xét các mẫu ADN của gần 6.000 người trưởng thành để đo độ dài một thành phần gọi là telomere có liên quan đến quá trình lão hóa. Kết quả cho thấy những người có cường độ hoạt động thể chất cao hơn có telomere dài hơn, đồng nghĩa với việc trẻ hơn. Theo tính toán, những người tập thể dục sẽ có "tuổi sinh học" trẻ hơn khoảng 9 tuổi.
Gần đây, một nghiên cứu khác cho thấy người ở độ tuổi 70 thường xuyên tập thể dục sẽ có tim, phổi và cơ bắp tương đương độ tuổi 40, tức là trẻ hơn đến 30 tuổi.
LÊ CHUNG
Link nguồn:
Theo tuoitre.vn
Tin nổi bật
- TPHCM: Phát hiện một công ty quảng cáo cung cấp dịch vụ truyền nước biển tại nhà trái phép
05/07/2024 - 10:58:42
- Thêm 2 ca tai biến thẩm mỹ, Bệnh viện Korea Star - Sao Hàn phải dừng hoạt động phẫu thuật
20/06/2024 - 10:55:38
- 'Loạn' hoạt động thẩm mỹ trái phép tại Quảng Bình
20/06/2024 - 10:00:35
- Thanh Hóa: Mập mờ tên gọi Phòng khám Đa khoa Hà Thành, 'ship' bệnh nhân đến cơ sở không phép khám bệnh
12/06/2024 - 10:35:47
- Phòng khám ngoại khoa Kinhealth - Địa chỉ “vàng” cho bệnh nhân bệnh trĩ, rò hậu môn
11/06/2024 - 16:48:20
- Xử lý ‘Viện phục hồi giãn tĩnh mạch Top 1 châu Âu” hoạt động trái phép ở quận 7
24/04/2024 - 11:05:38