Chuyên gia cảnh báo, Việt Nam chỉ còn 18 năm dân số vàng
Việt Nam là một trong những nước già hoá dân số nhanh nhất thế giới, theo tính toán đến năm 2038 sẽ hết thời kỳ dân số vàng.
Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu tác động đến kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia. Trong tình hình hiện nay, công tác dân số của Việt Nam đặt ra nhiều thách thức mới, nhất là khi tỉ lệ sinh ngày cảm giảm, tỉ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn còn cao, tốc độ già hoá dân số nhanh...
Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế cho biết, từ 2017, Việt Nam đã chuyển mạnh trọng tâm từ dân số kế hoạch hoá sang dân số và phát triển nhưng đến nay, chưa nhiều địa phương thực sự quan tâm đến công tác này.
Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình
Ông Tú cho biết, từ 2007, Việt Nam bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng, khi nhóm từ 14-60 tuổi chiếm trên 2/3 và đến năm 2019, tỉ lệ này xấp xỉ 70%, tương đương hơn 67 triệu người.
Đây là cơ hội vàng để phát triển kinh tế, xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới với lực lượng lao động trẻ dồi dào.
Tuy nhiên, ngay từ năm 2011, Việt Nam đã bắt đầu bước vào già hoá dân số khi tỉ lệ người trên 65 tuổi chiếm 7%. Nếu tỉ lệ này đạt 14%, sẽ bước sang giai đoạn dân số già và nếu chiếm 21% là dân số siêu già, trên 30% là siêu siêu già.
Theo ông Tú, năm 2011, tỉ lệ người trên 60 tuổi tại Việt Nam chỉ chiếm chưa tới 10% thì đến 2018 đã tăng lên 11,95%. Năm 2019, tỉ lệ này tiếp tục chạm mốc 14%, trong đó người trên 65 tuổi xấp xỉ 8%.
“Các mô hình tính toán cho thấy, nếu không có các chính sách can thiệp, đến năm 2038, tỉ lệ người trên 60 tuổi ở nước ta sẽ tăng lên trên 20%, tương đương 21 triệu người, trong đó người trên 65 tuổi chiếm trên 14%. Khi đó, Việt Nam chính thức bước sang giai đoạn dân số già”, ông Tú thông tin.
Đến năm 2049, tỉ lệ người cao tuổi có sẽ chiếm khoảng 25% dân số, tức là cứ 4 người dân có một người cao tuổi.
Như vậy, Việt Nam chuyển từ thời kỳ dân số vàng sang dân số già chỉ mất hơn 30 năm, trong khi các nước có nền kinh tế phát triển mất nhiều thập kỷ, chậm chí hàng thế kỷ để chuyển sang giai đoạn dân số già.
Đơn cử, Pháp mất 115 năm, Thuỵ Điển 85 năm, Australia 73 năm, Mỹ 69 năm, Canada 65 năm... các nước châu Âu trung bình từ 50 – 70 năm.
Trong 10 năm qua, tháp dân số Việt Nam có sự thay đổi lớn ở phần đỉnh tháp khi nhóm trên 60 tuổi ngày càng tăng
Do thời kỳ dân số vàng kéo dài, các nước đã tận dụng rất tốt giai đoạn này để phát triển kinh tế. Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… đều có nền kinh tế “thần kỳ” trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng.
“Dân số già là đặc trưng của các nước phát triển trong khi Việt Nam mới đang phát triển nên rất nhiều chuyên gia lo ngại chúng ta chưa giàu đã nghèo, khi đó kéo theo rất nhiều hậu quả kinh tế xã hội”, ông Tú cảnh báo.
Già hóa dân số sẽ tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội bao gồm: Thị trường lao động, tài chính, nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ, giáo dục, an sinh
xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi...
Trước mắt, để có thể kéo dài thời gian dân số vàng, ông Tú cho biết cần duy trì mức sinh thay thế 2,1 con càng lâu càng tốt, điều này Việt Nam đã làm tốt và duy trì 13 năm qua.
Tuy nhiên hiện nay, có tới 21 tỉnh đang có mức sinh dưới 2 con, đặc biệt khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong 5 năm qua, tỉ suất sinh của TP.HCM chỉ đạt 1,35 con, Đồng Tháp 1,55, Vũng Tàu 1,57…
Vì vậy mới đây, Thủ tướng đã ra quyết định 588 yêu cầu điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030.
Trong 5 năm tới, sẽ điều chỉnh giảm 10% tổng tỉ suất sinh ở 33 tỉnh có tỉ suất sinh cao, tăng 10% ở 21 tỉnh có mức sinh thấp và duy trì mức sinh thay thế ở 9 tỉnh còn lại.
Nếu điều chỉnh tốt, Việt Nam sẽ có khoảng 104 -105 triệu người vào năm 2030 sau đó sẽ lên hoặc xuống tùy theo kết quả can thiệp trong 10 năm tới.
Dù vậy, ông Tú thừa nhận, các can thiệp về dân số không hề dễ dàng. Thực tế cho thấy, chưa nước nào trên thế giới thành công trong việc đưa mức sinh giảm sâu tăng trở lại, bài học từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Sigapore, Thái Lan…
Hiện tại, kinh phí dành cho công tác dân số những năm gần đây cũng liên tục giảm, năm 2020 chỉ còn 30% so với những năm trước. Do đó, các địa phương phải nhận thức được tầm quan trọng của công tác dân số trong tình hình mới để có kế hoạch can thiệp, điều chỉnh.
Theo ông Tú, Hà Nội, TP.HCM là 2 địa phương đang có rất nhiều hoạt động can thiệp để nâng cao quy mô cũng như chất lượng dân số.
Thúy Hạnh
Link nguồn:
Theo vietnamnet.vn
Tin nổi bật
- TPHCM: Phát hiện một công ty quảng cáo cung cấp dịch vụ truyền nước biển tại nhà trái phép
05/07/2024 - 10:58:42
- Thêm 2 ca tai biến thẩm mỹ, Bệnh viện Korea Star - Sao Hàn phải dừng hoạt động phẫu thuật
20/06/2024 - 10:55:38
- 'Loạn' hoạt động thẩm mỹ trái phép tại Quảng Bình
20/06/2024 - 10:00:35
- Thanh Hóa: Mập mờ tên gọi Phòng khám Đa khoa Hà Thành, 'ship' bệnh nhân đến cơ sở không phép khám bệnh
12/06/2024 - 10:35:47
- Phòng khám ngoại khoa Kinhealth - Địa chỉ “vàng” cho bệnh nhân bệnh trĩ, rò hậu môn
11/06/2024 - 16:48:20
- Xử lý ‘Viện phục hồi giãn tĩnh mạch Top 1 châu Âu” hoạt động trái phép ở quận 7
24/04/2024 - 11:05:38