Chủ tịch Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam: Sâu răng có thể gây biến chứng toàn thân!
Các ổ tiềm tàng do viêm quanh răng, sâu răng trong khoang miệng có thể gây biến chứng toàn thân như viêm nội tâm mạc, viêm cầu thận, khớp, rối loạn tiêu hóa, hô hấp, ảnh hưởng đến sức khỏe, thể chất, giống nòi nên cần phải quan tâm chữa trị và dự phòng…
Đây là thông điệp mà TTND, Giáo sư Trịnh Đình Hải, Chủ tịch Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội nhấn mạnh khi trao đổi với VnMedia nhân Ngày sức khỏe răng miệng thế giới (20/3), vừa được tổ chức sáng nay.
- Thưa Giáo sư, xin ông biết tình trạng sức khỏe răng miệng của Việt Nam nói chung hiện nay như thế nào?
Việt Nam hiện có trên 90% người có bệnh về răng miệng, trong đó khoảng trên 85% trẻ em 6-8 tuổi có sâu răng sữa, còn sâu răng vĩnh viễn gia tăng theo tuổi. Ở người cao tuổi và người trưởng thành, có trên 80% người có sâu răng vĩnh viễn; trên 60% trẻ em và trên 80% người lớn có viêm lợi, viêm quanh lợi, viêm quanh răng, trên 30% người trưởng thành trở lên có túi mủ bệnh lý quanh chân răng, làm cho răng lung lay và đây cũng là ổ nhiễm khuẩn lớn.
Ngoài ra, còn tỷ lệ rất cao (trên 80%) thanh thiếu niên bị lệch lạc răng cần nắn chỉnh. Trong khi đó, tỷ lệ ung thư vùng miệng cũng thường gặp tại các cơ sở khám chữa bệnh về răng hàm mặt. Cùng với đó là mỗi năm có hàng ngàn trẻ bị khuyết tật hở môi vòm miệng được sinh ra.
Đáng chú ý, cách đây khoảng hơn chục năm, có một điều tra về chăm sóc sức khỏe răng miệng trên toàn quốc thì cho thấy, có một tỷ lệ khá cao không quan tâm đến răng miệng, một tỷ lệ đáng kể người không chải răng và tỷ lệ rất cao những cộng đồng từ bé đến thời điểm đó chưa từng đến bệnh viện hay cơ sở y tế nào để khám răng. Tuy nhiên, trong những năm qua, thì tình hình này đã cải thiện đáng kể.
- Các bệnh về răng miệng gây nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào, thưa Giáo sư?
- Vậy giải pháp mà ngành răng hàm mặt Việt nam nói chung và bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội nói riêng đang triển khai là gì, thưa Viện trưởng?
Phải nói thật là đối với cộng đồng, không thể nào mà có thể khám chữa theo nhu cầu của toàn cộng đồng được. Ngay cả trên thế giới, ở các nước giàu có cũng không đủ nhân lực, điều kiện để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho toàn dân được. Chính vì vậy, quan trọng nhất là phải quan tâm đến dự phòng, dự phòng ngay từ lứa tuổi trẻ em. Nếu dự phòng tốt thì trẻ em có thể giữ được hàm răng tốt suốt đời, giảm được gánh nặng y tế cho gia đình và xã hội.
Trong mấy thập niên vừa qua, bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội và ngành răng hàm mặt Việt Nam đã rất quan tâm đến chương trình dự phòng bệnh răng miệng cho trẻ em. Chúng tôi triển khai chương trình nha học đường ở hầu hết 63 tỉnh thành trong cả nước. Chăm sóc răng miệng ban đầu cho trẻ em học đường rất tốt và bên cạnh đó có tuyên truyền chăm sóc răng miệng cho cộng đồng, nhất là vào dịp 20/3 – ngày sức khỏe răng miệng thế giới, phát động tháng chăm sóc sức khỏe răng miệng cho trẻ em và cộng đồng.
Ngay đợt này, cũng đã có hơn 30 cơ sở răng hàm mặt ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Huế và các tỉnh khác đăng ký khám, chữa và tuyên truyền chăm sóc sức khỏe răng miệng, có nơi tổ chức một tuần, có nơi tổ chức một tháng. Tại bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội cũng có nhiều khoa phòng đăng ký khám, tư vấn trong một tháng. Ngày hôm qua, Bệnh viện cũng tổ chức cho nhiều y bác sĩ đến các trường tiểu học ở Vĩnh Phúc, Hà Nội và một số địa điểm để khám và điều trị cho trẻ em ngay tại trường học.
- Có một băn khoăn là, với nỗ lực rất lớn của ngành Răng Hàm Mặt cũng như nhận thức của người dân về bệnh răng miệng đã được nâng cao trong các năm qua, nhưng tỷ lệ mắc bệnh về răng miệng ở Việt Nam vẫn còn rất cao, vậy đâu là lý do, thưa Giáo sư?
Những năm qua, các yếu tố nguy cơ sâu răng gia tăng rất nhanh. Yếu tố nguy cơ cao nhất liên quan đến sâu răng là đường. Mức tiêu thụ đường ở quốc gia liên quan mật thiết đến sâu răng. Nếu đất nước nào dùng nhiều đường thì tỷ lệ sâu răng rất cao. Ở Việt Nam, thời bao cấp, mức tiêu thụ đường rất thấp. Năm 1990, số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy trung bình một người tiêu thụ khoảng 6kg đường/năm. Đến năm 2000 tăng lên 13kg đường/năm và đến nay phải trên 20kg đường/người/năm.
Điểm thứ hai là yếu tố vi lượng trong nước uống hàng ngày (chất flour), nếu thiếu thì sẽ không bảo vệ được men răng trước các yếu tố tấn công gây sâu răng. Khi ta ăn các nhóm glucid, thức ăn còn sót ở mặt răng hay kẽ chân răng sẽ chuyển hóa thành acid, nếu độ PH xuống dưới 5,5 là có thể hủy khoáng ở men răng, gây ra lỗ sâu. Nếu được cung cấp đủ flour sẽ làm men răng cứng, trơ trong môi trường acid, khi đó, chẳng may có đánh răng không sạch hay sót thức ăn thì cũng không có nguy cơ hủy khoáng để tạo thành lỗ sâu…
- Việc trẻ được cha mẹ cho uống nhiều sữa, thậm chí có trẻ uống sữa thay nước có phải là một yếu tố nguy cơ gây sâu răng không, thưa ông?
Uống sữa tốt cho sức khỏe thể chất, và nếu đánh răng miệng tốt thì không sao, nhưng nếu uống sữa mà không đánh răng thì sẽ bị ảnh hưởng, cũng giống như khi ta ăn các loại thức ăn thuộc nhóm glucid, thức ăn có đường khác...
Do vậy, các bậc phụ huynh hãy hướng dẫn con em mình chải răng (ít nhất 2 lần một ngày, trong đó có 1 lần vào buổi tối trước khi đi ngủ); ăn chế độ có lợi cho răng miệng. Nếu ăn thức ăn có hại cho răng thì nên ăn đúng bữa để sau đó đánh răng thì mới kiểm soát được, còn nếu đánh răng xong mà ăn đường, socola thì không có tác dụng.
Một điều cũng rất quan trọng, đó là các bậc phụ huynh nên đưa con đến cơ sở nha khoa để khám định kỳ, phát hiện sớm, điều trị ngay giai đoạn đầu thì có thể giữ được hàm răng tốt.
- Xin cảm ơn Giáo sư về cuộc trao đổi.
Hoàng Hải
Tin nổi bật
- Gan nhiễm mỡ không do rượu là gì, ai dễ mắc?
19/02/2024 - 10:12:51
- Kỹ thuật stent mới giúp thông đường mật người phụ nữ
17/11/2022 - 11:33:33
- 4 lưu ý về viêm gan A
01/11/2022 - 09:39:52
- Cần phẫu thuật ruột thừa ngay khi bị viêm, ai cũng biết nhưng lại không hiểu
05/10/2022 - 10:36:25
- Phẫu thuật cho bé gái 1 ngày tuổi nghi có thai trong thai hiếm gặp
24/02/2021 - 09:46:46
- Nội soi lấy đoạn dị vật kim loại hình chữ V trong họng bé gái
29/12/2020 - 09:30:58