Công trình của PGS Hạ Kiến Khuê làm bùng nổ cuộc tranh cãi toàn cầu về áp dụng công nghệ gene trên người, đặc biệt là chỉnh sửa gene, với quan ngại về tôn giáo, đạo đức, pháp luật.
Công nghệ chỉnh sửa gene sử dụng công cụ CRISPR từng được tạp chí khoa học danh tiếng Science chọn là đột phá trong năm 2015. Sau đó nhiều nghiên cứu về chỉnh sửa gene đã được công bố áp dụng trên chuột như HIV, ung thư, bệnh Hungtinton, vi khuẩn E. coli, muỗi. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng việc chỉnh sửa gene trên người chỉ nên được chấp nhận trong điều kiện như sửa một căn bệnh khuyết tật hoặc gặp vấn đề y khoa nghiêm trọng.
Công nghệ chỉnh sửa gene kháng HIV trên người đang được giới khoa học quan tâm. Minh họa: NEXT.
PGS Trần Đăng Xuân, Trưởng phòng thí nghiệm Sinh lý Thực vật và Sinh hóa (Đại học Hiroshima, Nhật Bản) nêu quan điểm, việc chỉnh sửa gene hoặc các công nghệ gene áp dụng trên người, thậm chí ngay trên thực vật, cần được trải qua các bước kiểm tra an toàn hết sức cẩn thận.
Tại Nhật Bản, các nghiên cứu về vấn đề trên con người, kể cả từ mức tế bào, đều phải trải qua quá trình đăng ký và cam kết tuân theo các quy định đã được đặt ra.
"Hiện con người biết quá ít về sự tương tác giữa các gene (gene interaction) dù đã hoàn thành việc giải mã bộ gene người, cũng như của cây lúa. Nhưng để hiểu hết sự tương tác lẫn nhau của các gene là công việc phức tạp, đòi hỏi thời gian rất dài", PGS Xuân nói.
Ông Xuân ví von, như trong một lớp học có 30 học sinh, giáo viên biết hết ngày tháng năm sinh, lý lịch, mã số sinh viên, vị trí ngồi... nhưng mối tương tác và quan hệ riêng tư giữa các học sinh cùng lớp với nhau, hay với gia đình, họ hàng, bạn bè, mọi người trong xã hội... rất phức tạp và không thể biết ngay được.
Nhiều câu hỏi chưa có đáp án
Thực tế cho thấy, kỹ thuật gene chỉ thị phân tử (Marker Assisted Selection) đang áp dụng để lai giống cây trồng cho năng suất cao, khả năng chống bệnh tốt, phẩm chất ngon... cũng chỉ đạt một số kết quả tạm thời.
Lý do là các chỉ thị phân tử này dù liên quan các gene, hoặc các đoạn gene quy định tính trạng trên, thì vẫn chỉ là liên quan bề mặt. Sự tương tác bên trong của các tính trạng trên với các gene khác, không liên quan trực tiếp đến tính trạng được con người quan tâm, thì phần lớn chưa được biết đến.
Các nghiên cứu cũng chỉ rõ, một gene có thể quyết định một hoặc nhiều tính trạng, hoặc một tính trạng có thể được quyết định bởi nhiều gene, vì các gene trên cơ thể sống không hoạt động độc lập. Trên con người, sự tương tác này vô cùng phức tạp và con người còn biết được quá ít.
Trên cây trồng, gene được đưa vào qua chọn lọc phân tử thường tạo nên các tính trạng tạm thời, những tính trạng này sẽ mất dần phần lớn sau thời gian ngắn. Đây cũng là vấn đề đang làm các nhà khoa học đau đầu, chưa tìm được hết lý do.
Kỹ thuật chuyển gene trên thực vật, hoặc công nghệ sửa đổi gene tạo nên các tính trạng mới, phục vụ cho mục đích của con người trong một thời gian ngắn. Ngược lại, chọn lọc tự nhiên hoặc đột biến tự nhiên tạo nên các tính trạng mới cần thời gian dài, hàng trăm, thậm chí hàng triệu năm. Kết quả chỉ giữ lại các tính trạng có lợi cho sự tiến hóa của loài đó.
Hiện tại, bằng kỹ thuật chuyển gene, một số cây trồng như cải dầu, ngô, bông, đậu nành, bí, cà chua, lúa hạt vàng đã được một số nước trong đó có Mỹ sử dụng. Tuy nhiên việc sử dụng cây trồng biến đổi gene vẫn là đề tài tranh cãi của khoa học và quốc gia, với mối lo ngại gây ra ảnh hưởng đến môi trường, sự đa dạng sinh học và sức khỏe con người, tuy chưa có bằng chứng rõ ràng.
Về việc loại bỏ gene CCR5 để tạo cá thể con người miễn nhiễm với HIV, PGS Trần Đăng Xuân phân tích, không ai dám chắc gene CCR5 mất đi giúp ngăn ngừa HIV. Nhưng việc này chắc chắn sẽ tạo nên thay đổi quan trọng chưa thể biết hết trong cơ thể và bộ gene người - bộ gene vốn đang được coi là quá hoàn hảo.
Biết đâu sự mất đi CCR5, hoặc các gene khác có liên quan đến bệnh tật, lại dẫn đến "hậu họa" khác như sự tuyệt chủng, biến dị... và trước mắt làm thụt lùi sự tiến hóa của con người.
Tuy nhiên, PGS Xuân đồng tình với quan điểm của nhà khoa học Hạ Kiến Khuê rằng, việc chỉnh sửa gene áp dụng trên con người là việc tất yếu sẽ xảy ra, như lời ông Hạ tuyên bố: "Nếu tôi không làm sẽ có người khác làm".
Ông Hạ Kiến Khuê (giữa) tại hội nghị quốc tế lần thứ 2 về chỉnh sửa gene tại Hồng Kông ngày 28/11.
Việc làm mạo hiểm
PGS Xuân cho rằng chỉnh sửa gene trên người khi không kiểm chứng được tương tác của các gene thêm vào hoặc bị loại bỏ, là việc làm đầy mạo hiểm, cần sự can thiệp sớm của xã hội, luật pháp và cộng đồng khoa học quốc tế.
Ông lo ngại, nếu không kiểm soát sớm sẽ dẫn đến các hoạt động bí mật tạo ra người đột biến gene phục vụ lợi ích kinh tế, chính trị hoặc một nhóm cá nhân nào đó hơn là vì lợi ích toàn nhân loại.
Công bố của nhà khoa học Hạ Kiến Khuê bỏ qua các kiểm tra an toàn và áp dụng ngay trên con người đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có các quy định chặt chẽ trong việc áp dụng các kỹ thuật gene trên người.
Ông chia sẻ, không chỉ với công nghệ chỉnh sửa gene, các nhà khoa học trong tương lai gần thậm chí có thể tạo nên "siêu người nhân tạo" hay "Superman", điều vốn chỉ thấy trong các bộ phim. "Đột phá tìm ra bom nguyên tử, nếu sử dụng cho mục đích hòa bình thì rất tuyệt vời, nhưng nếu sử dụng cho chiến tranh thì thực sự sẽ là thảm họa của toàn nhân loại", ông kết luận.
PGS. TS Trần Đăng Xuân là nhà khoa học người Việt đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản. Ông có hơn 110 công trình đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế trong danh mục ISI và 130 bài trong danh mục Scopus, với điểm H-index là 24. Ông từng đoạt một số giải thưởng như Sao Tháng Giêng khi còn là sinh viên, đồng giải thưởng công trình xuất sắc nhất của Hội Khoa học Cỏ dại Nhật Bản năm 2010, giải thưởng Kusunoki của tỉnh Miyazaki, Nhật Bản năm 2008, giải thưởng nghiên cứu môi trường của Dầu mỏ Showa năm 2003. Đặc biệt trong hai năm liên tiếp 2017 và 2018, PGS. TS Xuân đã hai lần nhận giải thưởng Phoenix Outstanding Researcher Award dành cho các nhà khoa học trẻ dưới 45 tuổi của Đại học Hiroshima. Ông là một trong 100 nhà khoa học trẻ của Việt Nam tại nước ngoài tham gia chương trình Đổi mới Sáng tạo do Chính phủ Việt Nam, Bộ Khoa học Công nghệ, và Bộ Kế hoach Đầu tư tổ chức vào tháng 8/2018 tại Việt Nam. |
Thạc sĩ Trương Ngọc Minh