Ca mổ não thức tỉnh đầu tiên do bác sĩ Việt Nam thực hiện
Sau 2 ca mổ thức tỉnh bệnh nhân dưới hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài, các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức đã hoàn toàn làm chủ kỹ thuật.
Bệnh nhân 55 tuổi ở Quảng Bình được mổ ngày 22/3 tại Bệnh viện Việt Đức. Kíp mổ do phó giáo sư Đồng Văn Hệ, Trưởng Khoa Phẫu thuật thần kinh 1 cùng các bác sĩ của bệnh viện thực hiện. Đây là ca mổ thức tỉnh thứ 3 được tiến hành ở Việt Nam.
Đầu năm nay, bệnh nhân bị đau đầu, tê bì và yếu tay, kiểm tra tại bệnh viện ở Huế phát hiện khối u não. Sau đó, anh đến Bệnh viện Việt Đức khám lại và quyết định điều trị tại đây. Bác sĩ xác định khối u não kích thước 2x3 cm nằm ở vị trí ảnh hưởng đến chức năng vận động của bệnh nhân, là nguyên nhân khiến tay của anh bị tê bì.
"Ở vị trí này nếu can thiệp cắt u không cẩn thận có thể gây liệt", bác sĩ Hệ nói.
Bác sĩ Hệ (trái) cùng bệnh nhân chia sẻ sau ca mổ não thức tỉnh chiều 26/3. Ảnh: Lê Nga.
Bệnh nhân cho biết, qua báo chí, anh biết đến ca mổ thức tỉnh đầu tiên tại bệnh viện cách đây 2 tháng nên đã đến nhờ bác sĩ tư vấn. Bác sĩ đã trao đổi với bệnh nhân về phương pháp phẫu thuật mới và cho biết lần này không có sự trợ giúp của bác sĩ nước ngoài mà hoàn toàn do kíp bác sĩ Việt Nam thực hiện. Anh chấp thuận tham gia cuộc mổ đặc biệt này.
Ca mổ diễn ra trong 3 giờ, bác sĩ đã lấy được trọn vẹn khối u não cho bệnh nhân. Tại ca mổ, anh trò chuyện, cử động tay chân theo yêu cầu của bác sĩ, còn hát bài hát quê hương "Quảng Bình quê ta ơi". Sau mổ, bệnh nhân tỉnh táo, sức khỏe ổn định, không có di chứng, đặc biệt tay không còn tê bì nữa.
Bác sĩ Hệ cho biết, với cách mổ truyền thống, bệnh nhân được gây mê hoàn toàn, nếu khi mổ tác động đến vùng chức năng ngôn ngữ, vận động..., bác sĩ có thể không phát hiện ra. Với phương pháp mổ thức tỉnh, bệnh nhân chỉ được gây tê để tránh đau khi rạch da, còn lại vẫn tỉnh táo hoàn toàn trong toàn bộ ca mổ.
"Chúng tôi cắt được khối u nhiều nhất có thể mà vẫn bảo vệ được các chức năng nói và vận động của bệnh nhân, vì bác sĩ nhận biết được đâu là vùng nói, vùng vận động", bác sĩ Hệ nói.
Bác sĩ Hệ cho biết phương pháp mổ thức tỉnh có thể phẫu thuật cho nhiều loại tổn thương trong não và kiểm soát được những rủi ro như bệnh nhân bị câm, bị liệt... Việc thực hiện được phương pháp mổ thức tỉnh tại Việt Nam có thể giúp cho nhiều bệnh nhân sắp tới.
Lê Nga
Tin nổi bật
- Gan nhiễm mỡ không do rượu là gì, ai dễ mắc?
19/02/2024 - 10:12:51
- Kỹ thuật stent mới giúp thông đường mật người phụ nữ
17/11/2022 - 11:33:33
- 4 lưu ý về viêm gan A
01/11/2022 - 09:39:52
- Cần phẫu thuật ruột thừa ngay khi bị viêm, ai cũng biết nhưng lại không hiểu
05/10/2022 - 10:36:25
- Phẫu thuật cho bé gái 1 ngày tuổi nghi có thai trong thai hiếm gặp
24/02/2021 - 09:46:46
- Nội soi lấy đoạn dị vật kim loại hình chữ V trong họng bé gái
29/12/2020 - 09:30:58