Bệnh sởi trở lại sau nhiều tháng vắng bóng, khẩn trương tiêm bù vaccine cho trẻ
Các chuyên gia lo ngại nguy cơ bệnh sởi sẽ lây lan trong cộng đồng trong thời gian tới, nhất là ở những nơi tập trung đông người. Do đó, cần rà soát lại tình trạng tiêm chủng, đánh giá nguy cơ và tiến hành tiêm bù, tiêm vét vaccine ngay cho trẻ để hạn chế nguy cơ sởi bùng phát.
Gần đây, tại Nghệ An và một số tỉnh, thành khu vực phía Nam ghi nhận sự quay trở lại của bệnh sởi. Phòng, chống dịch sởi đang là nhiệm vụ cấp bách.
Các ca mắc sởi hầu hết chưa được tiêm chủng đầy đủ
Bé trai Nguyễn Đức T. (14 tháng tuổi, trú tại xã Hưng Nghĩa, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) nhập viện Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị, kèm nổi ban rải rác mặt, ngực, bụng, mi mắt sưng nề, không đỏ mắt. Được biết, bé trai 14 tháng tuổi này chưa được gia đình tiêm phòng vaccine phòng sởi.
TS. Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế kiểm tra công tác điều trị, phòng chống dịch sởi tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.
Ngoài bé T., Bệnh viện Nhi Trung ương đang điều trị cho trường hợp Đoàn Bá Quang H. (13 tháng tuổi, xã Lăng Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An).
Theo điều tra dịch tễ, từ ngày 7/6 đến 11/6, bé T. điều trị viêm phổi tại khoa Tim mạch Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Tại đây, trẻ nằm cùng phòng với 3 bệnh nhân, trong đó có một trường hợp có dấu hiệu sốt, phát ban. Đến ngày 17/6, bệnh nhân có biểu hiện ho, sổ mũi, sốt nhẹ.
Ngày 18/6, bé sốt cao 39,5 độ C, kèm nổi ban ở vùng mặt nên tối cùng ngày gia đình đưa bé đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám và được chẩn đoán là nhiễm khuẩn đường hô hấp, sau đó được cho về nhà điều trị.
Ngày 19/6, bé quấy khóc nhiều nên tối cùng ngày gia đình đưa bé quay lại bệnh viện để xin nhập viện theo dõi. Sáng 20/6, bé được lấy mẫu xét nghiệm và đến chiều tối cùng ngày có kết quả dương tính với bệnh sởi. Hiện bé đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Tương tự, tại Bệnh viện Quốc tế Vinh, từ đầu năm đến ngày 22/6, bệnh viện điều trị cho 9 trường hợp mắc sởi, trong đó có 3 trường hợp tại tỉnh Hà Tĩnh, 6 trường hợp ở Nghệ An. Ca đầu tiên đến từ ổ dịch ở huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Đến thời điểm này, bệnh viện đang điều trị cho 2 trường hợp mắc sởi.
Đoàn công tác Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng chống và điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.
BSCKII Võ Mạnh Hùng, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, khoa đang điều trị cho 4 trẻ bị mắc sởi. "Nếu chưa tiêm vaccine, hầu hết các trẻ mắc sởi có biến chứng như viêm phổi, viêm kết mạc, viêm màng não… Đáng chú ý, tất cả các bệnh nhi này đều chưa được tiêm phòng vaccine sởi do chưa đến tuổi hoặc phụ huynh chưa cho đi tiêm. Những đối tượng này rất dễ gặp nguy hiểm khi bị sởi tấn công", bác sĩ Hùng nhận định.
Theo TS.BS Chu Trọng Trang, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An (CDC Nghệ An), đến ngày 22/6, trên địa bàn ghi nhận 45 ca mắc sởi rải rác tại 11 huyện, thành thị. Ca mắc đầu tiên có triệu chứng khởi phát vào cuối tháng 3/2024, sau đó tiếp tục ghi nhận thêm 16 ca mắc mới vào tháng 4, đến tháng 5 là 14 ca và tháng 6 là 15 ca.
Về tiền sử tiêm chủng các mũi phòng bệnh sởi, có 16 trường hợp chưa đủ tuổi tiêm,15 trường hợp đủ tuổi tiêm mũi 1 chỉ có 4 trường hợp đã tiêm (26,7%), và 12 trường hợp đủ tuổi tiêm mũi 2 chỉ có 1 trường hợp đã tiêm mũi 2 (0,83%).
"Việc bệnh sởi xuất hiện trở lại là điều đáng lo ngại, cần có những biện pháp mạnh mẽ và nhanh chóng hơn để tránh dịch lây lan. CDC đề xuất phương án mở rộng độ tuổi, đối tượng được tiêm chủng vaccine", Giám đốc CDC Nghệ An nhận định.
Khẩn trương tiêm bù vaccine sởi cho trẻ
Nghệ An luôn là một trong những địa phương dẫn đầu của khu vực Bắc Trung Bộ về tỷ lệ tiêm chủng vaccine. Tuy nhiên, theo TS.BS Chu Trọng Trang, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến hoạt động tiêm chủng mở rộng, giảm tỷ lệ bao phủ vaccine trong cộng đồng. Tình trạng gián đoạn trong cung ứng vaccine của Chương trình Tiêm chủng mở rộng trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng các vaccine trên toàn tỉnh, dẫn đến tích lũy miễn dịch cơ bản của các bệnh phòng được bằng vaccine trong cộng đồng giảm dần qua các năm làm tăng cao khả năng xuất hiện các trường hợp bệnh.
Kết quả tiêm chủng vaccine sởi, sởi - rubella 5 tháng đầu năm 2024.
Đa số các ca mắc bệnh sởi (30 ca, 75%) là trẻ chưa đến độ tuổi tiêm phòng sởi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong công tác phòng chống dịch sởi hiện nay. Thời gian tới, cần tăng cường giám sát chủ động nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh và hoạt động tiêm chủng mở rộng. Đồng thời rà soát đối tượng trẻ trên địa bàn toàn tỉnh, lịch sử tiêm chủng và triển khai tiêm bù, tiêm vét mũi vaccine sởi (cho trẻ từ đủ 9 tháng tuổi) và vaccine sởi – rubella (cho trẻ từ đủ 18 tháng tuổi) nhằm tạo miễn dịch cộng đồng bao phủ vaccine.
Nhìn trên tỷ lệ tiêm chủng ở Nghệ An, ngày 24/6 trong buổi làm việc với Sở Y tế tỉnh Nghệ An và các đơn vị liên quan về công tác giám sát phòng, chống bệnh sởi trên địa bàn tỉnh này, TS. Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế lo ngại nguy cơ bệnh sởi sẽ lây lan trong cộng đồng trong thời gian tới, nhất là ở những nơi tập trung đông người như trường học, điểm trông giữ trẻ và tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Do đó, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đề nghị các địa phương cần rà soát lại tình trạng tiêm chủng, đánh giá nguy cơ và tiến hành tiêm bù, tiêm vét vaccine ngay cho trẻ để hạn chế nguy cơ sởi bùng phát.
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp. Bệnh sởi thường gặp ở trẻ nhỏ, người có miễn dịch kém, dễ dẫn đến biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, tiêu chảy… có thể gây tử vong. (Ảnh minh hoạ).
Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng đề nghị hệ thống y tế dự phòng tuyến tỉnh, các xã phường và các cơ sở khám điều trị kịp thời giám sát phát hiện các ca bệnh và điều trị sớm. "Cần khoanh vùng, khu vực có bệnh nhi bị nhiễm. Phải thành lập Ban chỉ đạo tại các bệnh viện, các thành viên trong ban chỉ đạo bao gồm cả Ban Giám đốc, các thành viên tham gia là các chuyên gia truyền nhiễm, bác sĩ chuyên khoa, linh hoạt trong quy trình làm việc, phải lên kế hoạch cụ thể", TS. Nguyễn Lương Tâm nhấn mạnh.
Sở Y tế và các Trung tâm y tế tiến hành điều tra, xác minh thông tin, tổ chức khoanh vùng, bao vây, xử lý dịch tại các địa phương ghi nhận ca bệnh. Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập thực hiện nghiêm túc phân luồng, cách ly điều trị các bệnh truyền nhiễm theo quy định, quản lý chất thải y tế, triển khai các biện pháp phòng chống lây nhiễm chéo hiệu quả. Đẩy mạnh công tác truyền thông thường xuyên liên tục cho người dân biết cách phòng chống bệnh sởi trên địa bàn.
"Virus sởi lây lan rất nhanh và sẽ tấn công những người chưa được tiêm phòng như trẻ em chưa đủ tháng để tiêm, những người không thể tiêm phòng như trẻ bị bệnh tim, trẻ mắc bệnh mạn tính… Để phòng ngừa nguy cơ bệnh sởi bùng phát thành dịch thì cần khẩn trương tiêm bù nhanh nhất có thể", TS. Nguyễn Lương Tâm khuyến cáo.
Sở Y tế Nghệ An kêu gọi phụ huynh đưa con đến các trạm y tế để tiêm vaccine phòng bệnh sởi, đây là cách tốt nhất để bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ mắc bệnh sởi. Hai liều vaccine phòng bệnh sởi (tiêm lúc 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi) mang lại hiệu quả ngăn ngừa bệnh sởi cho trẻ đến 97%. Bên cạnh đó, các đối tượng khác cũng nên đến cơ sở tiêm chủng để được tư vấn tiêm vaccine phòng bệnh sởi.
Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện. Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
Ngoài tiêm vaccine phòng bệnh sởi, Sở Y tế Nghệ An khuyến cáo người dân cũng lưu ý thực hiện các biện pháp khác để phòng bệnh sởi như vệ sinh cá nhân, nhà cửa, đảm bảo dinh dưỡng tăng sức đề kháng. Khi có biểu hiện sốt phát ban dạng sởi thì cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Tin nổi bật
- Nhiều người đi khám sức khỏe mới phát hiện bị bệnh tâm thần
05/07/2024 - 10:54:06
- Thanh niên suýt mất mạng vì ngộ độc thuốc diệt chuột
04/07/2024 - 10:12:39
- Đau bụng đi khám bác sĩ, bàng hoàng phát hiện sán não ký sinh khắp cơ thể
04/07/2024 - 10:00:07
- Bộ Y tế và UNCEF trao đổi thúc đẩy tiếp tục hợp tác về chăm sóc sức khoẻ nhân dân
04/07/2024 - 09:56:36
- Trích rạch vết thương do vỡ hạt tophi sau biến chứng của bệnh gout, cụ ông bị nhiễm trùng nặng
04/07/2024 - 09:52:37
- Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm ông Nguyễn Toàn Thắng giữ chức Phó Chánh Văn phòng Bộ
04/07/2024 - 09:50:03