'Đợi chút, anh tiêm nốt cho con chuột'
Hành trình tìm phương pháp điều trị ung thư mới của GS trẻ người Việt ở Mỹ Nguyễn Đăng Hùng đầy gian nan thử thách, nhưng bước đầu đã có kết quả...
GS Hùng cùng GS Chrystal Paulos ở Mỹ. Bà là giáo sư hàng đầu về miễn dịch học điều trị ung thư - Ảnh: NVCC
Tôi đã học được một điều là nếu thất bại thì lại đứng lên để làm lại từ đầu. Các bạn trẻ học ngành y sinh trong nước hiện nay hơn chúng tôi ngày xưa về ngoại ngữ, về Internet. Chỉ cần có thêm niềm đam mê. Việc của chúng tôi là thắp lên niềm đam mê với khoa học ở các bạn trẻ và cùng nhau làm điều gì đó cho quê hương.
GS Nguyễn Đăng Hùng |
Ở tuổi 36, GS y học (Assistant Professor of Medicine) Nguyễn Đăng Hùng còn ấp ủ hi vọng đưa được nhiều bác sĩ Việt Nam đến Mỹ học về những phương pháp điều trị ung thư mới nhất, để các bác sĩ về nước, dùng những phương pháp mới ấy điều trị cho bệnh nhân Việt Nam.
Hành trình dài
Từ một sinh viên ĐH Dược Hà Nội, năm 2007 Nguyễn Đăng Hùng được cấp học bổng tiến sĩ của Chính phủ Hàn Quốc, rồi năm 2012 từ Hàn Quốc anh đến Mỹ với một ước mơ: Tìm ra những phương pháp điều trị ung thư mới. Con đường dài dằng dặc, nhưng chưa bao giờ anh nghĩ đến bỏ cuộc.
"Khi ở Hàn Quốc, GS hướng dẫn tôi làm khóa luận tiến sĩ là Sok Dai Eun - người đã dành gần hết thời gian mỗi ngày của mình cho khoa học. Tôi cũng vậy, suốt ngày ở phòng lab, người ta gọi tôi là Hùng Sok.
Khi làm xong khóa luận, có những lời mời tôi đi nghiên cứu tiếp ở châu Âu và Mỹ, nhưng GS Sok đã khuyên tôi đi Mỹ, ông nghĩ ở đó có môi trường nghiên cứu phù hợp với tôi" - GS Hùng kể về những ngày đầu của mình.
Lúc mới đến Mỹ, vợ chồng chàng tiến sĩ trẻ Nguyễn Đăng Hùng trải qua những ngày rất vất vả. Đều đặn anh đi làm từ 8h sáng ngày hôm trước và 4h sáng ngày hôm sau mới về.
Đang từ người bận rộn, kiếm ra tiền khi còn ở Hàn Quốc, đến Mỹ thì chị Hương Ly, vợ anh, trở thành mẹ bỉm sữa thực sự.
Hai vợ chồng anh thuê phòng ở chung nhà với một người Hàn Quốc. Đến khi chị sinh con, anh Hùng cũng không có nhà và người bạn Hàn Quốc chính là người đưa chị đến bệnh viện sinh.
"Khi tôi gọi điện cho chồng về vì sắp sinh thì anh ấy nói... đợi thêm một chút, anh ấy tiêm nốt cho con chuột, nếu không sẽ lỡ mất thời gian. Mà đau đẻ thì đâu có chờ được!
Những ngày ấy vất vả đến mức tôi hay giục chồng quay về Hàn Quốc, ở đó cũng có môi trường nghiên cứu, mà không quá khó khăn cho chúng tôi" - chị Ly cười nhớ lại.
Vất vả đến mức vợ sinh suýt không về kịp, ấy vậy mà nghiên cứu về văcxin ngừa ung thư, công việc đầu tiên của nhóm anh Hùng (gồm anh và 3 đồng nghiệp khác) trong 1 năm đầu tiên ở Mỹ không thành công, công sức cả năm vất vả đổ sông đổ bể. Và TS Hùng lúc đó nếu không có nơi cấp ngân sách cho nghiên cứu, thì 1 tháng sau đó gia đình anh sẽ phải rời nước Mỹ.
Thời điểm đó, anh quyết định chuyển hướng nghiên cứu sang liệu pháp ung thư miễn dịch, liệu pháp rất mới khi đó. Đến giờ này, liệu pháp ấy vẫn còn rất mới, hành trình khoa học dài dằng dặc lúc nào cũng như đang ở bước khởi đầu.
136 loại ung thư
Sau thất bại của những ngày đầu, anh Nguyễn Đăng Hùng được Trường ĐH Central Florida (viết tắt là UCF) cấp ngân sách tiếp tục nghiên cứu và giảng dạy y khoa.
Ở đây, anh bắt đầu nghiên cứu làm tăng khả năng chống ung thư của tế bào CAR-T cells và T cells với các ung thư dạng cứng, liệu pháp tế bào trong điều trị ung thư máu và tác dụng của tế bào gốc trong giảm tác hại của ung thư.
Ba hướng nghiên cứu này anh đã nghiên cứu từ 2-3 năm nay và đang có những kết quả đầu tiên.
"Tôi đã có những cơ sở dữ liệu đầu tiên nhưng chưa công bố, mỗi hướng nghiên cứu xây dựng trong 10 năm, hướng nghiên cứu của tôi không phải là để cho trước mắt mà trong 20 năm tới" - GS Hùng chia sẻ.
Hành trình dài của anh đã có thành công bước đầu, anh đã là một trong số ít ỏi các nhà khoa học được công nhận học hàm giáo sư y học sau 7 năm đến Mỹ, được cấp ngân sách chủ trì một phòng thí nghiệm và lần này trở về VN, anh đang tuyển chọn 2 ứng viên tới Mỹ học sau tiến sĩ, học bổng sẽ do Phòng thí nghiệm Hùng Nguyễn (do anh chủ trì) cấp.
"Tôi đang mong muốn đưa các tiến sĩ VN tới Mỹ học sau tiến sĩ và nghiên cứu điều trị ung thư trong vòng từ 2-10 năm, ngoài phòng thí nghiệm Hùng Nguyễn còn có các phòng thí nghiệm do các nhà khoa học y sinh gốc Việt khác hỗ trợ. Chúng tôi muốn đào tạo hệ thống nhân lực các bác sĩ thay vì chỉ đào tạo cho các bác sĩ về phương pháp điều trị.
Phương pháp thì có thể lạc hậu sau một thời gian, nhưng nếu có đủ hệ thống nhân lực thì sẽ luôn cập nhật được kỹ thuật y khoa mới để điều trị cho bệnh nhân Việt Nam" - GS Nguyễn Đăng Hùng chia sẻ.
Hiện người ta đã định danh được tới 136 loại ung thư. Giờ đây tại Mỹ, việc sử dụng liệu pháp CAR-T cells cho bệnh nhân ung thư máu cấp tính đã có đáp ứng rất tốt, bệnh nhân sống thêm được 14-15 năm chưa phát hiện tái phát; liệu pháp điều hòa ức chế ngược tỉ lệ đáp ứng là 50%, liệu pháp truyền tế bào gốc tỉ lệ có đáp ứng khoảng 30%...
Ngoài việc tuyển chọn bác sĩ VN đi Mỹ học, GS Hùng đang bắt đầu hành trình phối hợp để xây dựng ngân hàng tế bào gốc cũng như áp dụng những phương pháp mới cho điều trị ung thư ở Việt Nam.
Mong mỏi làm được điều gì đó cho quê hương GS Hùng được người anh là bác sĩ ở Việt Nam (học khóa trên của GS) hỗ trợ tích cực cho GS Hùng trên con đường "làm điều gì đó cho quê hương". "Rất ít GS người Việt được cấp ngân sách chủ trì một phòng thí nghiệm riêng ở Mỹ. GS Hùng đã làm được điều ấy rất sớm, chỉ sau thời gian không dài đến Mỹ. Và giờ đây GS Hùng lại mơ ước đem những thứ đã học được làm điều gì đó cho người Việt, tôi mến Hùng vì mơ ước ấy và mong muốn hỗ trợ cho Hùng"- vị bác sĩ đồng nghiệp của GS Hùng chia sẻ. |
Lan Anh
Tin nổi bật
- Người phụ nữ cùng lúc mắc 2 loại ung thư
28/06/2024 - 09:50:34
- Điều trị ung thư bàng quang
20/06/2024 - 10:36:13
- Các lựa chọn điều trị ung thư thận
19/06/2024 - 11:15:28
- Các loại thuốc điều trị ung thư thực quản
17/06/2024 - 14:31:44
- Bài tập cho người ung thư dương vật
14/06/2024 - 09:51:01
- Sụt cân, vàng da... dấu hiệu của bệnh ung thư ác tính
12/06/2024 - 10:41:43