Thứ trưởng Bộ Y tế: Nhiều tên tuổi thầy thuốc ngoại khoa của Việt Nam vang danh, được thế giới khâm phục
Lĩnh vực ngoại khoa đã có một quá trình phát triển lâu dài với những thành tựu đáng để tự hào. Y học trong thời kỳ hiện đại của Việt Nam từ sau năm 1945 trở lại đây đã ghi dấu ấn của nhiều bác sỹ ngoại khoa nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn được thế giới biết đến, ghi nhận và khâm phục...
GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế đã nhấn mạnh thông tin trên tại lễ kỷ niệm 75 năm hình thành và phát triển Bộ môn Ngoại - Trường Đại học Y Hà Nội với chủ đề "Trân trọng quá khứ, hướng tới tương lai" diễn ra chiều ngày 6/10 tại Bệnh viện Việt Đức.
GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế và hoa đến các thầy giáo lão thành, nguyên Trưởng Bộ môn Ngoại thời gian qua (Ảnh: Phạm Vũ Cường)
Bộ môn Ngoại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đào tạo nhiều thế hệ nhân lực y tế chất lượng cao cho cả nước
Bộ môn Ngoại luôn gắn liền với với lịch sử phát triển của Trường đại học Y Hà Nội ngay từ những ngày đầu thành lập, được lãnh đạo bởi các giáo sư đầu ngành, nổi tiếng, có uy tín cao ở trong và ngoài nước. Bộ môn Ngoại đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đào tạo nhiều thế hệ nhân lực y tế chất lượng cao cho cả nước.
Theo GS.TS Đoàn Quốc Hưng, Trưởng Bộ môn Ngoại, mốc lịch sử là ngày 6/10/1947 tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang, Trường Đại học Y Hà Nội tổ chức khai giảng với chương trình giảng dạy chủ đạo là ngoại khoa do GS Hồ Đắc Di và GS Tôn Thất Tùng phụ trách, để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, tổ chức khám chữa cho thương bệnh binh.
Và mới đây, đại diện các thế hệ thầy giảng viên Bộ môn đã đề nghị Hội đồng trường và Ban giám hiệu Trường Đại học Y Hà Nội công nhận ngày 6/10 là ngày thành lập Bộ môn Ngoại.
GS Nguyễn Bửu Triều- nguyên Trưởng Bộ môn Ngoại, Trường Đại học Y Hà Nội gần 100 tuổi vẫn minh mẫn, khỏe mạnh, đến dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Bộ môn Ngoại (Ảnh: Phạm Vũ Cường)
"Ngoại khoa là một trong những chuyên ngành quan trọng bậc nhất của y học. Lịch sử y văn thế giới đã ghi nhận nhiều sự kiện, nhiều câu chuyện liên quan đến ngoại khoa và trong số đó có những sự kiện đã trở thành kinh điển của ngành y nói riêng, cũng như đột phá về khoa học kỹ thuật trong từng gia đoạn của tiến trình lịch sử thế giới"- GS.TS Đoàn Quốc Hưng nói.
Tại Việt Nam, tên tuổi của các thầy chuyên ngành ngoại khoa như như Thầy Tôn Thất Tùng, Thầy Nguyễn Trinh Cơ, Thầy Nguyễn Dương Quang, Thầy Nguyễn Bửu Triều, Thầy Nguyễn Đình Hối, Thầy Đỗ Đức Vân... và rất nhiều những tên tuổi khác... nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn được thế giới biết đến, ghi nhận.
Đến nay ngành Y tế Việt Nam đã làm chủ công nghệ ghép và ghép được 6/6 tạng chủ yếu là tim, gan, phổi, thận, tụy, ruột; làm chủ các công nghệ phẫu thuật nội soi và can thiệp tim mạch với chi phí giảm từ ½ đến 1/3 so với nước ngoài, góp phần quan trọng trong việc tăng cơ hội, tăng khả năng tiếp cận của người bệnh đối với những kỹ thuật cao trong điều trị bệnh hiểm nghèo.
GS.TS Trần Văn Thuấn- Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Lĩnh vực ngoại khoa đã có một quá trình phát triển lâu dài với những thành tựu đáng để tự hào. Y học trong thời kỳ hiện đại của Việt Nam từ sau năm 1945 trở lại đây đã ghi dấu ấn của nhiều bác sỹ ngoại khoa nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn được thế giới biết đến, ghi nhận và khâm phục...(Ảnh: Phạm Vũ Cường)
Hàng năm có hàng trăm chuyên gia, học viên, sinh viên từ các nước trong và ngoài khu vực đến Bệnh viện Việt Đức, Trường Đại học Y Hà Nội để trao đổi kinh nghiệm chuyên môn nghiệp vụ trong lĩnh vực ngoại khoa, góp phần trau dồi kiến thức cho nhân viên y tế của Việt Nam cũng như theo chiều ngược lại với các bạn bè quốc tế.
Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, đến nay Bộ môn Ngoại là bộ môn lâm sàng lớn nhất trong 43 bộ môn của Trường Đại học Y Hà Nội. Đáng chú ý, sự phát triển của bộ môn Ngoại gắn liền với các bệnh viện thực hành, trong đó nổi bật nhất là Bệnh viện Việt Đức.
Bộ môn Ngoại Trường Đại học Y Hà Nội cùng Bệnh viện Việt Đức luôn là lá cờ đầu trong nền Y học nước nhà, được Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu tập thể và cá nhân cao quý như: hai danh hiệu Anh hùng Lao động, ba Giải thưởng Hồ Chí Minh, hai giải thưởng Nhà nước về Khoa học Công nghệ…
Phát biểu tại đây, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế biểu dương những cống hiến, sự tận tâm hết mình của đội ngũ cán bộ cũng như kết quả đạt được trong 75 năm hình thành và phát triển của Bộ môn Ngoại.
"Những thành tích đã đạt được của Bộ môn Ngoại đang góp phần làm rạng rỡ hơn thành tích đáng tự hào của Trường Đại học Y Hà Nội trong dịp tiến tới kỷ niệm 120 năm Ngày truyền thống của Trường"- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.
GS.TS Đoàn Quốc Hưng - Trưởng Bộ môn Ngoại - Trường Đại học Y Hà Nội ôn lại lịch sử hình thành và phát triển của Bộ môn Ngoại qua các thời kỳ (Ảnh: Phạm Vũ Cường)
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng nhấn mạnh mô hình bệnh tật của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang có những thay đổi, bên cạnh những bệnh truyền nhiễm truyền thống thì những năm gần đây có có sự gia tăng đáng kể các bệnh không truyền nhiễm, cùng với các rủi ro về sức khỏe, nhu cầu chăm sóc sức khỏe, khám và điều trị bệnh tật, thực hiện cấp cứu… tăng lên rất nhiều làm gia tăng những áp lực với ngành y tế, không loại trừ chuyên khoa nào.
Do đó, Lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị tập thể Bộ môn Ngoại tiếp tục phát huy truyền thống, tiếp bước các các thế hệ đi trước; chủ động, năng động trong việc tăng cường việc tiếp cận với những phương pháp giảng dạy mới trên thế giới để nghiên cứu truyền tải hiệu quả cho các sinh viên; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế…; phát triển các kỹ thuật cao trong các lĩnh vực phẫu thuật nội soi, phẫu thuật ít xâm lấn, ghép tạng như tim, gan, phổi, thận, chỉnh hình…
Tiếp tục mở rộng cơ sở thực hành tại các bệnh viện không phân biệt công – tư, miễn là đáp ứng tốt nhu cầu thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe, qua đó tăng cường thực hành của học viên, sinh viên cũng như tiếp cận khoa học kỹ thuật, máy móc, trang thiết bị hiện đại trong điều kiện đầu tư công còn nhiều khó khăn, thiếu thốn...
Đối với các cơ sở thực hành, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đề nghị tiếp tục phối hợp, ủng hộ và giúp đỡ Trường Đại học Y Hà Nội cũng như Bộ môn Ngoại, chung tay đào tạo nhân lực y tế. Việc giúp đỡ các cơ sở đào tạo nhân lực y tế chính là tự giúp mình để có nhân lực phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh trong tương lai.
TS Phạm Văn Tác- Cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và Đào tạo - Bộ Y tế và các thế hệ thầy thuốc chuyên ngành ngoại khoa chụp ảnh cùng GS. Đặng Hanh Đệ tại lễ kỷ niệm (Ảnh: Phạm Vũ Cường)
Đồng thời tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, đào tạo tại địa phương, đào tạo theo nhu cầu xã hội để thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế trong việc tăng cường nhân lực chất lượng cao cho các tuyến, ưu tiên các vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn...
Tin nổi bật
- Lần đầu ghép thành công gan lợn cho người sống
27/05/2024 - 11:52:41
- Bê bối tại ngân hàng máu cuống rốn khiến người Singapore phẫn nộ
24/04/2024 - 10:58:43
- Làm gì khi vòng kinh không phóng noãn?
26/02/2024 - 10:47:55
- 5 cách giúp giảm stress
23/02/2024 - 10:42:27
- Số người hiến mô tạng ở Việt Nam thấp nhất thế giới
02/02/2024 - 15:25:27
- Nguyên nhân vô sinh hiếm muộn ở người trẻ
31/01/2024 - 11:24:55