TP.HCM đã sẵn sàng cho tình huống có trên 50 bệnh nhân COVID-19
Theo giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đến nay thành phố đã sẵn sàng mọi phương án tiếp nhận bệnh trong tình huống số ca mắc COVID-19 tăng, từ 50 bệnh nhân điều trị trở lên.
Tại cuộc họp đầu tiên của Tổ thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế ở TP.HCM sáng 9-2, ông Nguyễn Tấn Bỉnh - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - thông tin hiện nay các khu cách ly tập trung ở TP.HCM có 3 loại, gồm của quân đội (940 giường), quận huyện (1.339 giường) và khách sạn (2.591 giường).
Trước tình hình dịch phức tạp có thể cần số lượng lớn chỗ cách ly cũng như giường điều trị cho các bệnh nhân nặng, ông Bỉnh cho biết ngành y tế TP.HCM chủ động đề nghị các đơn vị liên quan mở rộng khu cách ly ở Cần Giờ (300 giường), Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 sẵn có với quy mô 1.000 giường cùng với KTX các trường ĐH ở Thủ Đức trước đó từng được trưng dụng.
Ngoài ra, đơn vị đã mở rộng quy mô giường điều trị, phù hợp với từng đối tượng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ và Nhi đồng TP.
"Đến nay các đơn vị đã sẵn sàng mọi phương án tiếp nhận điều trị khi có trên 50 bệnh nhân nhiễm COVID-19 điều trị trở lên", ông Bỉnh khẳng định.
Ngoài nguồn lực của TP.HCM, ông Bỉnh cho biết với sự hỗ trợ của Bộ Y tế cùng các đơn vị trực thuộc bộ ở TP.HCM đã "nâng công tác phòng chống dịch lên một tầm cao mới".
Cụ thể Bệnh viện Chợ Rẫy, ngoài 2 đội cơ động rất chuyên nghiệp trong cả điều trị lẫn thiết lập bệnh viện dã chiến, có thể tiếp nhận điều trị cho 50 bệnh nhân nhẹ và 10 bệnh nhân nặng khi TP cần.
Phía Viện Pasteur TP.HCM cho biết đến thời điểm này đơn vị có thể hỗ trợ TP.HCM xét nghiệm khẳng định COVID-19 số lượng 5.000 mẫu/ngày. Ngoài ra tùy tình hình, đơn vị có thể huy động sự hỗ trợ của các đơn vị khác ở TP.HCM và các tỉnh lân cận, tối đa có thêm 5.000 mẫu/ngày, đồng thời còn có gần 10 đội chuyên xét nghiệm, có thể sẽ mở rộng ở nhiều đơn vị tùy vào tình hình thực tế.
Để không bị động trong chống dịch dịp Tết, PGS.TS Phan Trọng Lân - viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM - cho rằng các đơn vị trong Tổ thường trực chống dịch COVID-19 cần có các kế hoạch cụ thể trong truy vết, cách ly, điều trị trong giai đoạn mới.
"Thời gian qua các đơn vị rất linh hoạt nhưng thời gian tới cần có sự phối hợp đồng nhất, mục tiêu làm thế nào có được các nhận định dịch tễ để giúp rút ngắn khoanh vùng, truy vết trên diện rộng", ông Lân nói.
Cách ly 14 hay 21 ngày?
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) - cho biết hiện các khu cách ly tập trung của TP.HCM cơ bản đã đầy, lý do trước đó đã nhận cách ly các trường hợp về từ các vùng dịch như sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) và Chí Linh (Hải Dương) với số lượng tương đối lớn.
Vấn đề của TP.HCM là đang lấn cấn về thời gian cách ly tại các khu tập trung này là 14 hay 21. "Chúng tôi chưa dám quyết định, mặc dù thấy văn bản dự thảo của Bộ Y tế là trừ ổ dịch Chí Linh (Hải Dương) mới 21 ngày, các trường hợp khác vẫn theo quy định cũ là 14 ngày nhưng chưa có chỉ đạo chính thức", bác sĩ Dũng nói và xin ý kiến của Bộ Y tế để sớm giải phóng lượng người này nhằm có không gian để nhận các trường hợp khác.
HOÀNG LỘC
Link nguồn:
Theo tuoitre.vn
Tin nổi bật
- Lần đầu ghép thành công gan lợn cho người sống
27/05/2024 - 11:52:41
- Bê bối tại ngân hàng máu cuống rốn khiến người Singapore phẫn nộ
24/04/2024 - 10:58:43
- Làm gì khi vòng kinh không phóng noãn?
26/02/2024 - 10:47:55
- 5 cách giúp giảm stress
23/02/2024 - 10:42:27
- Số người hiến mô tạng ở Việt Nam thấp nhất thế giới
02/02/2024 - 15:25:27
- Nguyên nhân vô sinh hiếm muộn ở người trẻ
31/01/2024 - 11:24:55