Suy thận mạn và tăng huyết áp có mối quan hệ như thế nào?
Huyết áp cao là nguyên nhân thứ 2 gây suy thận ở Hoa Kỳ sau đái tháo đường. Suy thận lại có thể làm tình trạng tăng huyết áp trở nên trầm trọng hơn. Vì thế, kiểm soát đồng thời cả huyết áp và bảo tồn chức năng thận là việc vô cùng quan trọng ở nhóm người bệnh này.
Mối quan hệ giữa suy thận mạn tính và tăng huyết áp
Tăng huyết áp làm co hẹp mạch máu và giảm lưu lượng máu, trường hợp ảnh hưởng tới thận sẽ khiến thận không thể thực hiện tốt chức năng lọc máu. Nếu huyết áp không được kiểm soát tốt, theo thời gian, thận sẽ bị tổn thương và suy giảm chức năng. Thận không thể loại bỏ tất cả các chất thải và chất lỏng thừa ra khỏi cơ thể. Thêm chất lỏng trong mạch máu có thể làm tăng huyết áp, tạo ra một chu kỳ nguy hiểm và gây ra nhiều tổn thương hơn dẫn đến suy thận. Như vậy, tăng huyết áp cũng chính là triệu chứng của suy thận.
Có thể mất nhiều năm để bệnh lý tăng huyết áp mới dẫn tới tổn thương thận hay suy thận. Tuy nhiên, tăng huyết áp thường không có triệu chứng và ngay cả khi đã tiến triển sang suy thận thì các dấu hiệu cũng rất mờ nhạt. Do đó, để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm thì bạn cần thực hiện biện pháp kiểm soát huyết áp. Nếu bạn đã mắc bệnh thận, việc kiểm soát huyết áp sẽ giúp ngăn ngừa thận bị tổn thương nhiều hơn.
Ngăn ngừa hoặc làm chậm tiến triển suy thận do huyết áp cao
Kiểm soát tốt huyết áp từ việc thay đổi lối sống và điều trị nội khoa sẽ giúp làm giảm các biến chứng nguy hiểm của bệnh, bao gồm cả suy thận.
Sử dụng thuốc kiểm soát huyết áp theo hướng dẫn của bác sĩ
Nhóm thuốc ức chế men chuyển và ức chế thụ thể angiotensin bên cạnh tác dụng hạ huyết áp còn hiệu quả trong việc làm chậm tiến triển của bệnh thận. 2 nhóm thuốc này không được khuyến cáo cho phụ nữ mang thai.
Hoạt động thể chất ở người tăng huyết áp
Việc tập luyện nên được xây dựng theo lộ trình, tối thiểu 150 phút mỗi tuần và cường độ tăng dần. Không nên bắt đầu bằng một bài tập gắng sức, có thể gây ra khó thở và tức ngực cho người bệnh.
Giữ cân nặng hợp lý và quản lý stress
Việc giữ cân nặng hợp lý có thể giúp giảm tổn thương thận tiến triển và giảm nguy cơ mắc phải nhiều biến chứng của tăng huyết áp như suy tim, đột quỵ,...
Stress là nguyên nhân dẫn tới việc khó kiểm soát huyết áp.
Chế độ dinh dưỡng tốt cho người tăng huyết áp và suy thận
Người bệnh có thể được khuyến cáo chế độ ăn DASH nhiều trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt và các thực phẩm khác tốt cho tim mạch.
Nếu người bệnh suy thận có tăng huyết áp kèm theo phù, suy tim sung huyết thì bắt buộc phải giảm lượng natri nạp vào, chủ yếu thông qua việc giảm muối trong khẩu phần ăn.
Người bệnh suy thận cũng được khuyến cáo một chế độ ăn giảm protein. Tuy nhiên, việc tiêu thụ quá ít chất đạm có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, thiếu năng lượng cho cơ thể. Do đó, người bệnh không nên tự ý cắt protein ra khỏi khẩu phần ăn mà không có sự khuyến cáo của chuyên gia.
Tin nổi bật
- Lần đầu ghép thành công gan lợn cho người sống
27/05/2024 - 11:52:41
- Bê bối tại ngân hàng máu cuống rốn khiến người Singapore phẫn nộ
24/04/2024 - 10:58:43
- Làm gì khi vòng kinh không phóng noãn?
26/02/2024 - 10:47:55
- 5 cách giúp giảm stress
23/02/2024 - 10:42:27
- Số người hiến mô tạng ở Việt Nam thấp nhất thế giới
02/02/2024 - 15:25:27
- Nguyên nhân vô sinh hiếm muộn ở người trẻ
31/01/2024 - 11:24:55