Ngăn chặn biến chứng tiền sản giật nguy hiểm ở thai phụ nếu phát hiện sớm
Tiền sản giật và sản giật là biến chứng nghiêm trọng, có thể gây tử vong ở phụ nữ mang thai. Nhưng có thể phòng tránh nếu thai phụ giữ lối sống lành mạnh, bổ sung canxi và khám thai định kỳ.
Sản giật và tiền sản giật nguy hiểm như thế nào?
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, có đến 300.000 phụ nữ tử vong trong năm 2017 do nguyên nhân liên quan đến thai nghén và sinh nở. Trong đó, tiền sản giật và sản giật là biến chứng nội khoa thường gặp nhất ở phụ nữ mang thai, với tỷ lệ từ 2-8%. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong cho mẹ và thai nhi.
Vậy sản giật và tiền sản giật là gì mà lại nguy hiểm đến vậy?
Sản giật là cơn co giật, xảy ra ở trước, trong cơn chuyển dạ hoặc trong thời kỳ sau sinh. Sản giật thường đi kèm với hôn mê sâu, phù não và suy thận cấp. Nếu không được điều trị, sản giật có thể gây tử vong cho cả mẹ và thai nhi.
Tiền sản giật là hội chứng bệnh lý xảy ra trước khi thai phụ lên cơn sản giật, là tiền đề gây nên cơn sản giật. Cứ 200 thai phụ mắc hội chứng tiền sản giật sẽ có 1 thai phụ tiến triển thành sản giật.
Sản giật và tiền sản giật ảnh hưởng như thế nào đến thai nhi?
Thai phụ mắc hội chứng tiền sản giật có thể được yêu cầu mổ chủ động để lấy thai ra sớm. Việc mổ sớm thường khiến thai nhi bị sinh thiếu tháng, nguy cơ suy giảm miễn dịch và viêm phổi cao.
Ngoài ra, thai nhi có mẹ bị tiền sản giật có thể chậm tăng trưởng, nhẹ cân và suy dinh dưỡng do không được cung cấp đủ dinh dưỡng trong thai kỳ.
Nguyên nhân gây sản giật và tiền sản giật, đối tượng nào có nguy cơ cao?
Khoa học chưa xác định được nguyên nhân cụ thể gây sản giật và tiền sản giật. Tuy nhiên, các đối tượng sau sẽ có nguy cơ mắc tiền sản giật cao hơn:
- Tăng huyết áp mạn tính
- Đái tháo đường thai kỳ
- Mang thai trước 17 tuổi hoặc sau 35 tuổi
- Có tiền sử tăng huyết áp hoặc tiền sản giật ở lần mang thai trước
- Mang đa thai
- Béo phì
Xét nghiệm chẩn đoán tiền sản giật
Theo ThS.BS Vũ Thanh Bình - Khoa Hỗ trợ Sinh sản và Nam học, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội: "May mắn rằng, tiền sản giật có thể được chẩn đoán và kiểm soát từ sớm bằng các xét nghiệm đơn giản. Đây là các xét nghiệm thường quy khi mẹ bầu đi khám thai. Bao gồm: đo huyết áp, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu, đo yếu tố tăng trưởng nhau thai PLGF,...".
Nguyên tắc của các xét nghiệm này đó là phát hiện sớm các dấu hiệu của tiền sản giật như tăng huyết áp, protein niệu (protein trong nước tiểu), giảm tiểu cầu,...
Thai phụ sẽ được chẩn đoán là mắc tiền sản giật nếu:
- Kết quả đo huyết áp vượt quá 140/90 mmHg, ghi nhận trong 2 lần đo cách nhau ít nhất 4 giờ
- Hàm lượng protein trong nước tiểu > 300mg/24 giờ
- Tiểu cầu < 100.000/μL
Ngoài ra còn có các xét nghiệm chuyên khoa khác. Một số dấu hiệu nhận biết tiền sản giật khác bao gồm:
- Phù, sưng mặt và bàn tay
- Đau đầu dữ dội
- Mờ mắt, nhạy cảm với ánh sáng, giảm thị lực
- Buồn nôn hoặc nôn
Cách phòng tránh nguy cơ tiền sản giật
Bác sĩ Thanh Bình chia sẻ: "Tiền sản giật là một biến chứng thai kỳ nguy hiểm nhưng không quá đáng sợ, có thể phòng ngừa được nếu thai phụ được theo dõi sức khỏe chặt chẽ, kết hợp với chế độ ăn uống và lối sống phù hợp".
Để hạn chế biến chứng của tiền sản giật trước và sau khi sinh, thai phụ nên:
- Duy trì chỉ số BMI ở dưới ngưỡng 25.
- Tránh xa thuốc lá, tập thể dục đều đặn và hạn chế ăn mặn.
- Kiểm soát đường huyết và huyết áp.
- Nếu thai phụ thuộc nhóm có nguy cơ cao, bác sĩ có thể chỉ định dùng aspirin liều thấp (81mg) hàng ngày sau tuần thai thứ 12.
- Bổ sung canxi bằng viên uống. Theo nghiên cứu của Đại học Cornell (Mỹ) năm 2016, bổ sung canxi trước và trong khi mang thai giúp giảm nguy cơ mắc tiền sản giật. Thai phụ cần bổ sung đủ 1000 - 1500mg canxi mỗi ngày thông qua viên uống và thực phẩm.
Bác sĩ Thanh Bình nhấn mạnh: "Bạn cần bổ sung lượng canxi cần thiết thông qua chế độ ăn uống và thực phẩm bổ sung. Nên bổ sung ngay từ trước khi mang thai, không để đến quý 2, quý 3 rồi mới làm. Đặc biệt cần bổ sung vitamin D3 và K2 để canxi được hấp thu một cách đầy đủ và trọn vẹn".
Bên cạnh thành phần, khi lựa chọn sản phẩm bổ sung canxi cho thai kỳ, thai phụ cần chú trọng đến nguồn gốc xuất xứ. Chỉ nên sử dụng những sản phẩm có xuất xứ rõ ràng, đã được cấp phép lưu hành và kiểm định chất lượng bởi cơ quan chức năng.
Tin nổi bật
- Lần đầu ghép thành công gan lợn cho người sống
27/05/2024 - 11:52:41
- Bê bối tại ngân hàng máu cuống rốn khiến người Singapore phẫn nộ
24/04/2024 - 10:58:43
- Làm gì khi vòng kinh không phóng noãn?
26/02/2024 - 10:47:55
- 5 cách giúp giảm stress
23/02/2024 - 10:42:27
- Số người hiến mô tạng ở Việt Nam thấp nhất thế giới
02/02/2024 - 15:25:27
- Nguyên nhân vô sinh hiếm muộn ở người trẻ
31/01/2024 - 11:24:55