Hậu COVID-19 và những điều có thể bạn chưa biết
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đa số người bệnh hồi phục hoàn toàn sau khi mắc COVID-19, nhưng có khoảng từ 10 đến 20% bị ảnh hưởng lâu dài, biểu hiện ở mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng được gọi là tình trạng hậu COVID-19,
Từ tháng 7/2021 hội chứng "hậu COVID" có thể được coi là một dạng khuyết tật theo Đạo luật về người khuyết tật Hoa Kỳ.
Hội chứng COVID -19 kéo dài (hay hậu COVID -19) là khi một người có các triệu chứng COVID dai dẳng trên 12 tuần kể từ khi được test dương tính hoặc có các triệu chứng như nhiễm COVID. Tình trạng này có thể xuất hiện rất đa dạng, đồng thời cùng một lúc hoặc trong khoảng thời gian khác nhau. Triệu chứng COVID kéo dài rất đa dạng, gặp ở tất cả các cơ quan, tuy nhiên các triệu chứng trên hệ hô hấp phổ biến nhất.
Không giống như một số loại hội chứng hậu bệnh lý khác có xu hướng chỉ xảy ra ở những người đã bị bệnh nặng, hậu COVID -19 có thể xảy ra với bất kỳ ai đã bị mắc COVID-19, ngay cả khi bị bệnh nhẹ, hoặc thậm chí trong thời gian mắc bệnh họ không có triệu chứng thì vẫn có thể bị " hậu COVID-19" với biểu hiện chức năng ở nhiều cơ quan:
+ Nhóm triệu chứng toàn thân: Mệt mỏi, các triệu chứng sẽ nặng hơn sau các hoạt động thể lực hoặc tinh thần; Đau cơ hay đau khớp; Thay đổi giọng nói và Sốt.
+ Nhóm triệu chứng cơ quan hô hấp, tim mạch: Khó thở hoặc cảm giác hụt hơi; Ho kéo dài; Đau ngực.
+ Nhóm triệu chứng tâm thần kinh và nội tiết: Đau đầu, chóng mặt; suy giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung tư tưởng và rối loại giấc ngủ; Mất vị giác hoặc rối loạn cảm giác vị giác, khứu giác; Trầm cảm hoặc lo âu; chu kỳ kinh nguyệt…
+ Triệu chứng tiêu hóa: đau dạ dày, tiêu chảy, rối loạn chức năng đại tràng.
Xét nghiệm cận lâm sàng có thể gặp: tăng men tim kéo dài, rối loạn đường huyết, rối loạn hormon giáp, giảm độ lọc cầu thận; rối loạn chức năng hô hấp: giảm độ khuếch tán phổi, hạn chế dung tích phổi;
Phát hiện thấy bất thường hình ảnh học: xơ phổi, giãn phế quản trên CT scan ngực, rối loạn chức năng tâm thất qua siêu âm tim.
Chụp cộng hưởng từ (MRI) sọ não sẽ phát hiện tổn thương vi mô vùng hải mã, thùy đảo, thùy khứu giác, chất trắng (phát hiện thấy 55% có tổn thương) ở những ca bệnh có biểu hiện lâm sàng thần kinh.
Hậu COVID - 19 được gây ra bởi 3 cơ chế chính:
- Thứ nhất là sự xâm nhập trực tiếp của virus vào tế bào cơ thể người thông qua thụ thể của men chuyển hóa angiotensin 2 (ACE2), gây ra vô số tổn thương cấu trúc và rối loạn chức năng của tế bào mang thụ thể ACE2 ở hàng loạt các hệ thống cơ quan như: hô hấp, tim mạch, tiêu hóa, nội tiết, thần kinh, cơ xương khớp, da lông.
- Thứ hai là phản ứng viêm và phản ứng miễn dịch quá mức của cơ thể trong quá trình chống lại sự xâm nhập và phát triển của virus, biểu hiện bằng hội chứng nổi tiếng "cơn bão cytokines" gây bệnh cảnh nặng, tổn hại đa cơ quan trong đợt bệnh cấp.
- Thứ ba là những yếu tố tâm lý xã hội tiêu cực từ đại dịch như: Mắc bệnh, nghèo đói, mất việc, cách ly, mất người thân, đặc biệt là những bệnh nhân sống sót sau bệnh cảnh nguy kịch, từng điều trị tại đơn vị chăm sóc tích cực (ICU).
Hiện nay, việc điều trị hậu COVID - 19 là điều trị không đặc hiệu, có nghĩa là điều trị triệu chứng, chăm sóc toàn diện và phục hồi chức năng. Các triệu chứng hậu COVID -19 đa dạng, dai dẳng và kéo dài ảnh hưởng đến quá trình hồi phục và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Trong đó, phổi là cơ quan bị ảnh hưởng trực tiếp, kéo dài với tỷ lệ cao, do vậy phục hồi chức năng hệ hô hấp cần phải được quan tâm và đặt lên hàng đầu.
Phục hồi chức năng sớm đã được chứng minh là rất quan trọng để cải thiện khả năng phục hồi lâu dài và độc lập chức năng của bệnh nhân, do đó việc phục hồi chức năng nên được bắt đầu càng sớm càng tốt.
Hình ảnh xơ phổi hậu COVID -19 (Ảnh minh họa)
Nhóm Nghiên cứu COVID -19 của Thụy Sĩ và Hiệp hội hô hấp Thụy Sĩ khuyến nghị phục hồi chức năng ở những bệnh nhân này, đã xây dựng được công cụ sàng lọc gồm 13 câu hỏi để giải quyết chẩn đoán và điều trị tổn thương phổi ở bệnh nhân Hội chứng COVID-19 kéo dài.
Họ khuyến nghị đánh giá phổi, như xét nghiệm chức năng phổi, chụp cắt lớp màng phổi, đo khả năng khuếch tán và phân tích khí máu, ở những bệnh nhân xuất viện với các triệu chứng hô hấp dai dẳng sau khi nhiễm COVID-19 đã được PCR xác nhận trước đó.
Chương trình phục hồi chức năng phải được cá nhân hóa và tập trung để giải quyết các vấn đề cụ thể của bệnh nhân. Một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng chương trình phục hồi chức năng hô hấp kéo dài 6 tuần giúp cải thiện đáng kể các chức năng phổi, chất lượng cuộc sống và sự lo lắng ở những người sống sót sau COVID-19.
Mô hình dịch vụ phục hồi chức năng ba cấp đã được khuyến nghị để giải quyết các nhu cầu khác nhau của bệnh nhân. Ba cấp độ là nhóm chuyên gia dịch vụ đa ngành, nhóm trị liệu cộng đồng và tự quản. Nhóm chuyên gia cung cấp kỹ năng chuyên môn để giải quyết một kết quả phục hồi cốt lõi cụ thể. Các nhóm trị liệu cộng đồng có thể thực hiện theo dõi thường xuyên cho bệnh nhân ổn định.
Các nghiên cứu cho thấy có 34% số người có tổn thương ở nhu mô phổi, với hình ảnh dạng xơ hóa phổi. Chức năng trao đổi khí của phế nang giảm, giảm thông khí phổi và giảm khả năng đàn hồi của phổi.
Tổn thương này không có thuốc điều trị đặc hiệu, việc cải thiện chức năng của phổi phụ thuộc chính vào việc phục hồi chức năng hô hấp.
Chương trình tập phục hồi chức năng hô hấp bao gồm các bài tập:
Tập luyện cơ hô hấp, tập hít vào, tập thở ra, tập kết hợp, tập kiểm soát nhịp thở, tập thở mím môi, tập thở cơ hoành, tập theo thùy phổi, ho để bài xuất đờm; Các bài tập vận động vùng cột sống- lồng ngực để tăng hiệu quả của quá trình hô hấp.
Các triệu chứng của hệ thần kinh chủ yếu là triệu chứng cơ năng với mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, mất tập trung, lo âu, trầm cảm, suy giảm trí nhớ… Điều trị những khiếm khuyết thần kinh hậu COVID -19 chủ yếu là kiểm soát triệu chứng, với thuốc dưỡng não, cải thiện vi tuần hoàn, chống lo âu, chống gốc tự do và các vitamin tăng sức đề kháng.
Những vitamin tốt cho hệ miễn dịch, nâng đỡ thể trạng như acid folic, vitamin E, vitamin C, vitamin D và các vitamin nhóm B. Mức độ tổn thương nếu có của hệ tim mạch, tiêu hóa, gan hoặc cơ quan tạo máu những cơ quan này thường nhẹ hoặc không có biểu hiện rõ. Lựa chọn điều trị kết hợp sẽ do các bác sĩ chuyên khoa khám xét và cho chỉ định phù hợp với mức độ bệnh.
Tin nổi bật
- Lần đầu ghép thành công gan lợn cho người sống
27/05/2024 - 11:52:41
- Bê bối tại ngân hàng máu cuống rốn khiến người Singapore phẫn nộ
24/04/2024 - 10:58:43
- Làm gì khi vòng kinh không phóng noãn?
26/02/2024 - 10:47:55
- 5 cách giúp giảm stress
23/02/2024 - 10:42:27
- Số người hiến mô tạng ở Việt Nam thấp nhất thế giới
02/02/2024 - 15:25:27
- Nguyên nhân vô sinh hiếm muộn ở người trẻ
31/01/2024 - 11:24:55