Giải đáp nóng về chuyển đổi vắc xin 5 trong 1 trong toàn quốc
Phản ứng phụ khi tiêm vắc xin 5 trong 1 mới có gì khác so với các vắc xin trước? Đã tiêm mũi 6 trong 1 trước đó thì có thể dùng tiêm mũi tiếp theo bằng vắc xin mới? Độ tuổi nào thì nên đi tiêm chủng vắc xin 5 trong 1 mới?... Hàng loạt câu hỏi được hai khách mời giải đáp trong buổi giao lưu trực tuyến chiều 27/12.
Để giải đáp những băn khoăn và mối quan tâm của các bậc cha mẹ khi chính thức sử dụng vắc xin ComBe Five trong tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc, Báo điện tử Dân trí phối hợp Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ tổ chức buổi giao lưu trực tuyến "Chuyển đổi vắc xin 5 trong 1 và những điều cần biết".
Buổi giao lưu bắt đầu từ lúc 14h chiều nay 27/12, có sự tham dự của các khách mời:
- TS. Đặng Thị Thanh Huyền- Phó Trưởng văn phòng Chương trình tiêm chủng Quốc gia
- PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai).
Nhà báo Phạm Huy Hoàn- Tổng biên tập báo điện tử Dân trí tặng hoa hai khách mời của chương trình.
TS. Đặng Thị Thanh Huyền- Phó Trưởng văn phòng Chương trình tiêm chủng Quốc gia
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai)
Dưới đây là nội dung của cuộc giao lưu:
Nguyễn Trần Tú Anh - Nữ 32 tuổi: Sau tiêm vắc xin ComBE Five có thể có những phản ứng nào ? Nếu cho trẻ tiêm chủng thì chuẩn bị như thế nào, bác sĩ hướng dẫn để chúng tôi yên tâm.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng:
Vắc xin ComBe Five cũng giống như các vắc xin 5 trong 1 khác. Trước khi đưa ra thị trường đều đã có các bước thử nghiệm trên người, tỉ lệ tác dụng phụ ở mức cho phép người ta mới được cấp phép đưa ra thị trường. Hơn nữa, vắc xin này đã được sử dụng tại rất nhiều nước trên thế giới, vì thế, chúng ta yên tâm sử dụng.
Trước khi đi tiêm phòng phải xem xem trẻ có đang khỏe mạnh không, có bất cứ bệnh tật nào khác không. Nếu có biểu hiện bất thường phải báo với nhân viên tiêm chủng để họ khám và quyết định có tiêm hay không tiêm.
Nguyễn Quang Tiến - Nam 32 tuổi: Chào chương trình. Tôi muốn hỏi là con tôi đã tiêm mũi 1 vacxin 6 in 1 do Pháp sản xuất (tiêm dịch vụ). Vậy từ mũi 2 trở đi con tôi có tiêm được vacxin mới trong tiêm chủng mở rộng không? Xin cảm ơn!
TS. Đặng Thị Thanh Huyền:
Trường hợp của con bạn đã tiêm mũi vắc xin 6 trong 1 bao gồm (bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, bại liệt, viêm phổi, viêm màng não do Hib). Do vậy theo lịch tiêm chủng cháu cần phải tiêm thêm 2 mũi tiếp theo.
Mẹ có thể chọn lựa vắc xin 5 trong 1 của chương trình TCMR để phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não do Hib. Cháu sẽ được uống thêm vắc xin OPV để phòng bại liệt, đồng thời với việc tiêm vắc xin 5 trong 1.
Nguyễn thanh hải - Nam 39 tuổi: Thưa bác sĩ, Vacxin mới này tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi có bị sốt cao như vaccine cũ không?
TS. Đặng Thị Thanh Huyền:
Vắc xin ComBe Five ( 5 trong 1) sử dụng trong chương trình TCMR có thành phần tính an toàn hiệu quả và lịch tiêm chủng tương tự như vắc xin Quivaxem trước đây.
Vắc xin này là vắc xin ho gà toàn tế bào nên phản ứng sau tiêm chủng cũng tương tự như vắc xin toàn tế bào khác. Sau khi tiêm chủng ComBe Five thì trẻ có thể gặp phản ứng thông thường như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, quấy khóc…
Chính thức sử dụng vắc xin ComBe Five trong tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc
Dự án Tiêm chủng mở rộng (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) cho biết, từ tháng 12 này, vắc xin 5 trong 1 mới - ComBE Five thay thế cho vắc xin Quinvaxem trước đây sẽ được triển khai trên toàn quốc sau khi đã triển khai trên quy mô nhỏ tại 7 tỉnh, thành phố.
Trước đó, chương trình TCMR sử dụng vắc xin Quinvaxem (Hàn Quốc) sản xuất và đã tiêm 41 triệu liều vắc xin này cho trẻ dưới 1 tuổi, phòng 5 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do khuẩn Hib.
Tuy nhiên, nhà sản xuất tại Hàn Quốc đã ngừng sản xuất loại vắc xin này và lượng vắc xin Quinvaxem còn lại chỉ đủ để tiêm cho trẻ đến hết tháng 5/2018. Vì thế, Bộ Y tế đã có kế hoạch chuyển đổi sử dụng vắc xin Quinvaxem sang một loại vắc xin 5 trong 1 tương tự về thành phần và hiệu quả phòng bệnh để thay thế vắc xin này.
Theo đó, vắc xin được lựa chọn có tên là ComBE Five. Đây là vắc xin phối hợp phòng 5 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em là bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/ viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib do Ấn Độ sản xuất, được lưu hành tại Ấn Độ từ năm 2010. Vắc xin ComBE Five đã được ký lưu hành tại Việt Nam (QĐ số 196/QĐ-QLD ngày 30/05/2017) có giá trị trong 5 năm.
Vắc xin Combe Five có dạng trình bày tương tự vắc xin Quinvaxem, được đóng 01 liều/lọ và có gắn chỉ thị nhiệt độ để giám sát việc tiếp xúc với nhiệt độ của từng lọ vắc xin trong quá trình bảo quản, vận chuyển trước khi sử dụng. Vắc xin này cũng đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của Tổ chức Y tế thế giới, được sử dụng ở hơn 43 quốc gia với hơn 400 triệu liều.
Sau khi đưa vào triển khai trên quy mô nhỏ tại 7 tỉnh, thành phố cho kết quả an toàn, từ tháng 12 này, vắc xin 5 trong 1 mới - ComBE Five thay thế cho vắc xin Quinvaxem trước đây sẽ được triển khai trên toàn quốc.
Việc chuyển đổi vắc xin rất được các bậc cha mẹ quan tâm do có tới hơn 1.7 triệu trẻ dưới 1 tuổi nằm trong độ tuổi tiêm chủng vắc xin này.
Báo Dân trí
https://dantri.com.vn/suc-khoe/chinh-thuc-su-dung-vac-xin-combe-five-trong-tiem-chung-mo-rong-tren-toan-quoc-20181226113047885.htm
Tin nổi bật
- Lần đầu ghép thành công gan lợn cho người sống
27/05/2024 - 11:52:41
- Bê bối tại ngân hàng máu cuống rốn khiến người Singapore phẫn nộ
24/04/2024 - 10:58:43
- Làm gì khi vòng kinh không phóng noãn?
26/02/2024 - 10:47:55
- 5 cách giúp giảm stress
23/02/2024 - 10:42:27
- Số người hiến mô tạng ở Việt Nam thấp nhất thế giới
02/02/2024 - 15:25:27
- Nguyên nhân vô sinh hiếm muộn ở người trẻ
31/01/2024 - 11:24:55