5 cách phòng viêm quanh răng tránh nguy cơ rụng răng
m quanh răng là một trong những bệnh thường gặp nhất trong răng miệng. Đặc điểm của bệnh là viêm lợi mạn tính có túi quanh răng và là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến mất răng. Vì vậy, việc phòng ngừa vô cùng quan trọng.
Nguyên nhân viêm quanh răng
Nguồn thức ăn, đặc biệt đồ ăn chứa đường có khả năng bám dính vào răng, nếu không loại bỏ hàng ngày nó sẽ tích tụ cùng nước bọt tạo nên một lớp màng gọi là mảng bám. Vi khuẩn từ mảng bám chính là nguồn gây bệnh.
Theo thời gian, mảng bám dày lên – cứng lại tạo thành cao răng. Lúc này, lợi sưng đỏ và hình thành túi lợi sâu, thường dễ bị chảy máu, tiếp đến xương ổ răng xung quanh bị tiêu hủy dần với biểu hiện dễ nhận ra là răng bị lung lay cuối cùng rụng răng là điều chắc chắn.
Vì vậy, nếu đang có dấu hiệu viêm quanh răng thì nên đến bác sĩ thăm khám để đưa ra kế hoạch điều trị trước khi quá muộn.
Hình ảnh viêm quanh răng.
Biểu hiện của viêm quanh răng
Khi bị viêm quanh răng, bệnh nhân có biểu hiện lợi sưng đỏ, chảy máu mà không chịu bất kỳ tác động nào, nhiều cao răng trên và dưới lợi, ấn vào túi lợi thấy dịch chảy ra, hơi thở có mùi khó chịu, răng lung lay, tụt lợi hở cổ chân răng, túi lợi bệnh lý.
Người bệnh cảm thấy các răng khít chặt với nhau, chỉ nha khoa khó đi qua vùng kẽ. Nhiều trường hợp bị chảy mủ ở lợi nhưng tự ý chữa trị bằng cách ra hiệu thuốc mua 1 đơn kháng sinh dùng vài tuần là đỡ. Nhưng sau đó mủ chảy lại và điều này diễn ra trong vài năm mà không đau đớn gì, đến khi răng lung lay và không thể nhai như bình thường thì rất khó giữ răng gốc. Bởi vậy việc phát hiện ngay triệu chứng và tìm đến nha sĩ sớm để điều trị triệt để là rất quan trọng.
Ai dễ bị bệnh viêm quanh răng?
Bệnh viêm quanh răng thường gặp ở bệnh nhân lớn tuổi, tuy nhiên không phải là không thấy ở người trẻ. Những người nguy cơ bao gồm:
- Vệ sinh răng miệng không đúng cách: Nếu vệ sinh không đúng cách dễ gây viêm quanh răng. Không dùng chỉ tơ nha khoa hay không đánh răng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh lý viêm quanh răng. Hay việc sử dụng tăm tre và chọc quá mạnh vào lợi cho đã ngứa cũng khiến răng bị tổn thương và mất dần xương.
Chải răng đúng cách để phòng bệnh viêm quanh răng.
– Người hút thuốc lá, ăn trầu cũng có thể dễ bị viêm quanh răng.
– Người mắc bệnh lý mạn tính như: bệnh nền tiểu đường, giảm miễn dịch cũng dễ viêm quanh răng.
– Người gặp nhiều stress trong cuộc sống.
– Người có răng khấp khểnh, lộn xộn, răng hô răng móm bị lệch khớp cắn cũng dễ bị viêm quanh răng.
– Do di truyền hoặc thiếu chất cũng dễ bị viêm quanh răng.
Dự phòng bệnh viêm quanh răng
Dù là bệnh nặng dẫn đến mất răng hàng loạt, nhưng viêm quanh răng có thể chữa khỏi hoàn toàn. Nhiều người cho rằng cứ tuổi cao là phải rụng hết răng. Tuy nhiên phần lớn nguyên nhân là do bệnh viêm quanh răng. Răng người là răng vĩnh viễn, nếu không để viêm quanh răng xảy ra thì sẽ hạn chế hiện tượng răng rụng.
Điều trị viêm quanh răng là một phức hợp bao gồm điều trị toàn thân và điều trị tại chỗ qua nhiều giai đoạn, điều trị không phẫu thuật và điều trị phẫu thuật...
Việc hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân viêm quanh răng chiếm một vai trò khá quan trọng đưa lại kết quả phục hồi tốt cho bệnh nhân.
Vậy cách phòng viêm quanh răng cần chú ý đến những điều sau:
- Khám răng định kỳ phát hiện các bệnh lý về răng miệng, các yếu tố thuận lợi làm trầm trọng thêm bệnh lý như răng chen chúc, cầu chụp làm sai quy cách. Ngoài ra, khám răng định kỳ để được tư vấn và lấy cao răng 3 - 6 tháng/1 lần vì cao răng thường là nguyên nhân gây viêm lợi, viêm quanh răng.
- Vệ sinh răng miệng đúng cách. Chải răng 2 lần/ngày buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ. Bệnh viêm quanh răng có tính chất mạn tính và cần có thời gian kiểm soát lâu dài, nếu không duy trì vệ sinh răng miệng tốt hàng ngày, bệnh chẳng những không thuyên giảm mà còn tiến triển nặng hơn, hoặc đã khỏi nhưng lại tái phát trở lại.
- Cần điều trị bệnh răng miệng sớm. Khi có biểu hiện viêm lợi, đau răng, viêm quanh răng cần được khám và sử dụng thuốc theo hướng dẫn của các bác sĩ. Ngoài ra, hàng ngày vệ sinh răng miệng nên sử dụng nước muối ấm súc miệng hoặc sử dụng nước súc miệng để diệt vi khuẩn vùng quanh răng. Nên dùng thêm chỉ tơ nha khoa để làm sạch vùng kẽ răng, những nơi mà bàn chải không chạm tới.
- Chế độ ăn uống: Tránh thức ăn cay, quá nóng, thức ăn quá cứng. Thức ăn đủ chất dinh dưỡng, bổ sung đủ vitamin. Uống đủ nước.
- Cần đặc biệt chú ý đối với bệnh nhân có bệnh toàn thân như tiểu đường, HIV, các bệnh về máu... thường dễ mắc bệnh lý răng miệng nghiêm trọng có thể dẫn đến mất răng. Cần phối hợp điều trị với bác sĩ chuyên khoa để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh răng miệng.
Tóm lại: Bệnh viêm quanh răng cần thiết phải điều trị lâu dài và hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng cách vệ sinh răng miệng hiệu quả, phát hiện sớm răng mọc lệch để có biện pháp chống lệch lạc… Và đừng quên thăm khám nha khoa định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện những vấn đề răng miệng có thể gặp phải, từ đó tránh được tình trạng răng bị lung lay phải nhổ bỏ.
Tin nổi bật
- Làm thế nào để đối phó với lo âu và trầm cảm
20/06/2024 - 10:47:23
- Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
01/03/2024 - 11:22:11
- Bất ngờ với nguyên nhân gây viêm lợi nhiều người chưa biết
27/02/2024 - 11:38:18
- Tay chân bị lạnh vào mùa đông, nguyên nhân và cách khắc phục
26/02/2024 - 10:09:05
- Thời điểm tuyệt đối không nên massage cho trẻ
26/01/2024 - 10:30:39
- 6 dấu hiệu nhiễm ký sinh trùng ở người
22/01/2024 - 11:13:52