Nguyên nhân mắc nấm âm đạo và cách chữa
Nấm âm đạo là bệnh lý khá phổ biến ở phụ nữ. Bệnh do nhiều nguyên nhân nhưng phổ biến nhất là do nhiễm nấm Candida trong âm đạo gây nên tình trạng ngứa ngáy, mùi hôi khó chịu, sưng đỏ vùng kín.
Biểu hiện mắc nấm âm đạo vừa và nặng
Theo BSCK II Nguyễn Thị Minh Thanh, Trưởng khoa Khám Chuyên gia, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, nấm âm đạo là bệnh lý khá phổ biến ở phụ nữ. Theo thống kê có khoảng 75% chị em trên thế giới có thể mắc nấm âm đạo ít nhất 1 lần trong đời.
Biểu hiện của nấm âm đạo gồm:
- Người bệnh có biểu hiện ngứa trong và vùng da xung quanh bên ngoài âm đạo.
- Khí hư ra nhiều bất thường, có dịch tiết màu vàng đậm hoặc màu trắng vón cục như bã đậu hoặc đóng thành từng mảng có mùi hôi khó chịu.
- Trường hợp mắc nấm âm đạo nặng sẽ có biểu hiện nóng rát âm đạo, vùng môi lớn có thể bị sưng tấy. Nặng hơn có thể nấm lan ra vùng bẹn, đùi do người bệnh gãi nhiều.
- Đau rát khi quan hệ.
- Đi tiểu rát, tiểu khó.
Hình ảnh nhiễm nấm âm đạo.
Vì sao mắc nấm âm đạo?
Cũng theo BS. Minh Thanh, có nhiều nguyên nhân nhiễm nấm âm đạo ở phụ nữ, dưới đây là một số nguyên nhân chính gồm:
- Vệ sinh cơ thể và vùng kín không đúng cách, không đảm bảo vệ sinh dẫn tới môi trường âm đạo bị thay đổi nồng độ pH cân bằng vốn có trong âm đạo, tạo điều kiện cho vi khuẩn nấm gây bệnh.
- Mặc quần lót chật, ẩm ướt, không thoát mồ hôi, không thoáng khí, không thay quần lót thường xuyên.
- Phụ nữ trong thời kỳ mang thai.
- Quan hệ tình dục không an toàn.
- Sử dụng băng vệ sinh kém chất lượng.
- Phụ nữ đang mắc tiểu đường.
- Phụ nữ đang điều trị ung thư.
- Người bệnh bị nhiễm HIV/AIDS.
Lưu ý cách chữa nấm âm đạo ở phụ nữ bình thường và phụ nữ mang thai
Tùy thuộc vào nguyên nhân nhiễm nấm và mức độ nặng nhẹ của người bệnh, bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị thích hợp. Cụ thể:
- Với trường hợp nhiễm nấm nhẹ đến trung bình, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh sử dụng kem chống nấm không kê đơn, thuốc mỡ hoặc thuốc đạn (chứa miconazole hoặc clotrimazole) trong từ 1-7 ngày. Ngoài ra, bác sĩ có thể kê thêm thuốc uống.
Nếu nấm tái đi tái lại nhiều lần, người bệnh có thể phải điều trị dài ngày với toa thuốc chống nấm sử dụng hàng ngày tối đa trong hai tuần, sau đó mỗi tuần một lần trong 6 tháng.
Với phụ nữ mang thai, chỉ nên dùng thuốc bôi, thuốc đạn, tránh dùng thuốc uống.
Không mặc đồ lót ẩm ướt, không mặc đồ lót quá chật, bó sát người để phòng ngừa nhiễm nấm âm đạo.
Ngăn ngừa nhiễm nấm âm đạo bằng cách nào?
Để phòng ngừa nhiễm nấm âm đạo, bạn cần:
- Không mặc đồ lót ẩm ướt, không mặc đồ lót quá chật, bó sát người
- Không tự thụt rửa âm đạo
- Chọn và sử dụng băng vệ sinh chất lượng tốt
- Quan hệ tình dục an toàn
Tóm lại: Nấm âm đạo là bệnh lý khá phổ biến ở phụ nữ nên khi có dấu hiệu của nấm âm đạo, bạn nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị, tránh tự mua nước thụt rửa âm đạo và tự chữa trị dẫn tới bệnh nặng hơn hoặc tái đi tái lại nhiều lần gây ảnh hưởng tới sức khỏe và cuộc sống hàng ngày.
Tin nổi bật
- Làm thế nào để đối phó với lo âu và trầm cảm
20/06/2024 - 10:47:23
- 5 cách phòng viêm quanh răng tránh nguy cơ rụng răng
12/03/2024 - 16:52:56
- Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
01/03/2024 - 11:22:11
- Bất ngờ với nguyên nhân gây viêm lợi nhiều người chưa biết
27/02/2024 - 11:38:18
- Tay chân bị lạnh vào mùa đông, nguyên nhân và cách khắc phục
26/02/2024 - 10:09:05
- Thời điểm tuyệt đối không nên massage cho trẻ
26/01/2024 - 10:30:39